“Thi ở đâu?” là câu hỏi khiến nhiều học sinh lớp 12 trăn trở trong gần một tháng qua.


Trước nay, chuyện “lều chõng” lên Thủ đô hay ra tỉnh ngoài thi đại học không phải là chuyện lạ. Thậm chí có sĩ tử đăng ký dự thi đại học chỉ để biết Thủ đô chứ không phải vì khát vọng trở thành cử nhân hay kỹ sư. Nhưng năm nay thì khác. Thi ở đâu không đơn thuần là chuyện vào đại học hay “biết đó biết đây” mà còn quyết định chuyện có tốt nghiệp THPT hay không. Vì thế nhiều học sinh, nhất là các em có lực học trung bình, học yếu phải cân nhắc: Thi trong tỉnh để tốt nghiệp, rồi học nghề hay thi ở cụm liên tỉnh để có cơ hội vào đại học.

Thi ở đâu, thi chung hay thi riêng, thi bao nhiêu môn, môn nào... xem ra vẫn là những vấn đề đang được ngành giáo dục và đào tạo thử nghiệm. Thế nên trong vòng 6 năm trở lại đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT cứ mỗi năm một kiểu. Hết thi riêng từng trường lại thi theo cụm liên trường. Hết cụm lại quay về riêng lẻ. Thi đại học từ riêng đến “3 chung”, và giờ lại thi “2 trong 1” vừa lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để xét vào đại học.  Làm tới, làm lui rốt cuộc vẫn quay về câu chuyện là làm sao để đánh giá chất lượng thật của học sinh, phân luồng học sinh và tiết kiệm chi phí tổ chức thi tuyển. Có thầy giáo là cán bộ quản lý một Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện nói rằng: “Nếu tổ chức tốt các kỳ thi THPT quốc gia, thì sau 5 năm nữa, kết quả thi sẽ phản ánh đúng chất lượng thật của học sinh”. Như thế đủ thấy, hành trình đi tìm “chất lượng thật” thật không đơn giản.

Có một sự thật không ai muốn nói, nhưng ai cũng thừa nhận, ấy là các kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm được tổ chức nghiêm túc nhưng kết quả tốt nghiệp lại chưa phản ánh đúng 100% chất lượng học của học sinh. Căn bệnh thành tích không phải không chữa được, chẳng qua là người trong cuộc không muốn chữa. Có ý kiến cho rằng, ngay cả tổ chức thi như năm nay, cũng không ai dám chắc kết quả thi tốt nghiệp do các trường trong tỉnh tổ chức có khách quan hay không. Chừng nào tâm lý “đã học thì phải tốt nghiệp” hay “phải tạo điều kiện để các cháu tốt nghiệp, để các  trường có cơ hội tuyển sinh” còn tồn tại, chừng đó mọi sự cố gắng đổi mới thi cử, mong tìm đến “chất lượng thật” còn khó khăn.

“Thi ở đâu” rốt cuộc vẫn không quan trọng bằng “thi như thế nào”. Người dạy thật, học thật không sợ các kỳ thi, chỉ sợ tiêu cực không được đẩy lùi tạo ra bất công trong thi tuyển.

Một mùa thi nữa lại bắt đầu. Để những kỳ thi không còn là thử nghiệm, để thí sinh tự hào với kết quả thi của mình, điều quan trọng vẫn là phải trung thực, không chỉ đối với thí sinh mà với cả giám thị, không chỉ với ngành giáo dục - đào tạo mà với cả xã hội, nhất là các bậc phụ huynh.

HOÀI ANH


(0) Bình luận
Thi ở đâu?