Sự kiện diễn ra hằng ngày, hằng giờ nhưng cán bộ làm công tác này lại không được nắm bắt kịp thời do không đủ thẩm quyền để tiếp xúc trực tiếp các sự kiện...
Ghi chép biên niên sự kiện là hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, ghi chép, biên soạn về những sự kiện lịch sử hoặc biến cố đã xảy ra trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng…
Hoạt động này rất quan trọng và cần được tiến hành thường xuyên vì những tư liệu được ghi chép lại sẽ góp phần xây dựng hệ thống tri thức, phục vụ cho các công trình nghiên cứu lịch sử của tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã, các sở, ban, ngành, đoàn thể. Việc thống kê các sự kiện giúp người đọc thấy được những đóng góp cụ thể của nhân dân địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, là nguồn tư liệu chính xác giúp người đọc tìm hiểu về lịch sử của địa phương, cơ quan, đơn vị, tìm ra nguồn gốc, quy luật phát triển để có thể rút ra bài học kinh nghiệm, định hướng cho hiện tại và tương lai.
Phòng Nghiên cứu lịch sử địa phương thuộc Bảo tàng tỉnh Hải Dương được thành lập từ năm 2012 để thực hiện chức năng này. Nhưng trong quá trình thực hiện việc ghi chép những sự kiện của tỉnh, đội ngũ cán bộ của phòng gặp không ít khó khăn. Sự kiện diễn ra hằng ngày, hằng giờ nhưng cán bộ làm công tác này lại không được nắm bắt kịp thời do nhiều nguyên nhân. Ví dụ đội ngũ không đủ thẩm quyền để tiếp xúc trực tiếp các sự kiện diễn ra như các cuộc họp của Tỉnh ủy, các đoàn nước ngoài, đoàn Trung ương… về làm việc tại tỉnh; hội nghị của các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể… Do đó, việc ghi chép vẫn chủ yếu dựa trên báo chí và các trang thông tin truyền thông của tỉnh nên tư liệu thu được không thật sự đầy đủ. Trong khi biên niên sự kiện phải bảo đảm tính chính xác từ nguồn trích dẫn, nhận định, phải được ghi chép một cách khách quan và bảo đảm tính chân thực.
Để nâng cao hiệu quả công tác ghi chép biên niên sự kiện của tỉnh, thời gian tới, thiết nghĩ cần có sự giúp đỡ và tạo điều kiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố; sự giúp đỡ trực tiếp của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong tỉnh để những người ghi chép biên niên sự kiện được tham dự các cuộc họp quan trọng, tiếp cận với các tư liệu của tỉnh, ngành, địa phương phục vụ cho công tác ghi chép, biên soạn. Đặc biệt là cần có sự phối hợp chặt chẽ với các phóng viên, cơ quan báo chí trong tỉnh để cập nhật, chia sẻ thông tin, nhằm giúp công tác này ngày càng được nâng cao hiệu quả và chất lượng.
NGUYỄN HẠNH(Bảo tàng tỉnh)