Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble đã tỏ ra không hài lòng khi ban lãnh đạo Tập đoàn xe Volkswagen lại vẫn được trả thưởng năm 2015.
Trên tờ Frankurter Allgemeine Sonntagszeitung, Bộ trưởng Schäuble nói thẳng: “Tôi không ưa được các lãnh đạo đã đẩy một doanh nghiệp hàng đầu vào cuộc khủng hoảng có nguy cơ dẫn đến sụp đổ và nay họ lại có thể đứng ra tranh luận bảo vệ quyền nhận thưởng cho mình. Điều đó cho thấy có gì đó bất ổn”.
Thực tế là trong vụ bê bối Dieselgate (liên quan 11 triệu xe phải xem xét lại hệ thống xả khí thải), Hãng xe Volkswagen hàng đầu của châu Âu mất hàng chục tỷ USD tiền bồi thường, chưa kể những thiệt hại kèm theo. Trong khi đó trị giá cổ phiếu của hãng giảm đến 30% sau khi vụ việc bùng nổ, khiến Chủ tịch Martin Winterkorn phải từ chức.
Vậy mà 12 thành viên ban lãnh đạo hãng này (gồm cả đương nhiệm lẫn vừa từ chức) vẫn đòi nhận số tiền thưởng 63,24 triệu euro theo đúng hợp đồng. Dù có thấu hiểu tình cảnh của hãng cũng như phản ứng sẽ có của người lao động, ban lãnh đạo Volkswagen khẳng định sẽ “giam lại” một phần tiền thưởng năm 2015 nhưng phải trả hết cho các nhà lãnh đạo một khi doanh thu của hãng hồi phục, đặc biệt là giá cổ phiếu lên trở lại.
Dĩ nhiên trong tình thế này dư luận không thể để yên. Chính quyền bang Basse-Saxe - cổ đông lớn thứ hai của Hãng Volkswagen - đã nêu yêu cầu phải hủy đợt thưởng này hoặc chí ít phải giảm đi. Hội đồng giám sát của hãng cũng tuyên bố sẽ không để yên.
Ông Jörg Bode, cựu thành viên hội đồng giám sát đại diện bang Basse-Saxe, nói trên tờ Welt am Sonntag rằng ông cựu Chủ tịch Martin Winterkorn cùng bộ sậu của ông ta phải dùng tiền cá nhân trả lại số tiền tương ứng với phần thiệt hại của hãng do “gian lận có tổ chức gây ra”.
Cách đây vài ngày, ông Bernd Osterloh, thành viên hội đồng giám sát và cũng là Chủ tịch hội đồng doanh nghiệp đầy quyền lực của Volkswagen, từng tuyên bố rằng ban lãnh đạo nên tự nguyện từ chối nhận thưởng vì “đó là vấn đề đạo đức” và cũng kêu gọi xem xét lại các điều khoản hợp đồng lương thưởng với ban lãnh đạo.
Trong khi đó, đại hội cổ đông Hãng xe Renault của Pháp cũng vừa bỏ phiếu không đồng ý trả lương cho Tổng giám đốc Carlos Ghosn đến 7,25 triệu euro trong năm 2015. Họ cho rằng dẫu ông này có giúp đem lại doanh thu tăng cho hãng, nhưng thời gian ông làm cho hãng chỉ là bán thời gian (phần thời gian còn lại ông tham gia điều hành Hãng xe Nissan và bỏ túi thêm 8 triệu euro).
Dù Hội đồng quản trị của Renault sau đó đã biểu quyết đồng ý trả lương cho ông Ghosn, nhưng việc các cổ đông lên tiếng phản đối mức lương lãnh đạo như vậy là chuyện xảy ra lần đầu ở Pháp.
Theo Tuổi trẻ