Thí sinh đặc biệt đó chính là... Bộ Giáo dục và Đào tạo, với đề thi đặc biệt: Bảo đảm kỳ thi an toàn, nghiêm túc, kết quả thi tin cậy, công bằng và củng cố lại lòng tin của người dân.
Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại Hà Giang. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Với gần 900.000 thí sinh cả nước, kỳ thi THPT quốc gia đã kết thúc từ ngày 27.6 nhưng có một “thí sinh” đặc biệt vẫn đang tiếp tục... làm bài.
Thí sinh đó chính là... Bộ Giáo dục và Đào tạo, với đề thi cũng đặc biệt không kém: Bảo đảm kỳ thi an toàn, nghiêm túc, kết quả thi tin cậy, bảo đảm sự công bằng và củng cố lại lòng tin của người dân và học sinh.
'Kỳ thi' đó đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu không chỉ từ ngày thi đầu tiên, 24.6.2019, mà từ ngay sau khi các vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 được phanh phui. Khi ấy, một thí sinh có thể được chính các cán bộ phụ trách chấm thi “phù phép” nâng lên đến 29,95 điểm trên tống số tối đa 30 điểm, có tới 222 thí sinh được nâng điểm và đẩy hàng trăm thí sinh có năng lực thực sự khác bị trượt oan trong kỳ thi quan trọng nhất sau 12 năm miệt mài đèn sách, kỳ thi mang tính bước ngoặt quyết định tương lai của đời mình.
Vụ gian lận thi cử được đánh giá là chưa từng có trong lịch sử, có quy mô, có tổ chức, được thực hiện bởi chính những người có vai trò “cầm cân nảy mực,” những người thầy, lãnh đạo giáo dục đầu ngành của địa phương, đã gây chấn động dư luận cả nước.
Lòng tin của người dân dành cho giáo dục vốn đã lung lay, lại càng thêm xáo động.
Số thí sinh bị phát hiện có điểm thi gian lận tại các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La năm 2018
Vì thế, phải lấy lại niềm tin của người dân, sự công bằng cho học sinh là quyết tâm lớn nhất của Bộ trưởng Giáo dục và Đạo tạo Phùng Xuân Nhạ trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Cùng với việc ráo riết phối hợp với cơ quan công an điều tra gian lận, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ngay lập tức rà soát lại tất cả các khâu, phát hiện các kẽ hở có thể bị lợi dụng trong quy trình tổ chức thi. Hàng loạt hàng rào kỹ thuật đã được dựng lên trong kỳ thi với mục đích chính không phải để ngăn sự gian lận của thí sinh, mà để ngăn sự gian lận của cán bộ giáo dục, công an, những người sẽ tham gia vào quá trình tổ chức thi, từ khâu coi thi đến chấm thi. Việc lựa chọn cán bộ tham gia công tác thi cũng được quán triệt rất nhiều lần với tất cả các trường đại học, các sở giáo dục và đào tạo, chủ tịch UBND các địa phương.
Trước kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tới 8 đoàn thanh tra, do các thứ trưởng, lãnh đạo các cục, vụ trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị thi ở 30 tỉnh, thành trên cả nước, từ Bắc vào Nam, theo tinh thần của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là “không được chủ quan, dù là khâu nhỏ nhất”.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ (bên phải) kiểm tra từng chi tiết trong công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia 2019 tại Sơn La. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Trong kỳ thi, bộ tăng 50% lực lượng thanh tra cắm chốt ở các địa phương, bố trí thanh tra chéo tỉnh, đưa chánh thanh tra giáo dục của tỉnh này cắm chốt ở tỉnh kia. Các đoành thanh tra lưu động của bộ cũng liên tục di chuyển thị sát thi cử. Trong 3 ngày thi, từ 25-27.6, đích thân Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cùng các thứ trưởng đã dẫn đầu các đoàn kiểm tra công tác coi thi của khoảng 20 tỉnh, thành trên cả nước, từ Lạng Sơn đến Tiền Giang. Ngoài ra, còn có 9 đoàn thanh tra thi của thanh tra bộ.
Khâu chấm thi được đặc biệt chú trọng siết chặt khi bài học từ năm 2018 cho thấy, gian lận không chỉ ở khâu coi thi như mọi người thường nghĩ mà nghiêm trọng hơn ở khâu chấm thi, với sự tinh vi, xảo quyệt và mức độ, quy mô khủng khiếp hơn nhiều. “Không được lơ là, chủ quan trong mọi công đoạn chấm thi,” đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ với tất cả các hội đồng chấm.
Ở nhiều địa phương, danh sách cán bộ tham gia công tác chấm thi được chuyển cho cho công an thẩm tra nhân thân, lý lịch để bảo đảm không chỉ về chuyên môn mà còn về nhân cách, đạo đức, trách nhiệm, trước khi được lựa chọn chính thức.
Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định “truất quyền” chấm thi trắc nghiệm của các sở giáo dục và đào tạo. Bộ trực tiếp chỉ đạo và giao cho các trường đại học chấm thi trắc nghiệm. Các phòng bảo quản đề thi, bài thi, khu vực chấm thi được lắp camera theo dõi 24/24. Đáp án bài thi được “ém” đến khi toàn bộ các bài thi đã được quét xong mới công bố. Dữ liệu bài thi sau khi được quét được mã hóa, từ hình ảnh đến kết quả thi…
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trực tiếp kiểm tra công tác chấm thi tại "điểm nóng" Hà Giang. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Với chấm thi tự luận, bộ bắt buộc vẫn phải để các sở giáo dục và đào tạo chấm vì các trường đại học không đủ đội ngũ để đảm nhiệm. Để ngăn chặn gian lận, giám thị phải bốc thăm bài chấm, ngoài chấm thẩm định 5% bài thi như các năm còn phải chấm lại tất cả các bài thi điểm cao… Ngoài ra, còn hàng loạt giấy tờ ràng buộc trách nhiệm mà theo nhiều giám thị là “ký mỏi tay.”
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cùng các thứ trưởng tiếp tục “vi hành” các hội đồng chấm. Thanh tra bộ cũng lập tới 34 đoàn thanh tra công tác chấm thi, gấp gần 4 lần số đoàn thanh tra công tác coi thi.
Hiện công tác thanh tra, kiểm tra chấm thi vẫn đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo tích cực triển khai, với tần suất di chuyển dày đặc tới các hội đồng chấm.
Sau chấm thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục rà soát, “soi” điểm thi của các hội đồng thi một lần nữa, để kịp thời phát hiện các bất thường nếu có. Đây cũng là bài học được rút ra từ kỳ thi năm 2018, khi những dấu hiệu gian lận được phát hiện nhờ kết quả thống kê cho thấy số lượng thí sinh điểm cao nhiều bất thường tại các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La so với các địa phương khác.
Việc rà soát điểm thi sau khi chấm là “chốt chặn” cuối cùng trong công tác chống gian lận thi cử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước khi điểm thi được công bố chính thức tới thí sinh. Vì thế, năm nay, kết quả thi sẽ được công bố chậm hơn ba ngày so với năm 2018.
Theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 14.7, bộ sẽ công bố điểm thi. Đó cũng là ngày Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thành “bài thi” trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, và hồi hộp chờ đợi kết quả, với hy vọng không có một cơn giông tố nào xảy ra như sau kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Đó cũng là mong đợi của hàng triệu thí sinh và phụ huynh cả nước: một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, khách quan, trung thực, công bằng.
PHẠM MAI (Vietnam+)