Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 trở đi, thí sinh chỉ được thi 2 môn tự chọn, đồng nghĩa các em bị giới hạn tổ hợp xét tuyển đại học.
Cho rằng giảm số môn thi tốt nghiệp giúp học sinh bớt áp lực thi cử nhưng Trịnh Đình Tuấn (lớp 11, trường THPT Việt Đức, Hà Nội) lại lo lắng việc giảm số lượng môn thi có thể kéo theo việc giảm số lượng tổ hợp xét tuyển vào các trường đại học.
Ngoài 4 môn học bắt buộc Toán, Ngữ văn, Lịch sử, tiếng Anh, Tuấn còn đang theo học tự chọn tổ hợp Lý, Hóa, Sinh. Ngay từ năm lớp 10, cậu đặt mục tiêu xét tuyển vào ngành Y Dược khối B00 (Toán, Hoá học, Sinh học) và khối A00 (Toán, Vật lý, Hoá học).
Với phương án thi tốt nghiệp mới, Tuấn chỉ được chọn một trong hai tổ hợp trên để xét tuyển.
"Nếu em chọn thi môn Hoá học, Sinh học thì sẽ không được thi thêm môn Vật lý cho khối A00 và ngược lại chọn thi Hoá học, Vật lý sẽ không được thi Sinh học", nam sinh nói.
Trong khi đó, điểm chuẩn vào các trường Y Dược luôn ở ngưỡng 27, 28 điểm trở lên, nếu chọn thi khối B00 thì đồng nghĩa bắt buộc phải đỗ vào các trường lớn mới có xuất học đại học, nếu trượt sẽ phải chờ năm sau thi lại. Nam sinh lo lắng cơ hội vào một lựa chọn bao giờ cũng rủi ro hơn hai.
Em Trần Thị Phương Thảo (lớp 11, trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, Vĩnh Phúc) lo lắng khi bản thân theo học khối A00 (Toán, Vật lý, Hoá học) và A01 (Toán, Vật lý, tiếng Anh) ngay từ đầu năm lớp 10 đến nay. Tuy nhiên với phương án thi tốt nghiệp THPT 2025, Thảo chỉ có thể lựa chọn xét tuyển một trong hai tổ hợp.
"Em chỉ có thể chọn thi 2 môn tự chọn Vật lý, Hoá học hoặc Vật lý, tiếng Anh. Em thấy như vậy không công bằng và giảm cơ hội vào đại học của nhiều thí sinh", nữ sinh nói. Trong khi các trường xét tuyển đầu vào với đa dạng tổ hợp, một ngành có thể xét bằng 3 - 4 tổ hợp. Giờ đây đổi phương án thi tốt nghiệp khiến việc xét tuyển vào các trường cũng giảm độ cạnh tranh.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trung bình các đại học dành khoảng 50 - 60% chỉ tiêu tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp. Nếu thí sinh chọn bài thi Khoa học Tự nhiên, cùng lúc sẽ dùng được nhiều tổ hợp xét tuyển đại học như A00 (Toán, Lý, Hóa), B00 (Toán, Hóa, Sinh), D01 (Toán, Văn, Anh) hay A01 (Toán, Lý, Anh), D07 (Toán, Hóa, Anh).
Còn với phương án thi mới, thí sinh bị hạn chế số lượng tổ hợp xét tuyển hơn, chỉ có thể chọn xét tuyển nhiều nhất với 2 tổ hợp.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, việc giảm số môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 khiến trường đại học đau đầu cân đối tổ hợp xét tuyển, bởi số lượng thí sinh chọn theo tổ hợp tự nhiên truyền thống như A00, B00 có thể giảm.
Theo một khảo sát không chính thức, số em chọn học đồng thời các môn Lý, Hóa, Sinh ở THPT không nhiều; chưa kể việc chỉ được chọn tối đa hai môn có thể khiến học sinh có xu hướng chọn tiếng Anh và một môn khác, nhằm tăng số lượng tổ hợp xét tuyển đại học.
Với thí sinh, ông Điền khuyên nên chuẩn bị thêm cho bản thân chứng chỉ tiếng Anh, tham gia thêm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội để có thêm cơ hội xét tuyển vào các trường đại học bằng nhiều phương thức khác nhau.
Theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), với 4 môn thi, trong đó 2 môn thí sinh tự chọn, số lượng tổ hợp các môn thi là 36. Đây cũng là căn cứ để xác định các tổ hợp xét tuyển vào đại học.
Số lượng tổ hợp nói trên chỉ bằng khoảng 1/3 số lượng tổ hợp dùng xét tuyển hiện nay. Từ đó, số lượng tổ hợp xét tuyển vào đại học từ năm 2025 khả năng sẽ ít và đơn giản hơn. "Với phương thức thi 2+2, quan niệm về khối thi truyền thống cũng không còn. Cho nên các trường đại học nếu tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT thì chắc sẽ phải chọn các tổ hợp khác", ông Thanh cho hay.
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ không cho phép thí sinh thi hơn hai môn lựa chọn. Với 36 tổ hợp môn, khả năng thời gian thi bị trùng rất cao.
Ông cũng nhìn nhận số thí sinh muốn thi 3-4 môn tự chọn không nhiều và điều này nếu có cũng gây lãng phí. Còn về xét tuyển đại học, việc thí sinh lựa chọn nhiều tổ hợp để xét tuyển vào cùng một ngành có thể gây mất công bằng.
"Trước mắt, thí sinh vẫn chỉ được thi hai môn bắt buộc và hai môn tự chọn. Đây cũng là phương án có lợi cho số đông, tiết kiệm thời gian, công sức, giảm chi phí và áp lực", ông Hà nói.
Từ 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 với 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn tự chọn trong số 9 môn, gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.