Các nhà khoa học Mỹ đã phát triển thành công thiết bị cảm ứng đeo tay có thể phát hiện các bệnh như u sơ, tiểu đường và một số loại bệnh khác thông qua tuyến mồ hôi.
Nghiên cứu do các chuyên gia đến từ Đại học Stanford và Đại học California phối hợp thực hiện đã cho ra đời một loại thiết bị cảm ứng mới có thể lấy mẫu mồ hôi của người sử dụng, xác định các thành phần cấu tạo sau đó chuyển kết quả đi phân tích và chẩn đoán thông qua một điện thoại thông minh.
Đặc biệt, khi sử dụng thiết bị này, người dùng không cần phải ngồi bất động một chỗ trong thời gian dài để thiết bị lấy mẫu mồ hôi như các sản phẩm từng được phát triển trước đây. Thay vào đó, với cấu tạo là một hệ thống 2 phần gồm các mạch cảm ứng và mạch vi xử lý bám vào da, thiết bị sẽ chủ động kích thích tuyến mồ hôi sau đó lấy mẫu mồ hôi để phân tích.
Thông thường, để phát hiện một số bệnh như u sơ, bệnh nhân phải tới trung tâm chuyên khoa và ngồi khoảng 30 phút để lấy mẫu mồ hôi, trong khi loại thiết bị mới có thể kích thích tuyến mồ hôi hoạt động chỉ trong vòng vài phút, sau đó nhanh chóng xác định thành phần mồ hôi và chuyển dữ liệu đi phân tích một cách nhanh chóng thông qua điện thoại di dộng.
Vì vậy có thể nói phát minh mới này "là một bước tiến lớn." Bên cạnh ưu điểm vượt trội về thời gian, công nghệ mới cũng được cho là có thể phân tích các thành phần hóa học khác có trong mồ hôi, một nguồn cung cấp thông tin sức khỏe hết sức đầy đủ và hữu dụng vốn được ứng dụng nhiều để phát triển các loại thiết bị hỗ trợ phát hiện sớm các bệnh lý ở con người.
Nhóm nghiên cứu đang chuẩn bị đưa thiết bị vào thử nghiệm lâm sàng rộng rãi để xác định độ chính xác của ứng dụng cảm ứng mồ hôi mới này. Về lâu dài, các nhà khoa học kỳ vọng sẽ đưa thiết bị này vào các thiết kế đồng hồ thông minh để có thể ứng dụng rộng rãi hơn.