Luật An ninh mạng (ANM) đã có hiệu lực được hơn 2 tháng, song vẫn còn những băn khoăn trong việc thực thi luật này.
Khi tham gia bình luận hoặc thể hiện quan điểm cá nhân trên mạng xã hội, mỗi người cần cân nhắc để tránh vi phạm điều 8 của Luật An ninh mạng
Là bà mẹ "bỉm sữa", ở nhà chăm con nhỏ nên chị Nguyễn Thị Huế ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) có khá nhiều thời gian lướt mạng. Có lần, chị đọc được bài viết đăng tải trên nhóm Facebook "Thanh Miện quê ta" có nội dung tuyển người đọc báo, soát lỗi chính tả với mức lương "cứng" từ 2 triệu đồng một tuần trở lên, một tuần trả lương một lần, người làm không cần đặt cọc tiền. Đang có nhu cầu tìm việc, thấy thông tin tuyển dụng hấp dẫn nên chị nhắn tin với người đăng bài, tỏ ý muốn nhận việc nhưng không thấy bên kia có động tĩnh gì. Chị nhắn thêm vài tin không thấy trả lời nên thôi không hỏi nữa. Kiểm tra tài khoản cá nhân đăng bài viết chị Huế mới biết là nick ảo để bán hàng online.
Chị Huế bày tỏ: “Mình thấy hơi khó chịu vì mất thời gian nhắn tin hỏi nhưng không thấy người ta trả lời. Không bị lừa tiền hay lừa thẻ nạp điện thoại nên mình không có ý kiến gì”. Chị cho biết thêm, những bài viết tuyển dụng như vậy chị gặp khá nhiều. Hiện nay, có nhiều người bán hàng trên mạng, ngoài tài khoản chính, họ còn lập thêm rất nhiều tài khoản ảo để chia sẻ, tăng tương tác. Chị Huế thắc mắc, những thông tin vu vơ, không chính xác mà những tài khoản Facebook ảo đăng như vậy có bị xử lý không và bị xử lý như thế nào?
Nhiều người chung băn khoăn với chị Huế. Bởi khoản d, điều 8 Luật ANM nêu rõ: nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Tuy nhiên chưa có quy định cụ thể thế nào là thông tin bịa đặt, sai sự thật, hoặc đúng, sai bao nhiêu phần trăm.
Thời gian qua, đã có vụ việc liên quan đến thông tin sai sự thật trên mạng xã hội bị xử lý. Ví dụ, tháng 2 vừa qua, UBND huyện Nam Sách đã xử phạt 10 triệu đồng và tịch thu tang vật đối với Phạm Xuân Trình (sinh năm 1993, thường trú tại thôn Lang Khê, xã An Lâm, Nam Sách) về tội thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc trên mạng xã hội Facebook. Trước đó, Trình đã đăng hình ảnh, thông tin một nam thanh niên đi rút tiền ở cây ATM bị cướp. Nhưng trên thực tế đó chỉ là vụ xô xát do mâu thuẫn cá nhân. Câu hỏi đặt ra là những thông tin trên mạng sai sự thật nhưng người dân không phản ánh, kiến nghị với cơ quan chức năng sẽ xử lý như thế nào?
Với lực lượng chức năng có hạn, không thể kiểm soát được toàn bộ khối lượng thông tin khổng lồ được đăng tải trên không gian mạng mỗi ngày nên điều quan trọng phụ thuộc vào trách nhiệm của mỗi người. Thực tế, nhiều người sử dụng internet mỗi ngày, dùng nhiều mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram… nhưng lại chưa quan tâm tìm hiểu về Luật ANM, chưa nắm được những nội dung cơ bản của luật này. Có người khi bực tức, cáu giận ai đó vẫn dễ dàng viết những thông tin xúc phạm danh dự, uy tín của người khác trên mạng.
Theo luật sư Dương Đức Trọng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), một trong những cái khó trong triển khai Luật ANM hiện nay là các mạng xã hội lớn đã có máy chủ tại Việt Nam nhưng hầu như chưa có văn phòng đại diện trong nước. Việc các công ty cung cấp dịch vụ mạng lưu trữ dữ liệu người dùng, dữ liệu quan trọng ở trong nước, mở văn phòng đại diện tại Việt Nam là cần thiết, bảo đảm chủ quyền và an ninh quốc gia cả trên thực tế lẫn không gian mạng. Tuy nhiên việc này chưa được thực hiện nên rất khó phối hợp trao đổi thông tin, kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ mạng này xóa bỏ các thông tin xấu độc.
Nói về việc chia sẻ thông tin trên mạng, em Trịnh Công Tuấn, sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương nêu quan điểm: “Theo em, nếu không chia sẻ thông tin cho người khác thì thôi, nhưng một khi đã đăng thì thông tin phải chính xác. Đó không chỉ là tuân thủ pháp luật mà còn thể hiện trách nhiệm với thông tin của mình đưa ra. Hiện nay, nhiều bạn khi đăng tải ảnh, thông tin sưu tầm, copy của người khác mà coi như là của mình. Việc sử dụng mạng xã hội không chỉ có trách nhiệm mà cần phải có cả văn hóa nữa”.
HÀ NGA