Tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng dự kiến sẽ triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng (ETC) từ ngày 5.5.2022.
Phương tiện đi vào làn thu phí tự động không dừng tại trạm thu phí đầu tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+
Sau thời gian thí điểm, nếu thành công sẽ nhân rộng ra các tuyến cao tốc trong cả nước, nhất là tuyến cao tốc Bắc-Nam.
“Tuổi thọ” thẻ thấp, tốn kém chi phí thay?
Trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng những ngày qua, khi qua trạm thu phí, rất nhiều chủ phương tiện đã đỗ vào lề đường nơi có nhân viên của các đơn vị triển khai cung cấp dịch vụ thu phí ETC để dán thẻ thu phí tự động.
Anh Phạm Thành Hưng, lái xe chở hàng chuyên tuyến Hải Phòng-Hà Nội cho biết đây là lần đầu tiên xe dán thẻ sử dụng dịch vụ thu phí ETC. Xe đi vào làn thu phí ETC rất thuận lợi so với làn thu phí một dừng (MTC) bởi không phải xếp hàng chờ lấy thẻ hay chi trả tiền phí BOT mà sẽ được trừ thẳng trên tài khoản.
“Thủ tục đăng ký mở thẻ khá đơn giản và nhanh gọn, sau khi hoàn thành, nhân viên sẽ dán thẻ thu tự động không dừng ngay ở đèn hoặc trước capo xe để khi đi qua trạm phí sẽ dễ dàng nhận diện và tự động mở barie, trừ tiền trong tài khoản dịch vụ,” anh Hưng nói.
Đặt câu hỏi vì sao không dán thẻ ETC trong kính xe mà bắt buộc phải dán trên đèn hay capo xe, anh Hưng lý giải nhân viên của VETC có giải thích nếu xe bằng kính thường thì có thể dán được nhưng nếu kính có dán phim cách nhiệt thì hệ thống thu phí ETC không thể nhận diện được thẻ.
“Đèn hoặc nắp capo khi xe di chuyển sẽ rất nóng, thẻ dán chỉ được 1 thời gian là sẽ bong tróc, hỏng. Chưa kể, xe đi rửa nếu phun xà phòng, hóa chất vào sẽ hỏng thẻ nhanh. Khi đó, chủ xe phải thay thẻ mới sẽ mất phí 120.000 đồng. Như vậy, ‘tuổi thọ’ sử dụng thẻ thấp, chỉ vài tháng và rất tốn kém chi phí thay kế tiếp,” anh Hưng chỉ ra nhược điểm.
Thậm chí, anh cũng nghe được nhiều phản ánh trên các hội nhóm ô tô về việc sử dụng thẻ thu phí ETC vẫn còn phát sinh các lỗi không giao dịch được thanh toán thu phí không dừng, chủ xe thì bức xúc vì có tiền trong tài khoản mà phải lùi xe sang làn thu phí thủ công hoặc phải trả tiền mặt.
Tương tự, anh Lương, chủ xe ô tô 30E-420.45 cho biết xe của anh được nhân viên Công ty CP Giao thông số Việt Nam-VDTC dán thẻ ePass từ ngày 14.7.2020 nhưng đến nay vẫn chưa thể sử dụng do hệ thống báo lỗi.
Liên hệ với đường dây nóng của VDTC để được hỗ trợ, anh Lương được chỉ dẫn tới cửa hàng Viettel tại 282 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) khắc phục, tuy nhiên, nhân viên cửa hàng trả lời không có máy kiểm tra. Sau đó, anh gọi lại tổng đài thì được hướng dẫn phải đến trụ sở VDTC tại địa chỉ 115 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) vào giờ hành chính.
“Nhà tôi quá xa khu đó, họ lại chỉ phục vụ trong giờ hành chính nên khó khăn cho người sử dụng dịch vụ,” anh Lương nói.
Vẫn còn nhiều băn khoăn
Là đơn vị quản lý tuyến đường, theo ông Đặng Văn Nghị, Phó phòng phụ trách quản lý thu phí Công ty TNHH một thành viên Quản lý và khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng (Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam-VIDIFI), bình quân tuyến hiện có 30.000-32.000 phương tiện lưu thông ngày/đêm (so với trước dịch vào năm 2019, lượng xe giảm 20-30%), tuy nhiên, qua thống kê, tỷ lệ xe sử dụng dịch vụ thu phí ETC rất thấp, chỉ đạt trung bình khoảng 35% tổng lưu lượng xe trên tuyến.
Đánh giá việc triển khai chỉ thu phí điện tử không dừng trên tuyến đường nay là chủ trương đúng, ông Nghị cho biết VIDIFI thường xuyên tuyên truyền và nhắc nhở các chủ xe khi đi vào làn một dừng sớm dán thẻ để sang đầu tháng 5.2022 sẽ chỉ tiếp nhận phương tiện có thẻ ETC mới được phép lưu thông.
Ông Nghị cũng bày tỏ băn khoăn và lo lắng khi hiện chưa có các hướng dẫn về các xe được miễn phí như cứu thương, công an, quân đội, hộ đê... phải gửi sang bên đơn vị cung cấp dịch vụ ETC để mở tài khoản thì qua trạm barie trạm thu phí mới mở được để xe lưu thông.
Ngoài ra, với doanh nghiệp, 1 tài khoản dùng chung 3-4 xe, nếu bị trừ hết tiền, xe đến trạm thu phí tài khoản không đủ thì nạp tiền ra sao? Nếu không có vé lượt thì không thể thu được và xe sẽ quay đầu hay đi tiếp? Việc tổ chức giao thông sẽ gặp nhiều khó khăn do phương tiện lưu thông tốc độ nhanh và sẽ tiềm ẩn rủi ro tai nạn.
Phương tiện dán thẻ thu phí tự động để sớm có thể dùng dịch vụ trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+
Trung tá Lê Đức Thọ, cán bộ Đội 2, Phòng 8, Cục Cảnh sát giao thông (C08-Bộ Công an) cho rằng theo quy định, xe không dán thẻ đi vào làn ETC sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người không biết hoặc thẻ bị lỗi, không nhận thẻ khi qua trạm thì cảnh sát giao thông chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở. Với những trường hợp không dán thẻ nhưng cố tình đi vào làn ETC mới tiến hành xử phạt.
Đưa ra thực tế tốc độ cho phép với xe qua làn ETC hiện nay là 60km/giờ, Trung tá Thọ nói nhiều trường hợp xe đi với tốc độ nhanh nhưng thẻ bị lỗi, không nhận diện được, barie không mở dẫn đến va chạm với rào chắn. C08 kiến nghị làm gờ giảm tốc tại làn ETC để bảo đảm an toàn cho phương tiện.
Trung tá Thọ khuyến nghị cần có phương án bảo đảm an toàn, nhất là với xe phải quay đầu vì không dán thẻ hoặc thẻ bị lỗi bởi đang lưu thông tốc độ cao rất nguy hiểm nếu xảy ra va chạm. Hiện nay, lái xe đa số chưa có thói quen sử dụng ETC nên vẫn sử dụng làn MTC.
Về vấn đề này, Tổng cục Đường bộ sẽ phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông rà soát, hoàn thiện tổ chức giao thông, hệ thống báo hiệu bảo đảm triển khai thí điểm đồng thời lên phương án chi tiết triển khai thí điểm, dự kiến các tình huống có thể xảy ra và phương án xử lý.
Hiện, Tổng cục Đường bộ đang sửa đổi Nghị định 100 để quy định rõ thế nào là xe không đủ điều kiện đi vào làn ETC như xe không dán thẻ, tài khoản không có hay không đủ tiền và việc này sẽ thuận tiện hơn cho công tác xử phạt của lực lượng chức năng.
Theo Vietnam+