Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1.2020 của Công ty CP Chứng khoán Thiên Việt (TVS) vừa công bố cho thấy doanh thu đã giảm tới 23% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế âm 79,6 tỷ đồng.
Kinh doanh thua lỗ, hoặc lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái là bức tranh chung của các công ty chứng khoán trong khoảng thời gian này
Thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh do đại dịch COVID-19 đã tác động đến kết quả kinh doanh quý 1.2020 của nhiều công ty chứng khoán.
Kinh doanh thua lỗ, hoặc lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái là bức tranh chung của các công ty chứng khoán trong khoảng thời gian này.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1.2020 của Công ty CP Chứng khoán Thiên Việt (TVS) vừa công bố cho thấy doanh thu hoạt động của công ty giảm tới 23% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 70,8 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty này âm 79,6 tỷ đồng, giảm tới 340% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo giải trình của TVS, nguyên nhân lợi nhuận sau thuế quý 1.2020 của công ty biến động mạnh là do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, thị trường chứng khoán đã có sự suy giảm mạnh, chỉ số VN-Index giảm tới 31%, từ mức 961 điểm (tại ngày 31.12.2019) về 662,5 điểm (ngày 31.3.2020).
Các cổ phiếu tự doanh của công ty bị giảm giá, làm tăng khoản chênh lệch giảm do đánh giá lại các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ.
Khoản lỗ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi, lỗ (FVTPL) lên tới 112,7 tỷ đồng, cao gấp 12 lần so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng lên tới 545%, ở mức 124 tỷ đồng.
Cũng trong quý 1.2020, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) báo lỗ ròng gần 31 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 lãi 30 tỷ đồng.
Theo giải trình của ACBS, các yếu tố chính dẫn tới khoản lỗ kể trên là do doanh thu hoạt động giảm 27 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, lãi từ hoạt động đầu tư giảm 15 tỷ đồng; lãi từ các khoản cho vay giảm 9 tỷ đồng và doanh thu hoạt động môi giới, lưu ký chứng khoán giảm 3 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí hoạt động kinh doanh tăng 34 tỷ đồng. Biến động tăng này chủ yếu từ khoản chênh lệch giảm do đánh giá lại tài sản tài chính tăng 41 tỷ đồng; chi phí dự phòng tài sản tài chính và tài sản nhận thế chấp cho các khoản cho vay giảm 4 tỷ đồng; chi phí nghiệp vụ môi giới, lưu ký chứng khoán giảm 3 tỷ đồng. Trong kỳ, chi phí quản lý của ACBS cũng tăng 5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS) - một trong 10 công ty có thị phần môi giới chứng khoán lớn nhất trên sàn HOSE trong quý 1.2020 cũng ghi nhận khoản lỗ lên tới trên 97 tỷ đồng, giảm mạnh gần 178% so với khoản lãi ròng 103 tỷ đồng trong quý 1.2019.
Nguyên nhân chủ yếu do hiệu quả mảng tự doanh bị ảnh hưởng nặng nề khi thị trường chứng khoán giảm mạnh do lo ngại ảnh hưởng từ dịch COVID-19.
Theo báo cáo tài chính quý 1.2020 của FPTS, doanh thu hoạt động âm 56,5 tỷ đồng chủ yếu do đánh giá lại các tài sản tài chính (FVTPL) của danh mục tự doanh bị lỗ gần 134 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi 66 tỷ đồng; trong đó, chủ yếu là khoản đầu tư cổ phiếu MSH (Công ty CP May Sông Hồng) thực hiện đánh giá lại trong kỳ.
Cũng nằm trong top 10 này, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng lỗ ròng gần 61 tỷ đồng trong quý 1.2020.
Dù doanh thu hoạt động trong kỳ tăng đáng kể, tuy nhiên do chi phí hoạt động trong kỳ tăng đột biến 2,9 lần lên mức 242,8 tỷ đồng (chủ yếu là do lỗ FVTPL gấp 5 lần cùng kỳ, lên 205 tỷ đồng) đã khiến công ty này chịu lỗ ròng trong kỳ.
Không chỉ riêng những công ty chứng khoán trên, theo khảo sát sơ bộ, trong số hơn 60 công ty chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý 1.2020 thì có tới gần 50% công ty có lợi nhuận âm, số còn lại đa phần cũng bị sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.
Chẳng hạn như Công ty CP Chứng khoán SSI giảm tới 94% lợi nhuận trước thuế trong quý 1; Công ty CP Chứng khoán VNDirect giảm 35%; Công ty CP Chứng khoán Bản Việt giảm 41%...
Việc các công ty chứng khoán kinh doanh thua lỗ, hoặc sụt giảm lợi nhuận trong quý 1/2020 nằm trong bức tranh chung của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thị trường đã trải qua 3 tháng đầu năm hết sức khó khăn, khi chỉ số VN-Index giảm về mức 662,53 điểm, tương đương giảm 31,1% so với thời điểm đầu năm. Đây là mức giảm lớn thứ 2, chỉ xếp sau mức giảm 44,25% trong quý 1.2008 là giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Bước sang quý 2.2020, các công ty chứng khoán kỳ vọng thị trường sẽ sớm hồi phục và diễn biến tích cực hơn nhờ các gói hỗ trợ kích cầu nền kinh tế từ Chính phủ; tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát...
Theo TTXVN