Tuyến cáp quang biển APG gặp sự cố từ cuối 2022, nhưng đến nay chưa khắc phục xong vì liên tục phát sinh thêm lỗi mới.
Ngày 20.8, đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam cho biết tuyến Asia Pacific Gateway - APG kết nối đến Việt Nam phải lùi lịch khôi phục, sau khi hai vấn đề mới được phát hiện trên các nhánh S1.9 và S9.
Trước đó, APG cũng gặp sự cố trên nhánh S1.7 từ tháng 6, khiến chưa thể trở lại hoạt động bình thường. Với ba sự cố chưa được xử lý, tuyến này hiện mất dung lượng trên hướng kết nối từ Việt Nam đi Singapore.
Đường đi tuyến cáp APG
Tuy nhiên, theo đại diện nhà mạng, mức độ tác động tới người dùng từ sự cố đợt này không lớn. Trong các đợt đứt cáp trước, đặc biệt là vấn đề với cả năm tuyến cáp hồi đầu năm, các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước vốn đã có phương án khắc phục, như san tải, mua thêm dung lượng qua tuyến cáp đất liền.
Trước đó, đơn vị quản lý tuyến cáp này dự định hoàn thành việc sửa chữa trên nhánh S1.7 vào cuối tháng 8, sau đó lùi sang đầu tháng 9. Tuy nhiên với hai sự cố mới, đơn vị này chưa chưa có lịch khắc phục cụ thể.
APG là một trong năm tuyến cáp quang biển của Việt Nam, kết nối từ trạm cập bờ Đà Nẵng đến hai trung tâm Internet của khu vực là Hong Kong và Singapore. Hoạt động của tuyến bắt đầu gặp vấn đề từ cuối 2022, sau đó liên tiếp phát sinh các lỗi vào tháng 4, tháng 6 và tháng 8, khiến dung lượng chưa được khôi phục sau tám tháng.
Hồi đầu năm, có giai đoạn cả năm tuyến cáp quang biển từ Việt Nam ra quốc tế gồm APG, IA, AAG, AAE-1 và SMW3 cùng đứt, khiến việc truy cập Internet của người dùng trong nước bị ảnh hưởng lớn. Đến nay, bốn tuyến cáp đã hoạt động trở lại bình thường.
Theo thống kê của Speedtest trong tháng 7, tốc độ Internet di động trung bình của Việt Nam đạt 48,29 Mpbs, tăng năm bậc và đứng thứ 45 toàn cầu. Tốc độ Internet cố định đạt 93,66 Mbps, đứng thứ 46.
Theo VnExpress