Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ vừa được chính thức đưa vào vận hành.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc đưa hệ thống giao dịch này vào hoạt động thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Bộ Tài chính trong phát triển thị trường tài chính và thị trường chứng khoán. Hệ thống hoạt động này giúp cơ quan Nhà nước quản lý thị trường tốt hơn, người dân cũng sẽ tham gia giám sát qua đó nâng cao tính công khai minh bạch của thị trường.
Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt trên 5 triệu trái phiếu; trong đó, khối lượng thanh toán ngay gần 4,1 triệu trái phiếu và thanh toán cuối ngày là 0,9 triệu trái phiếu. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 1.781 tỷ đồng; trong đó, giá trị thanh toán ngay là 1.690 tỷ đồng, giá trị thanh toán cuối ngày xấp xỉ 91 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá đây là những tín hiệu tốt, cho thấy nếu được công khai, minh bạch và bảo đảm an toàn thì trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hoàn toàn có thể phát huy được vai trò trong việc huy động vốn cho doanh nghiệp.
Theo Bộ Tài chính, với tiềm năng và tương quan với thị trường trong khu vực thì quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam còn khá khiêm tốn. Hiện dư nợ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở mức trên 15% GDP. Trong khi đó, Chiến lược Tài chính đặt ra mục tiêu quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến năm 2025 là 20% GDP và đến năm 2030 đạt tối thiểu 25% GDP.
Song Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng khẳng định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự phát triển khá tích cực trong những năm gần đây, cơ bản đã xây dựng được một khung khổ pháp lý khuyến khích thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất kinh doanh, giúp nhiều nhà đầu tư có thêm kênh đầu tư hiệu quả.
Tuy nhiên, vì sự tăng trưởng nhanh, nên tốc độ phát triển về quy mô chưa tương xứng với chất lượng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Cụ thể, cơ cấu giữa trái phiếu doanh phát hành ra công chúng và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chưa phù hợp; phần lớn các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ huy động vốn cho những ngành nghề có nhiều rủi ro...
Cá biệt, có hiện tượng lợi dụng các quy định thông thoáng trong thành lập và hoạt động doanh nghiệp để vi phạm các quy định về công bố thông tin, nâng khống vốn điều lệ, huy động và sử dụng vốn không đúng mục đích.
Thị trường này đã và đang bộc lộ một số rủi ro cần được nhìn nhận chính xác, hợp lý, đúng mức độ để có giải pháp phù hợp, giúp thị trường phát triển đúng hướng, an toàn, bền vững.
Chính vì vậy, khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách cho hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang từng bước được ban hành từ Luật, Nghị định đến Thông tư.
Đặc biệt Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 5.3.2023 về sửa đổi, bổ sung một số quy định của các Nghị định về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Nghị định nhằm tạo hành lang pháp lý tháo gỡ một số khó khăn ngắn hạn cho doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo quyền và lợi ích của nhà đầu tư.
Cụ thể, Nghị định quy định doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác khi có khó khăn trong việc thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu theo phương án phát hành. Theo đó, doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư có thể đàm phán để cân đối các nguồn lực của doanh nghiệp, thanh toán nghĩa vụ nợ đến hạn.
Cùng với đó, doanh nghiệp được đàm phán với nhà đầu tư để thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu theo quy định, được đàm phán để kéo dài kỳ hạn của trái phiếu tối đa không quá 02 năm đối với các trái phiếu đã phát hành trước ngày 16.9.2022.
Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, trong giai đoạn cuối năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, hầu như không có doanh nghiệp nào phát hành được trái phiếu ra thị trường, nhưng từ khi Nghị định 08 được ban hành đến giữa tháng 7.2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 68.503 tỷ đồng, với 11 đợt phát hành ra công chúng trị giá 9.276 tỷ đồng (chiếm 13,5% tổng giá trị phát hành) và 54 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 59.227 tỷ đồng (chiếm 86,5%).
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhận định đây là dấu hiệu tích cực cho thấy tác động chính sách giúp các doanh nghiệp và các nhà đầu tư có niềm tin và bắt đầu quay trở lại thị trường. Ở một khía cạnh khác, sau khi Nghị định 08 ra đời, nhiều doanh nghiệp đã đàm phán thành công với các nhà đầu tư trong xử lý vướng mắc về quá trình thanh khoản, dòng tiền khi trái phiếu đến hạn.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, sau khi có nghị định này, nhận thức, ý thức của các chủ thể tham gia thị trường tốt lên rất nhiều, hiểu được trách nhiệm và nghĩa vụ khi tham gia thị trường hơn. Các tổ chức phát hành, cung cấp dịch vụ chấp hành nghiêm túc chế độ cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư. Thị trường được kỳ vọng sẽ có những điều chỉnh và đi lên một cách bền vững.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Vụ phó Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, lành mạnh và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, từng chủ thể tham gia trên thị trường cần tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Theo đó, doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu, chủ động minh bạch thông tin tình hình tài chính; khả năng trả nợ của doanh nghiệp thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán báo cáo tài chính, công bố đầy đủ thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu; tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu, có trách nhiệm thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố thông tin cho nhà đầu tư để đảm bảo uy tín trên thị trường.
Về phía nhà đầu tư, theo ông Nguyễn Hoàng Dương, cần hiểu biết về quy định của pháp luật; tiếp cận thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu; đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng. Đồng thời, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.
Cùng với đó, làm rõ sự khác biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp và tiền gửi tiết kiệm ngân hàng; không được mời chào nhà đầu tư không đáp ứng đủ điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để trái phiếu thực sự là kênh huy động vốn hiệu quả, cần có sự thay đổi mạnh mẽ về cơ chế chính sách, cơ chế phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều phải chịu sự quản lý nghiêm túc của nhà nước; cần các quy định về điều kiện phát hành một cách cụ thể, rõ ràng và đầy đủ và các yêu cầu về quản lý, giám sát; cũng như các quy định về chế độ kiểm toán và báo cáo kế toán.
Theo TTXVN