Thiếu cả người và phương tiện

23/08/2012 07:00

Tình trạng trẻ sơ sinh không được cấp cứu kịp thời dễ dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề như bị ngạt sau đẻ, thiểu năng trí tuệ...



Bệnh viện Nhi Hải Dương áp dụng nhiều trang thiết bị hiện đại như máy đo
độ bão hòa ô-xy, máy thở ô-xy... trong cấp cứu trẻ sơ sinh


Đợt kiểm tra mới đây của ngành y tế tại 12 bệnh viện đa khoa tuyến huyện cho thấy, hoạt động cấp cứu trẻ sơ sinh chưa được đầu tư đúng mức, cơ sở vật chất thiếu thốn, không đủ tiêu chuẩn, thiếu cả trang thiết bị và nguồn nhân lực.

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hải Dương, công tác cấp cứu trẻ sơ sinh yêu cầu phải có các phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật gồm: Monitor hoặc máy đo độ bão hòa ô-xy trong máu, bộ cấp cứu ngừng thở, máy hút, bộ đặt nội khí quản, ống nghe, nhiệt kế, tủ thuốc cấp cứu, dụng cụ giữ ấm như đèn sưởi, lồng ấp... Phòng cấp cứu sơ sinh phải được đặt kế cận phòng đẻ, sạch sẽ, đủ không gian cho các dụng cụ cấp cứu. Hiện tại chỉ có 5 bệnh viện có phòng cấp cứu sơ sinh riêng biệt gần phòng mổ hoặc tại các khoa nhi. Các bệnh viện còn lại cấp cứu trẻ sơ sinh ngay tại phòng đẻ hoặc tại phòng phẫu thuật. Sau khi cấp cứu, ngoài số trẻ tiếp tục được chuyển viện, các trẻ không phải chuyển viện  thường nằm chung phòng cấp cứu với bệnh nhân người lớn, khả năng nhiễm khuẩn cao.

Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa huyện Nam Sách hiện còn thiếu nhiều phòng, chỉ có 1 phòng làm việc cho tất cả nhân viên, 1 phòng đẻ, 1 phòng khám thai, 1 phòng thủ thuật, 1 phòng khám phụ khoa và 5 buồng bệnh. Chỉ tiêu giường bệnh là 25 nhưng bệnh viện đã kê 35 giường vì thường xuyên quá tải, người bệnh nhiều khi vẫn phải ghép đôi. Phòng đẻ có 2 bàn đẻ không đáp ứng đủ yêu cầu, khi có nhiều ca đẻ cùng lúc, khoa phải tận dụng cả phòng thủ thuật, phòng khám phụ khoa làm phòng đẻ. Thiếu phòng nên bệnh viện chưa bố trí được phòng cấp cứu sơ sinh vô trùng theo quy định. Hơn nữa, khoa hiện chỉ có 1 monitor theo dõi sản khoa, 1 máy hút nhớt cũng không đáp ứng đủ nhu cầu nếu có nhiều trẻ ra đời cùng lúc. Bệnh viện cũng được cấp 1 lồng ấp cách đây khoảng 3- 4 năm nhưng vẫn "đắp chiếu" từ đó đến nay. Chị Nguyễn Thị Thơm, nữ hộ sinh của Khoa Sản cho biết: "Các tài liệu hướng dẫn sử dụng lồng ấp đều bằng tiếng Anh nên chúng tôi không sử dụng được. Hơn nữa, khi đi tập huấn, chúng tôi được học cách sử dụng những máy móc hiện đại, khác hoàn toàn với lồng ấp tại bệnh viện. Thậm chí, tôi còn mang tài liệu của lồng ấp tại bệnh viện lên hỏi nhưng họ cũng không hướng dẫn được". Hiện tại, bệnh viện cũng chưa có bác sĩ chuyên khoa sơ sinh, vì thế ê-kíp cấp cứu trẻ sơ sinh chưa đồng bộ. Bình quân mỗi tháng Khoa Sản có khoảng 180 - 200 ca sinh đẻ nên áp lực rất lớn. Những năm gần đây, những ca sinh khó càng nhiều, Khoa Sản đã tập trung hồi sức cấp cứu trẻ sơ sinh và nhanh chóng chuyển lên tuyến trên để tiếp tục xử lý.


Lồng ấp trẻ sơ sinh "đắp chiếu" tại Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa huyện Nam Sách


Qua kiểm tra kiến thức, kỹ năng theo dõi phát hiện nguy cơ, cấp cứu sản khoa và sơ sinh, quy trình vô khuẩn, về lý thuyết, 100% số cán bộ đều đạt, tuy nhiên kỹ năng thực hành có đến 42% chưa đạt yêu cầu. Trong cấp cứu trẻ sơ sinh, kỹ thuật đặt nội khí quản đóng vai trò quyết định cứu sống trẻ sơ sinh trong trường hợp trẻ hít phải phân xu. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có 3 bệnh viện có đầy đủ bộ đặt nội khí quản: Kinh Môn, Thanh Hà và thị xã Chí Linh, nhưng cũng chưa có bác sĩ sản khoa nào thực hiện được kỹ thuật này. Tất cả bệnh viện đều được trang bị lồng ấp nhưng hiện chỉ có Bệnh viện Đa khoa thị xã Chí Linh sử dụng được (chưa tận dụng được hết chức năng). 11 chiếc lồng ấp còn lại bị "đắp chiếu", trong khi đó Bệnh viện Nhi Hải Dương lại thiếu. Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác đào tạo để sử dụng được các trang thiết bị y tế chưa tốt. Nhiều nơi không tổ chức đào tạo tại chỗ hoặc việc đào tạo chưa đúng việc, đúng người. Ngoài ra, sự phối hợp giữa khoa nhi, khoa sản chưa tốt nên công tác cấp cứu trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng. Khả năng tiên lượng cuộc đẻ còn yếu.

Tình trạng trẻ sơ sinh không được cấp cứu kịp thời dễ dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề như bị ngạt sau đẻ, thiểu năng trí tuệ, giảm tâm thần, vận động. Dù bệnh nhân được chuyển tuyến thì việc cấp cứu cũng khó khăn hơn. Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 7 trẻ sơ sinh tử vong do nhiều nguyên nhân như sinh non, thiếu tháng, dây rau thắt nút...

Để khắc phục tình trạng trên, ngành y tế đã đề xuất các giải pháp quan trọng. Trước tiên, các bệnh viện cần rà soát sắp xếp hợp lý, bố trí đủ các khoa, phòng chuyên môn. Đặc biệt là tách 2 phòng đẻ, phòng cấp cứu sơ sinh. Bệnh viện cần quan tâm bổ sung các trang thiết bị phục vụ cho hồi sức sơ sinh, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tính sẵn sàng trong việc chuẩn bị cho các tình huống cấp cứu và thực hiện nghiêm túc các chế độ chuyên môn. Công tác đào tạo tại chỗ hoặc phối hợp với tuyến trên cần được quan tâm, đặc biệt nâng cao chất lượng thông qua hình thức "cầm tay chỉ việc" các kỹ năng phát hiện sớm nguy cơ, theo dõi, xử trí cấp cứu sơ sinh cho nhân viên y tế tại khoa sản; đào tạo kíp hồi sức sơ sinh bài bản từ 3 - 6 tháng. Quan tâm đến đào tạo vận hành các trang thiết bị mới cho nhân viên trực tiếp sử dụng tránh để tình trạng lãng phí trang thiết bị y tế như hiện nay.

MINH HẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiếu cả người và phương tiện