Các cơ sở thu mua, chế biến nông sản ở các địa phương trong tỉnh đã tạo việc làm cho nhiều lao động thời vụ.
Nhiều người ở xã An Sơn (Nam Sách) đi làm thuê thời vụ để kiếm thêm thu nhập
Đa phần những lao động cắt cà rốt, su hào thuê trên địa bàn huyện Nam Sách, Gia Lộc đã bước sang tuổi trung niên, thậm chí có cả người già. Họ thường làm việc theo nhóm, mỗi nhóm từ 6-8 người. Dụng cụ lao động mà họ luôn mang theo bên mình chủ yếu là dao, kéo. Có mặt tại cơ sở sơ chế nông sản của gia đình anh Nguyễn Văn Huấn ở thôn Quan Sơn, xã An Sơn (Nam Sách) vào giữa trưa, chúng tôi vẫn thấy không khí làm việc ở đây vẫn khẩn trương. Bà Vũ Thị Loan ở thôn Quan Sơn cho biết: "Ở nông thôn bây giờ, người trẻ thì đi làm công ty còn người trung tuổi, thậm chí cả người già đi cắt cà rốt, su hào thuê. Công việc này đòi hỏi người làm phải luôn tay mới hoàn thành tốt công việc nhưng thu nhập cũng chỉ từ 80.000 - 100.000 đồng/ngày. Cà rốt lại thu hoạch theo thời vụ nên thu nhập hằng tháng cũng không ổn định".
Do ít ruộng nên bà Nguyễn Thị Hương phải đi làm thuê để có thêm thu nhập. Từ khi bà nhận cắt thuê cà rốt, sinh hoạt của gia đình cũng được cải thiện hơn. Bà cho biết: "Cứ sáng sớm, tôi và mấy bà trong xóm lại rủ nhau đi cắt cà rốt thuê. Ngoài ra, tôi còn cắt su hào thuê cho cơ sở chế biến nông sản ở xã bên. Một ngày cũng kiếm được từ 150.000-200.000 đồng, cứ hết ngày là chủ trả tiền công. So với làm ruộng đơn thuần, công việc này mang lại thu nhập khá hơn. Chúng tôi có nằm mơ cũng không nghĩ tuổi cao rồi vẫn có khả năng kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình".
Nhờ có công việc đóng gói nông sản thuê mà nhiều hộ ở xã Gia Xuyên (Gia Lộc) đã thoát nghèo, thanh niên trong xã không phải đi làm ở nơi khác. Bà Nguyễn Thị Hoa ở thôn Tằng Hạ cho biết: "Bình quân mỗi ngày vợ chồng tôi kiếm được gần 400.000 đồng. Công việc này không kể giờ nghỉ hay ngày nghỉ, cứ có người thuê là chúng tôi nhận hết".
Tại huyện Tứ Kỳ, nhiều lao động còn nhận đóng gói nông sản thuê vào ban đêm (từ 8 giờ tối đến 2 giờ sáng). Ban ngày, họ tranh thủ đi phụ hồ hay đóng gạch thuê để kiếm thêm thu nhập. Theo chị Nguyễn Thị Lan ở thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo, hiện nhiều nơi đang mở rộng diện tích trồng các loại rau màu nên không lo hết việc. Ngoài đóng gói nông sản thuê tại địa phương, vợ chồng chị còn đi làm thêm ở các nơi khác.
Anh Vũ Văn Long, chủ cơ sở thu mua nông sản ở thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo cho biết: Vào mùa thu hoạch rau màu, cơ sở của anh phải thuê thêm hàng chục lao động thời vụ đóng gói nông sản thì mới đủ số lượng để giao hàng. Tiền công thời điểm này cũng cao hơn ngày bình thường từ 40.000 - 50.000 đồng/người. Đa số lao động làm việc ở đây đều là người trong thôn nên khi cơ sở cần là họ có mặt ngay. Sắp tới, diện tích trồng rau màu tại địa phương sẽ mở rộng nên gia đình anh sẽ tuyển thêm lao động để có thể cung ứng nông sản ra nhiều chợ đầu mối khác.
Ông Hồ Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Gia Xuyên cho biết: "Trên địa bàn xã ngày càng có nhiều lao động đi đóng gói nông sản thuê cho các cơ sở thu mua nông sản. Thực tế này đã giải quyết phần lớn số lao động không có việc làm của địa phương. Bên cạnh đó, nhiều điểm thu mua, đóng gói nông sản trong xã còn nhận thêm dịch vụ vận chuyển trực tiếp hàng tới các chợ đầu mối ở Hà Nội, Hải Phòng... tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân".
ÁI LIÊN