Thí điểm chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học "chết yểu"

01/10/2017 07:00

Sau 5 tháng thí điểm sử dụng cám sinh học Lebio, người chăn nuôi lợn ở Thanh Hà đã quay trở lại sử dụng cám truyền thống.


Sau 5 tháng sử dụng cám sinh học Lebio, đến nay anh Kiên đã quay trở lại sử dụng cám thông thường


Cám sinh học Lebio được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Thanh Hà đưa vào thí điểm ở 3 hộ chăn nuôi lợn tại các xã Thanh Xá, Thanh Xuân và Thanh Hải từ tháng 3 vừa qua.


Loại cám này được quảng bá sẽ giúp lợn hấp thụ thức ăn tốt hơn, tăng sức đề kháng, phân giảm mùi hôi thối. Nhưng sau 5 tháng thí điểm, người chăn nuôi lợn ở Thanh Hà đã quay trở lại sử dụng cám truyền thống. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.


Anh Nguyễn Văn Kiên ở thôn Thiện Trang, xã Thanh Xuân là một trong 3 hộ được chọn tham gia thử nghiệm sử dụng cám sinh học để nuôi lợn. Anh thử nghiệm cho 10 con trong tổng đàn 30 con của gia đình. Sau 5 tháng, anh Kiên cho rằng nuôi lợn bằng cám sinh học chỉ hạn chế được mùi hôi thối của chất thải chứ ưu thế về tăng trọng không rõ. Trong khi đó, giá cám sinh học lại đắt hơn cám thông thường khoảng 10.000 đồng/bao 25 kg. "Vì được hỗ trợ 30% giá cám nên gia đình tôi mới đưa vào dùng thử chứ giờ đã hết thời gian hỗ trợ nên tôi lại sử dụng cám thông thường để nuôi lợn".


Theo ông Bùi Văn Tô, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, sau mấy tháng thử nghiệm cho thấy tốc độ tăng trọng của lợn nuôi bằng cám sinh học chỉ tương đương so với nuôi bằng các loại cám công nghiệp khác. Trong khi đó, nuôi lợn bằng cám thông thường, người chăn nuôi có thể mua chịu của các đại lý, đến khi bán lợn mới trả tiền. Đối với cám sinh học, các đại lý không bán chịu mà phải trả tiền ngay nên người chăn nuôi không thích.


Thanh Hà hiện có hơn 1.800 hộ chăn nuôi. Huyện còn gặp nhiều khó khăn trong việc quy hoạch khu chăn nuôi tập trung. Việc chăn nuôi nhỏ lẻ, rải rác trong khu dân cư làm ô nhiễm môi trường, gây bức xúc dư luận nhiều năm nay. Vì thế, Phòng NN-PTNT huyện mới triển khai thí điểm mô hình sử dụng cám sinh học để chăn nuôi. Bởi đây được xem là giải pháp tốt nhất giúp cải thiện vấn đề môi trường và tạo ra nguồn thực phẩm sạch.


Tuy nhiên, cả huyện hiện mới chỉ có 1 đại lý bán cám sinh học Lebio, lại chưa chú trọng khâu tuyên truyền, quảng bá. "Đại lý chưa dành nhiều thời gian để tiếp thị sản phẩm, giới thiệu hiệu quả, ưu điểm của loại cám này cho nông dân", ông Trịnh Văn Kỷ, chủ đại lý cám sinh học thừa nhận.


Do kinh phí hỗ trợ có hạn nên mô hình thí điểm cũng chỉ triển khai được trong 5 tháng. Một số hộ chăn nuôi vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại nên khi không còn được hỗ trợ, họ lập tức quay lại với cám thông thường.


Để giải quyết tận gốc tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, huyện Thanh Hà cần quan tâm nhân rộng các mô hình chăn nuôi sử dụng cám sinh học. Huy động kinh phí và kéo dài thời gian thí điểm thêm 1-2 lứa để người chăn nuôi có thời gian kiểm nghiệm rõ hơn tính ưu việt của loại cám này. Nhà cung cấp cám cần có biện pháp tiếp cận thị trường tốt hơn, phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện, chính quyền địa phương tuyên truyền rộng rãi đến người dân. Ngoài ra, cần tạo điều kiện để người chăn nuôi có thể ứng trước và bao tiêu sản phẩm...


MINH NGUYỆT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thí điểm chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học "chết yểu"