Không tạo sự phân biệt giữa hai đối tượng thí sinh, giúp tiết kiệm chi phí, tâm lý thoải mái, tự tin... là những tác dụng tích cực của việc tổ chức thi THPT quốc gia năm nay.
Đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia (phải)
kiểm tra công tác chuẩn bị thi của Trường THPT Nguyễn Du (TP Hải Dương). Ảnh: Huyền Trang
Tiết kiệm nguồn lựcTrong 2 năm gần đây, trước khi thi hơn 1 tháng, các bậc phụ huynh có con em tham dự kỳ thi THPT quốc gia cụm đại học đã phải tất tả lo lắng phương án di chuyển, nơi ăn ở trong những ngày thi. Năm nay, mối lo lắng này đã được xóa bỏ bởi tất cả các thí sinh đều được thi ngay tại huyện, thị xã, thành phố, nơi mình sinh sống.
Ông Phạm Văn Thương ở xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) có con chuẩn bị bước vào kỳ thi bày tỏ: "Khi biết các cháu được thi ngay tại huyện, chúng tôi rất phấn khởi vì sẽ không phải đi đường xa, có nhiều bất trắc. Tổ chức thi như thế này còn giúp phụ huynh bớt được những chi phí về ăn uống, chỗ trọ, đi lại. Bố mẹ cũng không phải nghỉ việc để đưa con đi thi".
Khi thí sinh được thi ngay tại nơi cư trú, không chỉ từng gia đình giảm bớt được các chi phí mà tổng thể nguồn lực huy động cho công tác tổ chức thi cũng được tiết kiệm hơn. Năm 2016, toàn tỉnh có 29 điểm thi với 638 phòng thi nhưng có tới hai đội đồng thi (một hội đồng thi do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, một hội đồng thi do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì). Năm nay, có 31 điểm thi, chỉ tăng 2 điểm song giảm được một hội đồng thi, giúp tiết kiệm được nhiều chi phí dành cho khâu tổ chức hội đồng.
Việc rút ngắn ngày thi từ 4 ngày xuống còn 2 ngày rưỡi cũng giúp giảm bớt được chi phí tổ chức thi. Năm ngoái, khi các thí sinh thi đại học tập trung thi ở TP Hải Dương, có những buổi thi tại các huyện cả điểm thi chỉ có chưa đến 10 thí sinh nhưng vẫn phải huy động nhân lực như những buổi thi bình thường khác, gây sự lãng phí không cần thiết. Còn khi thí sinh thi tại địa phương, điểm thi nào cũng có cả thí sinh thi tốt nghiệp lẫn đại học, sẽ hạn chế được tình trạng đó.
Tổ chức thi tại địa phương còn giảm bớt được khó khăn cho các trường cao đẳng, đại học phối hợp tổ chức thi. Bà Vũ Thùy Nga, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hải Dương cho biết: "Năm ngoái, khi tham gia tổ chức thi tại cụm thi đại học, nhà trường phải đóng góp 170 giám thị. Với yêu cầu tất cả giám thị phải là giảng viên, trường không đáp ứng được vì vượt quá tổng số giảng viên của trường. Nhà trường đã phải xin phép Bộ Giáo dục và Đào tạo để sử dụng một số sinh viên năm cuối làm giám thị nhưng rất lo lắng vì các em chưa coi thi bao giờ. Năm nay, nhà trường chỉ cần huy động 126 giảng viên đi coi thi". Trường Đại học Hải Dương năm nay cũng bớt được nỗi lo phải chuẩn bị chỗ ở, xe đưa đón cho thí sinh từ huyện lên và đội ngũ tham gia coi thi từ Hà Nội về với hơn 500 người.
Tâm lý tự tin Chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng này, bạn Lê Đăng Võ (Trường THPT Kim Thành II) cảm thấy khá thoải mái vì được thi ngay tại ngôi trường mình học. Võ cho biết: "Em thấy việc tổ chức thi cả tốt nghiệp và đại học tại huyện tạo thuận lợi cho thí sinh rất nhiều. Vì không phải đi xa nên chúng em bớt phần lo lắng, tâm lý tự tin hơn. Em đã đăng ký cả 2 bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội để lấy điểm bài cao hơn".
Không phải lo lắng đi thi xa, các thí sinh năm nay yên tâm ôn tập hơn
Khi thi tại địa phương, một số thí sinh được thi ngay tại trường mình, một số sang các trường lân cận nhưng nhìn chung khoảng cách từ nhà các em đến điểm thi đều không quá xa, có thể đi về sau mỗi buổi thi. Như vậy, thí sinh có điều kiện ăn nghỉ tốt hơn so với đi ở trọ, giảm thiểu được nhiều rủi ro khi tham gia giao thông. Không chỉ thí sinh ở dưới huyện mà các thí sinh ở TP Hải Dương cũng bớt phần lo lắng khi không có quá đông người tập trung tại thành phố như kỳ thi năm ngoái.
Cách tổ chức một hội đồng thi, không phân biệt giữa thí sinh thi tốt nghiệp và thí sinh thi đại học cũng tạo tâm lý yên tâm hơn cho các thí sinh. Đây là một nguyên nhân quan trọng khiến số lượng thí sinh đăng ký thi đại học năm nay tăng hơn năm ngoái 11,2%.
VIỆT HÒA