Nhiều cánh đồng đã có đường bê-tông to, đẹp trải dài tít tắp, thuận tiện cho người dân trong việc cơ giới hóa sản xuất và vận chuyển hoa màu.
Xe tải của thương lái ra tận cánh đồng thôn Thung Độ, xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) thu mua nông sản
Giải phóng đôi vaiTheo đồng chí Lê Chiến Lâm, Bí thư Chi bộ thôn Phát Minh, xã Bình Dân (Kim Thành) đi thăm cánh đồng rau đang cho thu hoạch, chúng tôi cảm nhận được thay đổi ở đây từ khi có đường giao thông nội đồng to, đẹp. Xe đạp, xe máy để đầy đầu ruộng, vài xe ô-tô đang đợi lấy hàng. Ông Đào Văn Trung, một người dân thôn Phát Minh cho biết: “Trước đây, đường ra đồng gồ ghề, trời mưa còn lầy thụt. Phương tiện duy nhất để chúng tôi vận chuyển phân bón, thóc và rau màu là quang gánh. Còn bây giờ, đường bê-tông của chúng tôi chỗ rộng nhất là 4,2 m, chỗ nhỏ nhất cũng 3,5 m, chưa kể phần lề đường. Chúng tôi đều đi xe đạp, xe máy ra đồng. Đến vụ thu hoạch rau, ô-tô của thương lái đến tận ruộng, chúng tôi cân rau ngay đầu bờ, không phải tốn thời gian, công sức vận chuyển như trước đây”.
Dọc đường nội đồng xã Đoàn Thượng (Gia Lộc), chúng tôi gặp nhiều nông dân kéo xe cải tiến chở đầy cải bắp, su hào đến điểm tập kết. Hằng năm, xã Đoàn Thượng trồng 160 ha cây vụ đông, chiếm 50% diện tích canh tác và là một trong những xã trồng rau lớn huyện Gia Lộc. Từ khi đường giao thông nội đồng được bê-tông hóa, việc đi lại, vận chuyển sản phẩm dễ dàng đã làm cho người dân phấn khởi mở rộng diện tích. Chị Trần Thị Nhung ở thôn Lúa cho biết: "Những năm trước, gia đình tôi chỉ trồng 1-2 sào su hào vì đường đi ra đồng khó khăn. Vụ đông năm nay, tôi đã trồng đến 4 sào rau xanh. Diện tích tăng nhưng tôi lại thấy nhàn hơn nhiều so với trước vì đường rộng, chúng tôi dùng xe ba gác, ô-tô chở nguyên vật liệu thay cho đôi vai gánh trước đây. Đường rộng, máy cày, máy gặt đi đến được tất cả các ruộng đã làm chúng tôi giảm công sức, chi phí và tăng hiệu quả kinh tế lên đáng kể”.
Nhân dân đồng tình, ủng hộ Đến nay, toàn tỉnh đã bê-tông hóa được trên 426 km, chiếm trên 31% đường giao thông nội đồng. Một số địa phương như: Thăng Long (Kinh Môn), Hưng Đạo, Minh Đức, Tái Sơn (Tứ Kỳ), Gia Hòa, Đoàn Thượng (Gia Lộc)... có phong trào làm đường giao thông nội đồng sôi nổi.
Để thúc đẩy phong trào, từ năm 2012 tỉnh hỗ trợ các địa phương làm đường nội đồng 185 tấn xi-măng/km. Nhiều địa phương đã biết “chớp” cơ hội này. Đồng chí Lê Nam Đoàn, Chủ tịch UBND
“Cứ 2 lô ruộng có 1 đường giao thông ở giữa, phía bên kia là kênh dẫn nước. Như vậy, nhà ai cũng có đường đi qua, thuận tiện cho sản xuất”.
Đồng chí LÊ NAM ĐOÀN, Chủ tịch UBND xã Bình Dân (Kim Thành) |
xã Bình Dân (Kim Thành) cho biết: "Ngay khi tỉnh có chính sách hỗ trợ làm đường giao thông nội đồng, Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng nghị quyết và tổ chức nhiều cuộc họp với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Xã chọn thôn Phát Minh làm điểm. Để nhân dân đồng tình, ủng hộ, lãnh đạo xã tăng cường tuyên truyền, phân tích về những thuận lợi khi làm đường giao thông nội đồng. Từ đó, nhận thức của nhân dân được nâng cao đáng kể. Từ tháng 12-2012 đến nay, thôn Phát Minh đã bê- tông hóa được 2,2 km, chiếm 87% đường nội đồng của thôn. Mỗi sào ruộng người dân đóng góp trên 1 triệu đồng. Đường vào nhà ai, nhà đó tự nguyện hiến đất. Một số người hiến đất với diện tích lớn như bà Nguyễn Thị Bình (213m2), ông Lục Đức Hứa (187m2)... Cứ 2 lô ruộng có 1 đường giao thông ở giữa, phía bên kia là kênh dẫn nước. Như vậy, nhà ai cũng có đường đi qua, thuận tiện cho sản xuất. Trong năm 2014, UBND sẽ phát động phong trào ra toàn xã và thưởng 5 triệu đồng cho thôn hoàn thành sớm”.
Nhân dân đồng tình, ủng hộ là yếu tố quyết định trong việc địa phương đó có làm được đường hay không. Anh Nguyễn Hữu Chiến ở thôn Minh Tân, xã Quang Minh (Gia Lộc) chia sẻ: “Sự hỗ trợ của tỉnh đã động viên nhân dân quyết tâm làm đường nội đồng. Chúng tôi đã tự tuyên truyền, vận động nhau đóng góp tiền bạc, công sức để làm. Ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, người dân trong thôn đóng góp thêm 160 nghìn đồng/khẩu và cử 1 người tham gia thi công. Trong thời gian ngắn chúng tôi đã hoàn thành xong con đường dài gần 300 m. Từ thôn Minh Tân, phong trào làm đường giao thông đã lan rộng ra cả xã Quang Minh. Năm 2013, xã đã bê-tông hóa được 11 tuyến đường ra đồng với tổng chiều dài trên 3,2 km. Tổng kinh phí đầu tư các tuyến đường này là 3,6 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ toàn bộ xi-măng, nhân dân đóng góp được hơn 300 triệu đồng, còn lại trích từ ngân sách xã và con em xa quê ủng hộ. Nhân dân hiến 8.142 m² đất và góp hơn 1.000 ngày công lao động”.
Làm đường nội đồng là sự kết hợp hài hòa sự hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp nhân dân. Nếu không có sự hỗ trợ xi-măng của tỉnh thì để làm được đường nhân dân phải đóng góp lớn. Nhiều con đường vẫn sẽ được làm nhưng chắc chắn không thể to, đẹp, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật được vì sức dân có hạn. Còn nếu có sự hỗ trợ của tỉnh nhưng ở đâu nhân dân chưa nhận thức được tác dụng thiết thực của làm đường nội đồng và không đồng tâm, nhất trí thì ở nơi đó cũng không thể làm được. Qua đi thực tế chúng tôi thấy, ở đâu nhân dân làm được đường nội đồng thì sản xuất nông nghiệp ở đó phát triển mạnh mẽ, đa dạng; thời gian, công sức của người lao động bỏ ra giảm đáng kể, trong khi hiệu quả kinh tế lại được nâng lên. Đây là tiền đề cho việc đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp và hướng đến một hình thức sản xuất mới thay cho việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.
NGỌC LÊ