Thi thử để ứng phó thi trắc nghiệm

24/03/2017 08:05

Tăng số lần thi thử, ra đề kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm là những biện pháp các trường THPT đang thực hiện để giúp học sinh quen với cách thi này.



Học sinh lớp 12A Trường THPT Nguyễn Du làm bài kiểm tra trắc nghiệm môn toán

Tăng số lần thi thử

Những năm trước đây, Trường THPT Nguyễn Du (TP Hải Dương) thường tổ chức thi thử 2 lần cho học sinh lớp 12 trước khi các em chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp. Nhưng năm nay, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định hình thức thi hầu hết các môn là trắc nghiệm, nhà trường đã quyết định tổ chức 4 lần thi thử. Trường THPT Nhị Chiểu (Kinh Môn) không chỉ tổ chức thi trắc nghiệm cho học sinh lớp 12 mà còn chuyển dần các bài kiểm tra lớp 10, 11 sang hình thức này để các em có bước chuẩn bị tốt. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Nhà trường tổ chức thi rất chặt chẽ để học sinh làm quen với hình thức thi thật từ việc phân bố thời gian làm một bài thi, tốc độ làm bài... Tổ chức thi thử giúp phân loại học sinh. Qua đó, học sinh và cha mẹ nhìn thấy thực tế năng lực để định hướng học tập và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp".

Các trường THPT trong tỉnh đều tăng cường tổ chức thi thử từ 2-4 lần trong học kỳ 2. Các lần thi thử được tổ chức tương tự thi thật nhằm giúp học sinh thích ứng với kỳ thi một cách tốt nhất bởi những thay đổi về đề thi, thời gian làm bài thi dễ khiến thí sinh lúng túng nếu không được tập dượt trước. Ví dụ, đối với đề thi tự luận trước đây, thí sinh thường chỉ làm khoảng 10 bài toán trong 180 phút. Nay thi trắc nghiệm, thời gian chỉ còn 90 phút, trong khi tăng lên 50 câu hỏi. Để trả lời câu hỏi trắc nghiệm, về mặt hình thức thí sinh chỉ cần khoanh đáp án đúng nhưng vẫn phải mất thời gian giải trên giấy nháp. Vì thế, thao tác giải bài phải thật nhanh và trong nhiều trường hợp phải biết cách suy luận tìm ra đáp án đúng.

Bên cạnh các lần thi thử được tổ chức khá công phu, các trường còn thường xuyên rèn luyện cho học sinh bằng các bài kiểm tra 1 tiết cũng với hình thức trắc nghiệm. Nhờ những lần thi và kiểm tra này, học sinh dần quen cách thi mới, không còn nhiều lo lắng, bỡ ngỡ như thời gian đầu năm học, kể cả với những môn lần đầu thi trắc nghiệm như toán, giáo dục công dân. 

Ngoài những bài kiểm tra tại trường, nhiều học sinh còn tìm thêm các đề thi trên mạng internet để tự luyện ở nhà. Hiện có nhiều fanpage luyện thi trên mạng xã hội thường xuyên cung cấp các đề thi trắc nghiệm. Đó là một kênh tham khảo khá hữu ích cho các em.

Vất vả ra đề


Để các bài kiểm tra, bài thi thử sát với kỳ thi thật, khâu vất vả nhất đối với giáo viên là ra đề thi. Một đề thi trắc nghiệm phải bảo đảm nhiều yếu tố như phần lớn là kiến thức lớp 12, số lượng câu hỏi phù hợp với thời gian, giúp học sinh vận dụng được kiến thức chứ không học vẹt, máy móc... Để thiết kế được một đề thi như vậy, giáo viên phải mất nhiều thời gian nghiên cứu, tham khảo. Thầy giáo Đỗ Anh Sơn, giáo viên toán dạy khối 12 (Trường THPT Cẩm Giàng) cho biết: "Trước đây ra đề bài tự luận chỉ mất 3-4 giờ thì nay phải làm vài ngày mới xong. Nếu làm không chắc chắn, cẩn thận sẽ dễ bị sai như một câu hỏi có nhiều đáp án hợp lý, có câu hỏi không có đáp án đúng... nên đề thi nào tôi cũng phải rà đi soát lại nhiều lần".

Giúp học sinh làm quen với kỳ thi thật song đề thi thử còn có nhiệm vụ hỗ trợ giáo viên tìm ra những phần các em còn yếu để tìm cách khắc phục. Vì vậy, việc thiết kế đề thi thử còn vất vả, khó khăn hơn so với ra đề thi thật. Cô giáo Nguyễn Thị Cúc dạy môn tiếng Anh (Trường THPT Chí Linh) cho biết, cô cho học sinh quen dần với hình thức thi trắc nghiệm bằng cách thiết kế đề thi chuyển dần từ 75% trắc nghiệm - 25% tự luận sang 100% trắc nghiệm. Sau mỗi bài kiểm tra, thi, cô Cúc lại điều chỉnh cách dạy và ôn cho học sinh để các em có thể làm bài thi sau tốt hơn. Kết quả làm bài thi trắc nghiệm tiếng Anh của học sinh ban đầu hơi kém nhưng đang khá dần lên.

Để giúp các giáo viên có kỹ năng ra đề thi thuần thục, đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi, các trường thường tổ chức sinh hoạt chuyên đề, lập các tổ, nhóm chuyên ra đề thi và khuyến khích giáo viên trong trường giao lưu, trao đổi với giáo viên ở các trường khác. Tuy nhiên, do kinh nghiệm thực tế chưa nhiều và năm nay là lần đầu tiên thi trắc nghiệm được sử dụng rộng rãi nên kết quả của những tập dượt, rèn luyện này vẫn đang chờ được kiểm chứng trong kỳ thi sắp tới.

LAM ANH

(0) Bình luận
Thi thử để ứng phó thi trắc nghiệm