Sau 10 năm vừa đầu tư xây dựng, vừa sản xuất, kinh doanh, Công ty CP Thép Hòa Phát ở xã Hiệp Sơn (Kinh Môn) đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ...
Năm 2017, Công ty CP Thép Hòa Phát là doanh nghiệp nộp ngân sách nhiều thứ hai trong tỉnh. Ảnh: Nhân Chính
Thành công vượt bậc nhờ đầu tư bài bản
Công ty CP Thép Hòa Phát được thành lập tháng 8.2007 để thực hiện dự án trọng điểm của Tập đoàn Hòa Phát là Khu liên hợp (KLH) gang thép Kinh Môn. Cuối năm 2007, bên bờ hữu của sông Kinh Thầy, tập đoàn đã khởi công xây dựng KLH gang thép Hòa Phát. Thời điểm đó, nhắc đến công nghiệp ở Kinh Môn là người ta nghĩ ngay đến các nhà máy xi măng như Hoàng Thạch, Phúc Sơn, Phú Tân, Trung Hải... ở phía bờ tả sông Kinh Thầy. Còn phía bên này sông, nơi Hòa Phát khởi công xây dựng nhà máy chủ yếu vẫn là ruộng đồng và các khu chuyển đổi nuôi cá.
Với bản lĩnh và nguồn lực vững mạnh của một tập đoàn lớn, đến cuối năm 2009, Hòa Phát đã hoàn thành giai đoạn I KLH với mức đầu tư 2.500 tỷ đồng, công suất 350.000 tấn phôi thép/năm. Năm 2010, tập đoàn tiếp tục thực hiện giai đoạn II với công suất tương tự và đầu tư thêm nhà máy cán thép nóng, nâng tổng công suất lên 1 triệu tấn thép/năm. Đến năm 2016, Hòa Phát tiếp tục hoàn thành đầu tư giai đoạn III, nâng tổng công suất nhà máy lên 1,7 triệu tấn thép/năm. Công ty CP Thép Hòa Phát hiện nay có công suất và sản lượng đứng đầu miền Bắc.
Để có những bước phát triển vượt bậc ấy, Công ty CP Thép Hòa Phát đã đầu tư bài bản, đúng hướng. Thép Việt Nam phải cạnh tranh mạnh mẽ với thép Trung Quốc. Không ít dự án thép đầu tư trong giai đoạn này tại Hải Dương như Vạn Lợi (Bình Giang) đã phá sản, Công ty CP BCH chuyên sản xuất phôi thép ở Kim Thành cũng gần như đóng cửa...
Ngay từ khi đầu tư KLH gang thép, Công ty CP Thép Hòa Phát đã xác định sản xuất thép vốn là ngành gây ô nhiễm môi trường và tiêu hao năng lượng lớn. Để khắc phục điều này, ngoài sử dụng các thiết bị, công nghệ nhập ngoại tiên tiến, đơn vị còn xây dựng Nhà máy Sản xuất than cốc và nhiệt điện trong KLH. Các nhà máy này áp dụng cơ chế thu hồi nhiệt để phát điện đạt công suất 52 MW, đáp ứng được trên 40% nhu cầu điện phục vụ sản xuất của KLH. Toàn bộ khí, chất thải sinh ra từ quá trình luyện cốc được triệt tiêu và thu hồi hoàn toàn để chạy turbin máy phát điện, không xả ra môi trường. Đây thực sự là nét ưu việt về công nghệ mà hiếm có nhà sản xuất thép nào tại Việt Nam có được, góp phần đem lại lợi thế cạnh tranh đáng kể cho thép Hòa Phát.
Trong công đoạn luyện và cán thép, KLH còn lắp đặt hệ thống thu hồi triệt để khí than lò thổi, lắp đặt máy hàn phôi tự động, sử dụng phôi nóng để cán thép dài. Các giải pháp đã góp phần làm giảm tiêu hao điện 30-40% ở công đoạn lò cao và giảm tiêu hao khí đốt 20-30% ở công đoạn cán thép.
Về nguồn nước sản xuất, theo tính toán, KLH thép sử dụng khoảng 57.000 m3/giờ. Toàn bộ lượng nước được sử dụng tuần hoàn trong tất cả các công đoạn, không xả ra môi trường. Nhờ sử dụng tuần hoàn, KLH chỉ phải bổ sung lượng nhỏ nước hằng ngày do bị bay hơi sau quá trình làm mát động cơ, luyện, cán thép, giúp tiết kiệm chi phí hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Điểm sáng về nộp ngân sách
Ông Nguyễn Đức Duyến, Phó Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát cho biết: "Sau hơn 10 năm vừa đầu tư, vừa sản xuất, năm 2017, công ty đã vượt công suất, đạt hơn 1,87 triệu tấn thép, doanh thu đạt trên 20.000 tỷ đồng. Năm 2018, đơn vị sẽ cải tạo lò để nâng công suất lên hơn 2 triệu tấn/năm. Với công suất này, cùng với những ưu đãi về thuế giảm đi, đến năm 2019, chắc chắn chúng tôi sẽ còn đóng góp lớn hơn cho ngân sách Hải Dương".
Năm 2017, trong bối cảnh Hải Dương phải tự cân đối ngân sách với sự hụt thu rất lớn từ Công ty TNHH Ford Việt Nam, Công ty CP Thép Hòa Phát đã vươn lên trở thành doanh nghiệp có số nộp ngân sách lớn thứ hai (chỉ sau Công ty TNHH Ford Việt Nam). Tổng số thuế công ty nộp vào ngân sách tỉnh năm 2017 ước đạt 2.190 tỷ đồng, trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 1.000 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng hơn 600 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu 483 tỷ đồng... So với năm 2016, số nộp ngân sách của Thép Hòa Phát tăng gấp gần 3 lần.
Hiện nay, công ty đang tạo việc làm cho 4.780 lao động chủ yếu là người địa phương với thu nhập bình quân hơn 7,7 triệu đồng/người/tháng. Sản xuất, kinh doanh phát triển nên trong 2 năm trở lại đây, công ty đã dành hơn 14 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa, xây mới, tài trợ bàn ghế cho Trường THCS Hiệp Sơn, Bệnh viện Đa khoa huyện Kinh Môn, xây dựng các công trình phúc lợi như điện, đường, trạm bơm, ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, tặng quà Tết cho người nghèo, thăm hỏi gia đình chính sách tại địa phương.
10 năm là chặng đường không dài cho một dự án lớn, nhưng với những gì Công ty CP Thép Hòa Phát đã và đang đạt được cho thấy "thành công chỉ đến khi có sự đầu tư bài bản, đúng hướng". Thời gian tới, doanh nghiệp này sẽ còn đóng góp lớn hơn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Hải Dương.
VŨ ÚY