<b>Nhiều người dân xã Cẩm Hưng (Cẩm Giàng) lo lắng khi phải sống dưới 2 đường điện cao thế sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt. Ngoài ra, mức đền bù đất của Nhà nước chưa thỏa đáng.</b><br>
Bà Kim Thị Hiền ở thôn Đồng Quan lo lắng khi có thêm đường dây 220kV đi qua nhà bà sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe
Đường điện an toàn với người dân
Năm 2015, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia triển khai Dự án "Trạm biến áp 500kV Phố Nối và các đường dây đấu nối". Dự án được giao cho Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc thực hiện. Đường điện đi qua địa phận các xã Cẩm Hưng, Ngọc Liên (Cẩm Giàng) với 17 cột điện. Đến nay, chủ đầu tư đã kéo dây được 16 cột. Từ cột 9 đến cột 10, đoạn qua thôn Đồng Quan (xã Cẩm Hưng) chưa thực hiện được do người dân phản đối. Trước đó, năm 2007, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia cũng đã xây dựng 1 đường dây 500kV, có đoạn đi qua xã Cẩm Hưng.
Chỉ cho chúng tôi vị trí 2 cột điện chưa kéo dây, bà Kim Thị Hiền - một người dân ở thôn Đồng Quan nói: “Đường điện 500kV cách nhà tôi chưa đầy 25 m. Mấy hôm trước trời mưa, chúng tôi dùng bút thử điện vào cán ô mà bút vẫn đỏ. Nếu đường dây 220kV được triển khai, chúng tôi rất lo lắng. Không biết có phải do đường điện cao thế hay không mà mấy năm qua, nhiều người trong làng bị các bệnh về mắt, tiêu hóa, sảy thai..."
Người dân thôn Đồng Quan còn cho rằng mức đền bù đất cho người dân chưa hợp lý. Đất được định giá tối đa 2 triệu đồng/m2, người dân chỉ được hưởng 25%. Sau khi người dân kiến nghị, UBND tỉnh đã đồng ý bồi thường thêm 25%. "Chúng tôi cho rằng mức đền bù này chưa thỏa đáng. Chúng tôi muốn Nhà nước đền bù 80% mức tối đa theo quy định để chúng tôi có tiền mua đất nơi khác sinh sống hoặc bố trí tái định cư cho chúng tôi", bà Nguyễn Thị Thành - một người dân trong thôn đề nghị.
Gia đình bà Nguyễn Thị An ở thôn Đồng Quan đã chuyển đi nơi khác sinh sống
Lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe, bà Nguyễn Thị An có ngôi nhà kẹp giữa 2 đường điện 220kV và 500 kV đã chuyển đi nơi khác sinh sống. Một số nhà làm dưới đường điện nhưng không dám làm thêm mái tôn chống nóng do sợ trong quá trình làm bị phóng điện.
Trước những lo lắng của người dân, ông Đỗ Đức Mạnh, Trưởng Phòng Đền bù Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc khẳng định: "Chúng tôi thi công đường điện bảo theo đúng quy định của pháp luật về khoảng cách an toàn giữa đường dây và nhà dân. Đã nhiều lần, đơn vị tổ chức đo từ trường nhưng không phát hiện thấy bất thường. Ngày 22.8 vừa qua, chúng đã có văn bản trả lời UBND huyện Cẩm Giàng về kết quả điện trường đo tại một số hộ dân thôn Đồng Quan. Theo đó, cường độ điện trường đều dưới ngưỡng cho phép".
Người dân đã được ưu tiên
Theo Quyết định 33/2014/QĐ-UBND ngày 20.12.2014 của UBND tỉnh về giá đất trên địa bàn tỉnh Hải Dương, đất ở các vị trí trong thôn đối với các xã đồng bằng được chia làm 2 nhóm. Mức đền bù cao nhất 2 triệu đồng/m2, thấp nhất 270.000 đồng/m2.
Gia đình ông Nguyễn Văn Luyện ở thôn Đồng Quan không dám làm thêm mái chống nóng do lo sợ trong quá trình thi công bị phóng điện
Tại Quyết định số 37/2014/QĐ-UBND ngày 22.12.2014, UBND tỉnh quy định mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn được bồi thường 25% đơn giá bồi thường theo bảng giá do UBND tỉnh quy định. "Như vậy, trong việc bồi thường đối với các hộ dân thôn Đồng Quan nói riêng và xã Cẩm Hưng nói chung, UBND tỉnh đã ưu tiên hơn những nơi khác vì người dân đã được hưởng 50% mức đền bù chứ không phải là 25% theo quy định", ông Nguyễn Xuân Lịch, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Cẩm Giàng nói. Theo ông Lịch, trong lần bồi thường đầu tiên, đã có 21 trong tổng số 22 gia đình ở xã Cẩm Hưng nhận tiền, chỉ còn ông Nguyễn Văn Lừng ở thôn Đồng Quan chưa nhận. Đối với mức bồi thường thêm 25% lần 2, cả 22 hộ vẫn chưa nhận tiền.
Những thắc mắc, kiến nghị của người dân thôn Đồng Quan đã được các cơ quan chức năng trả lời rõ ràng. Vì thế, người dân trong thôn cần nhanh chóng chấp thuận phương án đền bù của UBND tỉnh, tạo điều kiện cho đơn vị thi công hoàn thiện dự án.
PV