Nhiều phụ huynh và học sinh ở Hải Dương bất ngờ và lo lắng khi năm nay lần đầu tiên học sinh thi vào lớp 10 THPT công lập phải làm bài thi môn hóa học theo hình thức trắc nghiệm.
Giáo viên môn hóa học ở nhiều trường đã quan tâm xây dựng hệ thống kiến thức lý thuyết cơ bản, các chủ đề, chuyên đề để ôn tập cho học sinh
Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm nay lần đầu tiên thí sinh sẽ phải làm bài thi môn hóa học theo hình thức trắc nghiệm.
Nhiều học sinh, phụ huynh lo lắng
Những năm gần đây, tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT ngoài 2 môn thi bắt buộc là toán và ngữ văn, môn thi thứ ba phần lớn là tiếng Anh. Bởi vậy, học sinh thường tập trung học môn tiếng Anh nhiều hơn một số môn khác như hóa học, vật lý, sinh học... Rất nhiều học sinh lớp 9 đã tỏ ra bất ngờ, lo lắng khi biết môn thi thứ ba tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay là hóa học, lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Trước đây thi tuyển vào lớp 10 cũng từng có môn hóa học nhưng theo hình thức tự luận. Em V.K, một học sinh lớp 9 của Trường THCS Nam Trung (Nam Sách) chia sẻ: "Em chủ quan, học thiên về môn tiếng Anh nhiều hơn. Khi biết môn thi thứ 3 là môn hóa em rất lo vì lực học môn này trung bình. Giờ em phải đầu tư nhiều thời gian cho môn hóa hơn trước".
Nhiều phụ huynh cũng tỏ ra băn khoăn, lo lắng cho con mình. Một phụ huynh ở Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hải Dương) mới đây đã phải thuê hẳn một thầy giáo dạy môn hóa học để bổ trợ kiến thức riêng cho con sắp thi vào lớp 10 THPT. "Cứ nghĩ như mấy năm nay môn thi thứ 3 là tiếng Anh nên chúng tôi định hướng cho cháu tập trung vào môn này, ai ngờ...", phụ huynh này nói.
Sau khi môn hóa học được chọn, nhiều ý kiến cho rằng lẽ ra nên tiếp tục đưa môn tiếng Anh vào làm môn thi thứ ba tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT vì việc dạy và học môn này của học sinh tỉnh ta còn nhiều hạn chế. Tại một số kỳ thi THPT quốc gia gần đây, điểm thi môn tiếng Anh của học sinh Hải Dương rất thấp.
Lý giải vấn đề này, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết việc lựa chọn môn thi thứ 3 cho kỳ thi tuyển sinh vào trường THPT công lập được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ đầu năm học, sở đã quán triệt rõ quan điểm không nhất thiết chọn tiếng Anh là môn thi thứ 3 mà có thể là các môn khác để học sinh chú ý học đều các môn, không học lệch. Ở trường THCS, bắt đầu từ lớp6 học sinh đã phải học các môn vật lý, sinh học..., riêng môn hóa học đến năm lớp 8 mới phải học. Điều này đồng nghĩa lượng kiến thức của môn hóa học ít hơn các môn còn lại. Thời gian qua, học sinh đã phải nghỉ học dài ngày để phòng chống dịch Covid-19. Việc lựa chọn môn thi thứ 3 là hóa học sẽ giúp học sinh đỡ áp lực hơn.
Nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa
Theo cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2020-2021 do Sở Giáo dục và Đào tạo đã công bố, đề thi môn hóa học sẽ gồm 25 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài 45 phút. Nội dung đề thi môn này chủ yếu ở lớp 9. Các câu hỏi trong đề thi có đủ 4 mức độ: nhận thức, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. 60% số câu hỏi liên quan đến phân môn vô cơ và 40% liên quan đến phân môn hữu cơ. Đáng chú ý trong đề thi môn hóa chỉ có 3 câu hỏi vận dụng cao, chiếm 12% tổng số câu hỏi. "Với cấu trúc đề thi như vậy, tôi nghĩ học sinh có học lực trung bình vẫn có thể đạt được điểm khá. Từ nay đến lúc thi các em cần được ôn tập kiến thức kỹ lưỡng kết hợp thường xuyên làm đề thi minh họa để tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm", cô giáo Phạm Thị Diền, Trường THCS Gia Khánh (Gia Lộc) nêu quan điểm.
Một số giáo viên dạy hóa cho rằng số lượng câu hỏi trong đề thi trắc nghiệm nhiều hơn thi tự luận, nội dung kiến thức cũng sẽ rộng hơn. Do đó đòi hỏi học sinh phải nắm vững kiến thức cơ bản và có kỹ năng thực hiện các bài tập tính toán thành thạo. Mặc dù nội dung kiến thức đề thi môn hóa học chủ yếu ở lớp 9 nhưng học sinh cần nắm vững kiến thức lớp 8, nhất là những em có học lực trung bình thì mới có thể làm được bài. Bởi lẽ kiến thức hóa học lớp 8 có liên quan logic với kiến thức lớp 9.
Theo cô giáo Hồ Thảo Huyền, giáo viên môn hóa Trường THCS Phạm Sư Mạnh (Kinh Môn), để làm bài thi tốt, học sinh phải nắm vững những nội dung cơ bản trong sách giáo khoa như khái niệm, tính chất vật lý, tính chất hóa học của các chất cũng như ứng dụng. Sử dụng sơ đồ tư duy (Mindmap) để hệ thống hóa kiến thức. Đối với bài tập, phải nắm vững những dạng bài cơ bản như tính toán theo công thức, phương trình hóa học, tính thể tích khí ở điều kiện tiêu chuẩn, khối lượng, nồng độ dung dịch...
Giáo viên môn hóa một số trường cho biết họ đã xây dựng hệ thống kiến thức lý thuyết cơ bản, xây dựng các chủ đề, chuyên đề để ôn tập cho học sinh. Trong mỗi chủ đề, chuyên đề sẽ xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập trắc nghiệm theo 4 mức độ để học sinh rèn kỹ năng làm bài thi.
Đề thi môn hóa học tới đây sẽ theo dạng trắc nghiệm khách quan (dạng câu hỏi có nhiều lựa chọn). Với những câu hỏi dạng tính toán thí sinh vẫn phải đặt bút để tính trên giấy nháp. Do đó từ lúc này, học sinh lớp 9 cần bám sát sách giáo khoa, học chắc kiến thức cơ bản, tích cực rèn một số dạng bài tập tính toán theo phương trình hóa học, hình vẽ, thí nghiệm có liên hệ thực tế.
TIẾN MẠNH