Theo chân lái xe đường dài lên vùng biên giới

11/07/2016 09:14

Hằng ngày, những chiếc xe tải, xe chở container tấp nập nối đuôi nhau chạy khắp các nẻo đường biên giới của đất nước để chuyên chở hàng hóa.




Nghề lái xe đường dài luôn phải “căng tay, căng mắt”


Các lái xe phải vượt qua nhiều gian nan để bảo đảm an toàn cho mỗi chuyến hàng.

Xe tiện nghi


Đã hẹn từ trước, 21 giờ một ngày đầu tháng 7, lái xe Trần Văn Hiệp (36 tuổi) ở xã Kim Khê (Kim Thành) lái chiếc xe chở container đón chúng tôi ở gần cầu Thanh Trì (TP Hà Nội). Xe có phần đầu kéo và phần thùng phía sau với tổng chiều dài gần 15 m, cao 5 m. Mở cửa bước vào, tôi bất ngờ vì ca bin được thiết kế giống như khoang hạng sang của một chiếc máy bay. Thấy tôi có vẻ bất ngờ, anh Hiệp cười nói: “Anh vào xe đi không ướt hết. Nhà em rộng lắm, có cả 2 giường nằm thoải mái, đủ chỗ cho anh tác nghiệp”.

Trái ngược với vẻ bề ngoài “hầm hố” đến thô kệch, ca bin xe có diện tích khoảng 10 m2, bằng một căn phòng trọ loại nhỏ. Phía trước có 2 ghế lái, phía bên trái là chỗ ngồi cho lái chính, bên phải của lái phụ. Tất cả các ghế đều được làm từ da cao cấp và điều khiển bằng điện giúp người ngồi luôn cảm thấy thoải mái trong mỗi chuyến đi. Ấn tượng nhất là hệ thống đèn điều khiển trung tâm với hàng chục nút bấm có chức năng hiển thị khác nhau. Lái phụ Nguyễn Đức Trung (39 tuổi) ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) cho biết: “Đây là loại xe chở container đời 2005 có trọng tải đến 40 tấn được nhập khẩu từ Mỹ nên có nhiều tính năng hiện đại, an toàn. Không chỉ trang bị hệ thống lái tân tiến, trên xe còn có cả tủ lạnh, tủ quần áo, giường 2 tầng, hệ thống âm thanh, ti vi, máy lạnh hai chiều… chẳng kém gì máy bay đâu. Đường còn dài, anh cứ nằm nghỉ ngơi cho thoải mái”.

Sau khi giới thiệu cho tôi một loạt tính năng của các thiết bị, anh Hiệp nổ máy và lái xe theo hướng quốc lộ 1A về cửa khẩu Cha Lo thuộc huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Ngồi trên chiếc xe hiện đại, được phóng tầm mắt từ trên cao quan sát xung quanh, tôi cảm thấy yên tâm và hào hứng hơn mặc cho chặng đường dài gần 600 km đang ở phía trước.

Căng tay, căng mắt


Đối với những lái xe tải, xe chở container, việc phải thường xuyên đi lại trên những cung đường biên giới dài hàng trăm km với nhiều đèo, dốc là chuyện thường ngày. Trong mỗi chuyến đi ấy, họ luôn phải cẩn trọng, tập trung cao độ điều khiển chiếc xe cồng kềnh với trọng tải vài chục tấn đến bãi tập kết an toàn.

Chuyến đi này, theo dự kiến sẽ mất khoảng 12 giờ mới đến nơi. Sau khi “đóng” đầy 20 tấn hàng may mặc tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), chiếc xe chở container chạy theo quốc lộ 1A qua các tỉnh, thành phố đến Quảng Bình. Mặc dù trời mưa to nhưng do đường vắng, chiếc xe di chuyển khá thuận lợi. Đến 3 giờ sáng, chúng tôi đã có mặt ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Tại đây, anh Hiệp điều khiển xe rẽ vào đường Hồ Chí Minh để đến cửa khẩu Cha Lo.

Đoạn đường từ huyện Hương Khê đến cửa khẩu Cha Lo dài gần 180 km. Đây cũng là đoạn đường khó khăn nhất với địa hình đồi núi, nhiều khúc cua gấp và những đoạn đèo dốc liên tiếp. Chiếc xe dần dần giảm tốc độ xuống còn 30 km/giờ. Anh Hiệp phân trần: “Xe chở nặng nên không thể đi nhanh được. Đường bằng, em vẫn chỉ dám đi với tốc độ 45-50 km/giờ. Nếu đi nhanh, phần thùng sau dễ bị lắc sang hai bên rất nguy hiểm. Gặp trường hợp khẩn cấp phải phanh gấp chắc chắn sẽ xảy ra tai nạn. Ở những đoạn đường đèo núi, em chỉ dám chạy dưới 30 km/giờ. Thậm chí, có đoạn xe leo dốc với tốc độ 5-10 km/giờ”.

Đúng như lời của anh Hiệp, đoạn đường này quá nhiều điểm cua gấp tay áo. Do là đường lên cửa khẩu nên lưu lượng xe chở container, xe tải chở hàng chạy qua khá nhiều. Đường nhỏ, ướt nên dễ bị trơn trượt. Đôi mắt của anh Hiệp cứ chăm chăm nhìn thẳng phía trước. Hai tay ôm sát vô lăng, anh nhẹ nhàng đánh lái mỗi khi đến đoạn phải rẽ gấp.

Nguy hiểm nhất là những đoạn leo lên đèo và xuống dốc. Những đoạn đường có độ dốc từ 10 độ trở lên, chiếc xe di chuyển một cách chậm chạp, tiếng động cơ xe rú lên. Không khí trong ca bin trở nên căng thẳng, đặc biệt mỗi khi phải tránh xe tải chạy ngược chiều. Theo kinh nghiệm của một số anh em lái xe thì điều khiển cho xe xuống dốc còn khó khăn hơn nhiều so với khi lên dốc. Khi xuống dốc, hàng chục tấn hàng ở phía sau dồn xuống đầu kéo. Nếu xử lý không có kinh nghiệm rất dễ bị xô khiến xe lật ngang hoặc trượt thẳng xuống vực. Chính vì vậy, trên xe luôn có 2 hệ thống phanh riêng cho đầu kéo và phần chở hàng phía sau.

Mỗi khi điều khiển xe xuống dốc, anh Hiệp lại giảm tốc và kéo phanh từ từ để xe di chuyển ổn định, không bị chệch khỏi cung đường. Thấy tôi có vẻ lo lắng, anh Trung trấn an: “Bác run thế? Chúng em qua đây suốt nên thuộc từng góc cua, từng ổ gà rồi. Chỉ cần tập trung quan sát là ổn thôi”. Nghe vậy, tôi cũng yên tâm hơn.

Đến khu vực Khe Ve cách cửa khẩu Cha Lo chừng 80 km, xe của chúng tôi đang đổ đèo thì bỗng một tiếng nổ lớn vang lên. Chiếc xe rung lên bần bật, lắc mạnh sang hai bên. Thất thần, tôi ôm chặt lấy ghế ngồi của lái phụ. Vội vàng quan sát phía sau, anh Hiệp phán đoán: “Chắc lại bị nổ lốp rồi. Cứ bình tĩnh để em điều khiển xe đi hết dốc đã nhé”. Có thâm niên hơn 10 năm chạy xe qua những cung đường biên giới, anh Hiệp và anh Trung đã gặp khá nhiều hoàn cảnh tương tự. Theo các anh, những lúc như vậy phải hết sức bình tĩnh để đưa xe đến một vị trí an toàn. Rất may tại đây có một quán sửa chữa xe ô tô. Nếu không, chúng tôi phải tự thay lốp dự phòng hoặc phải chờ hàng tiếng mới có xe cứu hộ đến sửa.

Vì là xe chạy đường dài chở hàng qua các cửa khẩu nên các lái xe luôn phải chịu áp lực về thời gian. Đa phần xe sẽ chạy một mạch, chỉ thay lái ở các điểm dừng chân ăn cơm hay một số trạm dừng kiểm tra. Loay hoay kiểm tra các lốp xe còn lại, anh Hiệp chia sẻ: “Cứ chạy được khoảng 200 km lại phải kiểm tra lốp một lần. Tuy nhiên, do chịu tải lớn và chạy suốt nên lốp xe rất dễ bị bào mòn, nổ lốp. Hôm nay rất may là chỉ bị nổ lốp phụ. Nếu nổ bánh trước thì xe sẽ bị mất lái. Đã có một số trường hợp bị tai nạn xe đâm vào núi hoặc lao xe xuống vực vì nguyên nhân này”. Tôi hỏi: "Chạy xe vất vả thế này chắc thu nhập của anh cao lắm nhỉ?". Anh Hiệp đáp: "Mỗi tháng chạy bình quân 3-4 chuyến. Mỗi chuyến cả đi, về cũng hơn 1.000 km. Trừ tiền chi tiêu, mỗi lái xe cũng mang về được 10-15 triệu đồng".

Nói thêm về nỗi vất vả và nguy hiểm của nghề này, anh Trung cho biết: “Tôi cũng đã lái xe được hơn 10 năm nay. Chỉ có những tay lái cứng, nhiều kinh nghiệm mới được giao lái chính. Có nhiều địa danh đã trở thành nỗi ám ảnh đối với cánh lái xe chúng tôi như đèo Pha Đin (Điện Biên), dốc Cun (Hòa Bình), Khe Ve (Quảng Bình) hay Cổng Trời (Hà Giang)… Bây giờ, đường to hơn, rộng hơn giúp chúng tôi yên tâm và chạy xe an toàn. Tuy nhiên, chúng tôi luôn phải cảnh giác với những đoạn đường rừng gấp khuỷu tay hay khi qua các dốc núi cao”.

Mất 30 phút để thay lốp, xe chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Sau sự cố xảy ra, anh Hiệp điều khiển xe chậm hơn, nhất là khi qua những đoạn đường có độ dốc lớn. Đến 11 giờ 15, xe chúng tôi mới có mặt tại cửa khẩu Cha Lo để làm thủ tục chuyển hàng sang biên giới nước bạn Lào.

Những góc khuất


Thường xuyên phải xa nhà, di chuyển trên những cung đường biên giới, chiếc xe đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của cánh lái xe chở container, xe  tải đường dài. Sau mỗi điểm đến, họ lại vội vã nhận hàng rồi nhanh chóng di chuyển sang một vị trí mới. Nhiều khi do chưa làm xong thủ tục xuất hàng hay phải chờ hàng ở bên kia biên giới chuyển sang, họ phải “ăn chực, nằm chờ” tại các cửa khẩu. Cuộc sống xa nhà với nhiều cám dỗ, tệ nạn xã hội khiến không ít lái xe sa ngã. Trong câu chuyện mà họ tâm sự, chúng tôi vẫn nhận thấy đâu đó còn có những góc khuất.

Đã có trên 20 năm kinh nghiệm, ông N.V.B. (48 tuổi) ở xã Kim Anh (Kim Thành) đã trải nghiệm và chứng kiến quá nhiều cảnh đời sau chiếc vô lăng. Ông B. cho biết: “Nằm dài hàng chục ngày ở biên giới, không biết làm gì, chúng tôi lại kéo nhau chơi bài giải khuây. Lúc đầu là chơi đùa, đánh bài để có tiền ăn sáng, rồi đến chơi tiền to hơn. Hết chơi với anh em trong đội xe lại quay sang sát phạt với anh em đội xe khác. Người nào có bản lĩnh thì bỏ được. Một số anh em do quá ham nên lao đầu vào canh bạc như con thiêu thân. Thu nhập được hơn 10 triệu đồng/tháng cũng nướng hết vào đỏ đen, không còn đồng nào gửi về cho vợ con. Có trường hợp nợ nần chồng chất phải bán xe, bỏ nghề để thoát nợ”. Ngay cả bản thân ông B. sau những ngày dài vật vã, được sự động viên của vợ con, ông mới từ bỏ được “kiếp đỏ đen” để tu tỉnh làm ăn. Đến nay, cuộc sống còn vất vả nhưng gia đình đã êm ấm, các con ông được học hành đến nơi, đến chốn.

Có cơ hội và bản lĩnh để thoát ra khỏi tệ nạn là niềm hạnh phúc của nhiều lái xe đường dài. Nhưng với một số người, điều đó vẫn mãi chỉ là mong ước mỗi khi cảm nhận thấy tội lỗi. Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, anh L.V.S. (36 tuổi) ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) đã sớm phải bươn chải theo nghề lái xe cách đây hơn 10 năm. Khỏe mạnh và chăm chỉ, S. ngược xuôi khắp các cửa khẩu miền núi phía Bắc. Thu nhập cao lại chưa có gia đình, S. theo đám bạn lao vào những cuộc chơi. Không chỉ đánh bạc, cá độ bóng đá, S. còn đắm chìm trong ảo vọng của "nàng tiên nâu". Độ chơi của S. khiến nhiều anh em đồng nghiệp phải đặt riêng cho biệt danh “S. nát”. Từ ngày nghiện ma túy, sức khỏe của S. ngày càng sa sút. Số tiền kiếm được cũng không đủ để mua thuốc mỗi ngày. “Bần cùng sinh đạo tặc”, S. cùng một nhóm đối tượng lấy trộm hàng của công ty và bị phát hiện. Không còn cơ hội làm lại, S. bỏ đi lang thang khắp nơi. Anh Trung kể: “Thi thoảng chúng tôi vẫn có người kể từng thấy S. xanh xao, gầy yếu, vật vờ ở cửa khẩu này đến khu trọ khác… Người cảm thông thì hỏi han, hỗ trợ cho mấy đồng để uống nước. Nhưng cũng có người sợ hãi mà xa lánh”.

Có theo những chuyến xe đường biên, chúng tôi mới thấu hiểu  nỗi vất vả, những cám dỗ đáng sợ trong nghề này đối với cánh lái xe. Việc phải đối mặt với tai nạn, hỏng xe, bị trộm đồ, cả những tệ nạn… luôn thường trực khiến các lái xe phải biết tự bảo vệ mình bằng kinh nghiệm, bản lĩnh để mỗi chuyến xe hàng luôn được an toàn.   

ĐỨC TÂM


(0) Bình luận
Theo chân lái xe đường dài lên vùng biên giới