Từ mùng 3 Tết, các chợ trong tỉnh đã hoạt động trở lại phục vục nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Trong khi nguồn hàng khá dồi dào thì nhu cầu mua sắm của người dân lại không cao.
Giá rau xanh đã trở về ổn định như những ngày thường
Thực phẩm dồi dào
Mặt hàng bày bán chủ yếu là thực phẩm tươi sống, rau xanh, hoa quả. Những gian hàng bán đồ gia dụng, quần áo vẫn treo biển “nghỉ Tết” do người dân chưa có nhu cầu mua các loại hàng này. Theo đánh giá của một số tiểu thương, năm nay thời tiết thuận lợi cho vật nuôi, cây trồng sinh trưởng, phát triển nên nguồn thực phẩm khá dồi dào, không xảy ra tình trạng khan hiếm. Trong khi giá thực phẩm tươi sống tăng cao so với ngày thường và giữ ổn định trong mấy ngày Tết thì rau xanh chỉ tăng nhẹ và đã trở về giá thường ngày.
Nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng nên sau Tết, các loại thực phẩm được bày bán nhiều là thuỷ, hải sản, rau, quả. Các loại thịt, nhất là thịt lợn và gà được bán với số lượng hạn chế. Tại TP Hải Dương, giá thực phẩm có sự khác nhau giữa các chợ Đông Ngô Quyền, Kho Đỏ, Phú Yên… Cụ thể, cá trắm loại từ 3kg/con trở lên được bán với giá từ70.000-85.000 đồng/kg; cá cắt khúc 130.000-135.000 đồng/kg, tăng 10.000-20.000 đồng/kg so với ngày thường; thịt bò từ 270.000-280.000 đồng/kg; thịt lợn ba chỉ 70.000 đồng/kg, tăng từ 5.000-20.000 đồng/kg. Các loại hải sản như ngao, cua, ghẹ được bày bán với số lượng ít. Chị Nguyễn Thị Hương bán hải sản ở chợ Phú Yên cho biết: “Đầu năm số người đi biển còn ít nên giá các loại hải sản khá cao, ghẹ 450.000 đồng/kg, cua 650.000 đồng/kg, tôm loại to 400.000 đồng/kg, tăng từ 50.000-80.000 đồng/kg”.
Đến ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết, giá bán thực phẩm tươi sống ở chợ Cháy, chợ Hương của huyện Thanh Hà… chỉ tăng từ 10.000-20.000 đồng/kg so với ngày thường, giảm từ 5.000-10.000 đồng/kg so với mùng 2 và 3 Tết. Cụ thể, giá thịt bò từ 260.000-270.000 đồng/kg, thịt trâu từ 250.000-260.000 đồng/kg, thịt lợn từ 60.000-70.000 đồng/kg, cá trắm từ 60.000-70.000 đồng/kg... Chị Nguyễn Thị Lan bán thực phẩm tươi sống ở chợ Cháy (xã Cẩm Chế) cho biết: “Giá bán tăng cao những ngày đầu xuân do vài năm trở lại đây, người dân không còn thói quen dự trữ thịt như trước mà chuộng thực phẩm tươi. Trong khi đó, nhiều sạp hàng đóng cửa ngày đầu năm nên lượng hàng ít khiến giá bán cao”.
Trong khi giá bán thực phẩm tươi sống tăng mạnh thì rau xanh trong mùng 2 và 3 Tết tăng nhẹ, hiện đã trở về giá như những ngày thường. Chị Nguyễn Thị Hà bán rau ở chợ Yên (Tứ Kỳ) cho biết: “Cải xoong, rau cần hiện chỉ 5.000 đồng/mớ, giảm 2.000-3.000 đồng/mớ so với 3 ngày trước. Các loại rau khác cũng vậy, su hào còn 2.500 - 3.000 đồng/củ, cải chíp 4.000 đồng/mớ”. Giá rau ổn định là do nguồn cung dồi dào. Đây cũng là thời điểm gieo cấy lúa chiêm xuân nên người dân khẩn trương thu hoạch rau để phá luống, làm đất, chuẩn bị gieo cấy.
Sức mua không nhiều
Sau mấy ngày Tết ăn nhiều thịt, nhiều người đi chợ chủ yếu chọn các món nhẹ nhàng, dễ tiêu hóa như cá, đậu, rau xanh… Chị Nguyễn Thị Hương ở phố Trương Mỹ (TP Hải Dương) nói: “Tôi mua rau về luộc cho cả nhà ăn đỡ xót ruột chứ mấy ngày qua ngày nào cũng ăn các món liên quan đến dầu mỡ, thịt…”.
Theo một số tiểu thương, nhu cầu mua sắm của người dân không nhiều, hàng bán chậm. Chị Hoa bán cá ở chợ Đông Ngô Quyền cho biết: “Sức mua không bằng ngày thường. Tôi chỉ có gần chục con cá mà bán mãi không hết”.
Nhiều người bán rau cũng trong tình trạng tương tự. Khi tôi hỏi mua 1 mớ rau cải chíp, người bán hàng nói 5.000 đồng, nhưng khi trả 3.000 đồng thì cũng bán. “Còn nhiều hàng em mới bán cho chị chứ bán giá này em chẳng được lãi đồng nào”, người bán rau than thở.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, giá bán ở các chợ thay đổi theo từng giờ. Nếu thấy hàng còn nhiều, ít người mua thì người bán hàng sẽ bán rẻ hơn, thậm chí chỉ cần hòa vốn.
Theo nhận định của nhiều tiểu thương, trong một vài ngày tới, số lượng người bán hàng sẽ đông hơn, giá cả các mặt hàng trở về ổn định như những ngày thường.
PV