Thi THPT quốc gia: Thầy và trò cùng tăng tốc

30/05/2019 06:58

Cuối tháng 5, học sinh lớp 12 đã hoàn thành chương trình học chính khóa. Từ đó đến ngày thi là quãng thời gian chạy "nước rút" của cả thầy và trò để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia.


Thời gian này, học sinh Trường THPT Thanh Hà được giáo viên tập trung củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng làm bài


Tăng khối lượng

Đến Trường THPT Thanh Hà, chúng tôi thấy không khí các lớp ôn luyện rất tập trung. Thầy giáo Lê Xuân Nguyên, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết việc ôn tập cho học sinh được nhà trường thực hiện từ đầu năm học. Nhà trường tập trung vào các môn thi đại học. Nhưng từ ngày 22.5 - 20.6, song song với ôn thi đại học, trường chú trọng ôn luyện toàn bộ các bài thi xét tốt nghiệp cho học sinh như toán, ngữ văn, tiếng Anh, tổ hợp khoa học tự nhiên, tổ hợp khoa học xã hội. Số tiết học tăng từ 1 - 2 tiết/môn/tuần lên từ 2 - 6 tiết/tuần tùy vào tính chất của từng môn. Các môn toán, ngữ văn, tiếng Anh chiếm số tiết nhiều nhất. Việc ôn luyện của trường đáp ứng gần như tất cả nhu cầu học của học sinh.

Thời điểm này, thầy và trò Trường THPT Hưng Đạo (Tứ Kỳ) cũng đang miệt mài ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi. Các môn không còn học riêng lẻ theo lớp và từng tiết mà được phân theo buổi. Môn học gộp 2 tiết thành 1 buổi và 1 tuần có 6 buổi. Trước đây, mỗi lớp chỉ học 3 buổi/tuần.

Để học sinh ôn luyện đạt hiệu quả cao, các trường đều tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí đội ngũ giáo viên tốt nhất về năng lực, kinh nghiệm để ôn luyện cho học sinh. Trường THPT Nguyễn Du (TP Hải Dương) đã chuyển toàn bộ các lớp ôn luyện sang dãy nhà hướng nam nhằm tránh nóng cho học sinh. Các phòng học được bổ sung thêm 2 quạt điện treo tường. Trường THPT Hưng Đạo còn miễn toàn bộ tiền học thêm cho hơn 10 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Cường độ ôn luyện không chỉ được đẩy cao ở nhà trường mà trước sức "nóng" của kỳ thi, học sinh cũng tất bật học thêm ở ngoài để hoàn thiện hơn. Em Bùi Phương Loan học lớp 12A, Trường THPT Nguyễn Du cho biết: "Ngoài thi xét tốt nghiệp, em còn đăng ký xét tuyển đại học theo tổ hợp D01 (toán, ngữ văn, tiếng Anh). Để có kết quả thi tốt nhất, ngoài học ở trường, em còn học thêm ở ngoài hầu như kín tuần. Buổi tối, em dành khá nhiều thời gian ôn luyện, có hôm học đến 1 - 2 giờ sáng".


Trường THPT Nguyễn Du (TP Hải Dương) tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất cho các em học sinh ôn thi hiệu quả

Rèn kỹ năng làm bài

Từ nay đến ngày thi còn chưa đầy 1 tháng nhưng là quãng thời gian quan trọng đối với học sinh để củng cố, bổ sung, nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm bài, nhất là phương pháp làm bài thi trắc nghiệm.

Cũng như một số buổi ôn luyện trước, hôm nay, dạy môn hóa ở lớp 12A, cô giáo Bùi Thị Ánh (Trường THPT Thanh Hà) chú trọng củng cố lại một số kiến thức cho học sinh. "Do chỉ còn ít thời gian nên chúng tôi không dạy lại toàn bộ kiến thức mà cùng với học sinh hệ thống lại theo từng chủ đề, dạng loại và những nội dung các em đã học từ năm trước hoặc học kỳ I. Trên nền tảng kiến thức đã dạy đi dạy lại trên lớp cũng như ôn tập trước đây, chúng tôi cho học sinh làm bài tập, làm đề theo chuyên đề hoặc hỗn hợp", cô Ánh  cho biết.

Các trường cũng thực hiện việc phân chia học sinh thành những nhóm khác nhau để có cách thức củng cố, rèn luyện phù hợp. Học sinh chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp vào một lớp, xét đại học vào một lớp, hoặc trong một lớp những em có học lực giỏi, khá, trung bình cũng có cách ôn luyện riêng. Do đó, thời gian này, giáo viên rất vất vả soạn giáo án, xây dựng các bộ đề cho học sinh làm. Giáo viên thường phải tổng hợp từ nhiều đề khác nhau mới thành một đề phù hợp với học sinh, nhất là đề dành cho học sinh có lực học trung bình, trung bình khá. 

Hiện nay, điều mà các giáo viên dạy ôn luyện rất quan tâm là rèn luyện kỹ năng làm bài trắc nghiệm cho học sinh. Thầy giáo Phạm Văn Hùng dạy môn toán Trường THPT Hưng Đạo nhận xét: "Khi đưa ra một đề, thời gian đầu chúng tôi yêu cầu học sinh làm trong 90 phút, sau đó giảm dần. Đồng thời nhắc học sinh chú ý phân bổ thời gian hợp lý, làm nhanh, chính xác những câu hỏi thuộc mức độ từ nhận biết đến thông hiểu. Sau đó, khi làm các câu ở mức độ vận dụng, vận dụng nâng cao thì khả năng làm được câu nào thì làm trước, tránh mất nhiều thời gian vào câu quá khó". 

Từ việc tập trung ôn luyện, học sinh đã từng bước vững vàng hơn cả về kiến thức lẫn kỹ năng làm bài. Em Lê Sỹ Tân, học sinh lớp 12 A, Trường THPT Thanh Hà nói: "Hiện nay, chúng em tập trung cao độ cho việc ôn luyện và khá yên tâm về khả năng của mình. Mặc dù vậy, thời gian tới chúng em còn phải nỗ lực thêm rất nhiều mới có thể đạt điểm cao ở kỳ thi". 

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Thi THPT quốc gia: Thầy và trò cùng tăng tốc