Sáng 22-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng): Việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cần bảo đảm bình đẳng đối với các
loại hình doanh nghiệp, không phân biệt các thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp nhận các nguồn lực hỗ trợ
Ảnh: TTXVN
Quốc hội còn biểu quyết thông qua luật sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư; thảo luận dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cấp thí điểm trong 2 nămVới hơn 91% số đại biểu tán thành, QH đã thông qua nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Nghị quyết giao Chính phủ thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Việc thí điểm cấp thị thực điện tử được thực hiện trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày 1-2-2017. Chính phủ báo cáo QH kết quả thực hiện nghị quyết này tại kỳ họp cuối năm 2018.
Thị thực điện tử là loại thị thực do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp cho người nước ngoài đang ở nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam. Thị thực điện tử được cấp qua hệ thống giao dịch điện tử, có giá trị nhập cảnh một lần, thời hạn không quá 30 ngày. Việc thí điểm cấp thị thực điện tử áp dụng đối với công dân của nước có đủ các điều kiện sau: có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ; không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam. Chính phủ quyết định danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.
Cuối giờ sáng, các đại biểu QH cho ý kiến vào dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) đánh giá việc xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ khối doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển có ý nghĩa rất quan trọng. Việc hỗ trợ doanh nghiệp đã được quy định ở nhiều văn bản khác nhau, nhưng chưa đồng bộ, thống nhất. Tuy nhiên, theo đại biểu Bình, việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần bảo đảm bình đẳng đối với các loại hình doanh nghiệp, không phân biệt các thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp nhận các nguồn lực hỗ trợ. "Nếu xây dựng luật với nội dung và tên gọi chỉ hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thì có thể hiểu là chỉ tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ", đại biểu Bình băn khoăn. Theo đại biểu Bình, trên cơ sở nhất trí cần tập trung tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp lớn phát triển, trong đó có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp lớn để tạo thành chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng, chứ không nên cắt khúc hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) tán thành việc sử dụng tiêu chí tổng nguồn vốn và số lao động để phân loại quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, tiêu chí về số lao động cần được quy định rõ gắn với tiêu chí tham gia bảo hiểm xã hội, làm cơ sở để kiểm soát và đối xử công bằng, đồng thời cũng là biện pháp tích cực để thúc đẩy mở rộng diện bao phủ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Nhận xét chưa từng có tiền lệ lập pháp bằng biểu bảng như khoản 1 điều 4, đại biểu Hiền đề nghị cần bảo đảm quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong việc diễn giải và quy định minh bạch về tiêu chí xác định từng loại quy mô doanh nghiệp bằng ngôn ngữ viết, để áp dụng pháp luật chính xác, dễ viện dẫn vì không thể hiện bằng ngôn ngữ viết nên không minh bạch được việc phải đáp ứng cùng lúc 2 tiêu chí, hay tiêu chí nào có tính ưu tiên hơn, không rõ các tiêu chí này xác định theo hằng năm hay theo bình quân giai đoạn.
Cũng trong buổi sáng, QH biểu quyết thông qua dự án luật sửa đổi, bổ sung diều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.
Dừng dự án điện hạt nhân Ninh ThuậnCuối giờ chiều cùng ngày, QH họp riêng biểu quyết thông qua nghị quyết về việc dừng thực hiện dự án xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận.
Nghị quyết nêu rõ, dự án xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận được QH thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 41/2009/QH12 ngày 25-11-2009. Dự án gồm 2 Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2; công suất lắp đặt mỗi nhà máy khoảng 2000 MW để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước và tỉnh Ninh Thuận. Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án một cách thận trọng, chắc chắn, theo đúng quy định của pháp luật. Công nghệ hạt nhân của Liên bang Nga và Nhật Bản dự kiến sử dụng cho các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đều là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, có mức độ an toàn rất cao. Tính đến thời điểm hiện tại, một số việc chính của dự án đã được triển khai.
Việc dừng thực hiện dự án không phải với lý do công nghệ mà là do điều kiện kinh tế nước ta hiện nay. Cụ thể, tình hình phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định chủ trương đầu tư dự án, dư địa về tiết kiệm điện còn nhiều, khả năng liên kết lưới điện khu vực để trao đổi mua bán điện với các nước láng giềng dự kiến sẽ tăng cường trong thời gian tới và đặc biệt là tiềm năng sử dụng các dạng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời trở nên khả thi về kinh tế do giá thành sản xuất điện từ các dạng năng lượng này đã giảm đáng kể trong giai đoạn 5 năm qua. Mặt khác, nước ta đang cần nguồn vốn lớn để đầu tư phát triển các dự án cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cũng như nguồn vốn để giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra.
Việc dừng thực hiện dự án đã được Chính phủ Việt Nam trao đổi với các đối tác Liên bang Nga và Nhật Bản cùng với thời điểm báo cáo QH xin chủ trương dừng thực hiện dự án. Mặc dù các đối tác Nga và Nhật Bản đều bày tỏ sự đáng tiếc về việc này với nhiều kết quả đã đạt được trong hợp tác đầu tư xây dựng các Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, song về cơ bản, các đối tác đều thể hiện quan hệ hữu nghị, bày tỏ sự cảm thông và tôn trọng quyết định của Việt Nam. Chính phủ Liên bang Nga và Nhật Bản mong muốn sẽ tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam một số lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng để thay thế cho hợp tác đầu tư xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Chính phủ Việt Nam khẳng định việc dừng thực hiện dự án không làm ảnh hưởng đến quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga và quan hệ đối tác sâu rộng với Nhật Bản. Để thay thế cho hợp tác đầu tư xây dựng các Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục trao đổi với Chính phủ Liên bang Nga và Nhật Bản về hợp tác thực hiện các dự án trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng, kinh tế, thương mại mà các doanh nghiệp của Nga và Nhật Bản có thế mạnh, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam...
Trước đó vào đầu giờ chiều, QH thảo luận dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).
Ngày 23-11, QH tiếp tục làm việc và bế mạc.
TTXVN-VGP
Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương): Quy định rõ việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Trước hết, tôi tán thành với quy định về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại điều 4 của dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV. Việc căn cứ vào số lao động trung bình trong doanh nghiệp và nguồn vốn của doanh nghiệp có tính ổn định hơn so với doanh thu và đây cũng là một trong những căn cứ tính thuế mà số liệu cơ quan quản lý thuế nắm khá rõ. Tuy nhiên, tôi đề nghị làm rõ tổng nguồn vốn của doanh nghiệp gồm các loại vốn và tài sản, kể cả vốn vay và tài sản được sử dụng vào hoạt động của doanh nghiệp. Để thống nhất, cũng nên quy định tiêu chí nguồn vốn cùng với tiêu chí lao động bình quân trong doanh nghiệp siêu nhỏ chứ không chỉ quy định số lượng lao động.
Thứ hai, điểm mấu chốt trong dự thảo luật là cần xác định rõ vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ DNNVV. Theo các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã và đang thực hiện hoặc chuẩn bị ký kết thì quy định về hỗ trợ của Nhà nước đối với DNNVV cần chuyển từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp để tránh can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp và vi phạm các cam kết quốc tế. Sự hỗ trợ của Nhà nước đối với DNNVV không gây ra sự bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp; hỗ trợ nhưng không làm méo mó thị trường.
Dự thảo luật quy định khá nhiều nội dung có sự hỗ trợ từ nguồn lực của Nhà nước. Trong bối cảnh nguồn lực của Nhà nước có hạn thì phạm vi, đối tượng hỗ trợ cho các DNNVV rất lớn. Ví dụ tại điều 12, quy định giảm tiền thuê đất và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, cụm công nghiệp có một phần hoặc toàn bộ DNNVV thuê đất… Tuy nhiên, dự thảo luật mới chỉ quy định chung về vấn đề hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Còn nguồn lực cụ thể tùy thuộc vào việc cân đối ngân sách hằng năm. Xuất phát từ những phân tích nêu trên, tôi đề nghị cần rà soát toàn bộ các nội dung hỗ trợ có sử dụng tới nguồn lực của Nhà nước cho phù hợp với Luật Ngân sách và điều kiện về nguồn lực của Nhà nước. Cần bố trí một nguồn lực xác định trong ngân sách hằng năm để hỗ trợ DNNVV; cần tập trung hỗ trợ nguồn lực cho việc tiếp cận chính sách, pháp luật, chuyển giao công nghệ, các doanh nghiệp khởi nghiệp, các hoạt động đầu tư có tính sáng tạo và chứa đựng yếu tố rủi ro.
Thứ ba, về hình thức hỗ trợ tiếp cận tín dụng, tại khoản 1 điều 9 có quy định: các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận vốn thông qua: Cung cấp khoản vay với lãi suất và thời hạn vay vốn phù hợp với khả năng thanh toán của doanh nghiệp và tình hình tài chính của ngân hàng. Quy định như vậy là chung chung và khó khả thi. Hiện nay, nhu cầu về vay vốn phát triển sản xuất của DNNVV là rất lớn, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp có tài sản bảo đảm thế chấp rất ít. Điều DNNVV cần là khả năng tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn chứ không chỉ là được vay với mức lãi suất thấp hơn. Vì vậy cần có quy định về mức cho vay trên giá trị tài sản thế chấp, khuyến khích ngân hàng thương mại có những gói vay ưu đãi dành riêng cho các DNNVV. Cần quy định rõ nguyên tắc áp dụng mức độ lãi suất cho vay đối với DNNVV. Thứ tư, thực tiễn cho thấy ngoài nhu cầu hỗ trợ về tài chính, tín dụng thì các DNNVV rất cần hỗ trợ tiếp cận chủ trương, chính sách, về quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế và hỗ trợ pháp lý trong giải quyết tranh chấp dân sự, thương mại. Tuy nhiên, tôi thấy trong dự thảo luật quy định về các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực này chưa rõ. Tôi đề nghị tách riêng khoản 2 của điều 16 thành một điều mới về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV. Tôi cũng đề nghị xem lại khoản 3 điều 16 có quy định hỗ trợ pháp lý của Nhà nước đối với DNNVV. Nhưng tại điều 7 của dự án Luật Trợ giúp (sửa đổi) lại không quy định DNNVV là đối tượng được trợ giúp pháp lý. Đồng thời, về đối tượng được Nhà nước hỗ trợ tư vấn, cần xác định rõ đối tượng hỗ trợ là chủ doanh nghiệp hay là doanh nghiệp (gồm cả người lao động).
Thứ năm, cũng tại điều 16 của dự thảo luật quy định về hỗ trợ thông tin và tư vấn, tại khoản 1 có quy định: Nhà nước thu thập và công bố trên Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ DNNVV cơ sở dữ liệu về mạng lưới tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn DNNVV trong các lĩnh vực. Tại khoản 2 có quy định DNNVV lựa chọn tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn trong cơ sở dữ liệu công bố trên Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ DNNVV được Nhà nước hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn. Quy định như vậy chưa bảo đảm công bằng. Tôi đề nghị quy định rõ tiêu chí những tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ nào bảo đảm chất lượng và hiệu quả, chứ không phải chỉ là thu thập danh sách rồi đưa lên cổng thông tin, tránh tình trạng cung cấp thông tin các tổ chức, cá nhân không bảo đảm chất lượng. Đồng thời, nên mở rộng đối tượng cho cả những tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNNVV trên Cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh.
|