Thị trường gạo thế giới lo ngại hiệu ứng domino từ lệnh cấm của Ấn Độ

11/08/2023 18:46

Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể kéo theo các hành động tương tự từ các quốc gia khác khi họ buộc phải hạn chế xuất khẩu để bảo vệ người tiêu dùng.


Một nữ nông dân rải thóc ra phơi khô tại một nhà máy xay xát gạo ở ngoại ô Kolkata, Ấn Độ tháng 1.2019

Các nhà phân tích cho biết lệnh cấm mới nhất của Ấn Độ gần giống với những hạn chế mà nước này áp đặt vào năm 2007 và 2008 song tác động đối với nguồn cung và giá cả trên thị trường toàn cầu có thể còn sâu rộng hơn. So với 22% cách đây 15 năm, Ấn Độ hiện chiếm hơn 40% thương mại gạo toàn cầu, từ đó có thể gây áp lực lên các quốc gia xuất khẩu gạo khác.

"Hiện giờ Ấn Độ quan trọng hơn nhiều đối với thương mại gạo so với năm 2007 và 2008. Vào thời điểm đó, lệnh cấm của Ấn Độ đã buộc các nhà xuất khẩu khác phải thực hiện các hạn chế tương tự, như một hiệu ứng domino. Với thời điểm hiện tại, các nước khác cũng có rất ít lựa chọn ngoài việc phản ứng với thị trường”, một nhà sản xuất gạo có trụ sở tại New Delhi giấu tên cho biết.

Tác động lên giá của mặt hàng lương thực được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới diễn ra nhanh chóng, đạt mức cao nhất trong 15 năm, sau khi Ấn Độ áp đặt lệnh cấm bán gạo tẻ thường, trừ loại gạo basmati. Trước đó, vào năm 2022, New Delhi đã hạn chế nguồn cung loại gạo tấm chất lượng thấp hơn.

Các nhà phân tích cho biết nguồn cung hạn chế có nguy cơ làm tăng giá gạo và lạm phát lương thực toàn cầu, ảnh hưởng đến người tiêu dùng nghèo ở châu Á và châu Phi. 

Nitin Gupta, phó chủ tịch cấp cao của Olam Agri Ấn Độ - một trong những nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chỉ ra: “Thái Lan, Việt Nam và các nước xuất khẩu khác đang sẵn sàng đẩy mạnh khả năng xuất khẩu nhằm thu hẹp khoảng cách với Ấn Độ khi thị trường gạo toàn cầu đang bị thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế trong việc mở rộng khả năng xuất khẩu. Hạn chế này có thể tạo tiền đề cho việc tăng giá, làm liên tưởng đến đợt tăng giá đáng chú ý mà thế giới đã chứng kiến trong năm 2007-2008”.

Năm 2008, giá gạo đạt mức cao kỷ lục trên 1.000 USD/tấn sau khi Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh, Ai Cập, Brazil và các nhà sản xuất nhỏ khác cùng hạn chế xuất khẩu.

Hạn chế mà các nhà xuất khẩu gạo đối thủ với Ấn Độ phải đối mặt là họ không thể tăng xuất khẩu hơn 3 triệu tấn mỗi năm khi còn phải đáp ứng nhu cầu trong nước trong bối cảnh thặng dư hạn chế.

Cả Thái Lan và Việt Nam đều nhấn mạnh rằng họ sẽ đảm bảo người tiêu dùng trong nước không bị tổn hại kể cả xuất khẩu tăng. Trong một tuyên bố vào tuần trước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên cho biết: “Không thể chấp nhận được việc một quốc gia xuất khẩu gạo phải đối mặt với nguồn cung khan hiếm và giá trong nước cao”.

Theo một quan chức của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Pakistan (REAP), Pakistan - đang phục hồi sau trận lũ lụt tàn phá năm ngoái - có thể xuất khẩu 4,5 triệu đến 5 triệu tấn thay vì mức 3,6 triệu tấn/năm như hiện tại. Tuy nhiên, nước này khó có thể xuất khẩu không giới hạn trong bối cảnh lạm phát tại quốc gia này đang ở mức hai con số.

Hiện tại, giá gạo toàn cầu đã tăng khoảng 20% sau lệnh cấm của Ấn Độ. Theo các nhà giao dịch tại các công ty buôn bán gạo quốc tế, nếu như giá gạo tăng thêm 15%, rất có khả năng một số nước sẽ áp đặt một lệnh cấm xuất khẩu.

"Câu hỏi không phải là liệu họ có hạn chế xuất khẩu hay không, mà là họ sẽ hạn chế ở mức bao nhiêu và khi nào họ sẽ thực hiện các biện pháp đó", một thương nhân có trụ sở tại New Delhi đánh giá.

Tuần này, giá gạo ở Thái Lan và Việt Nam tăng vọt lên mức cao nhất trong 15 năm do người mua đổ xô mua gạo để bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu của Ấn Độ.

Gạo là lương thực chính của hơn 3 tỷ người và gần 90% cây lúa được sản xuất ở châu Á. Sự xuất hiện của hiện tượng El Nino khô hạn đã đe dọa mùa màng ở các nước sản xuất lúa gạo chính trong hè qua.

Theo Báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thị trường gạo thế giới lo ngại hiệu ứng domino từ lệnh cấm của Ấn Độ