Mô hình trồng giống lúa thương phẩm TĐ25 tại một số huyện ở Hải Dương cho thấy giống lúa mới này có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp để sản xuất theo hướng hàng hóa.
Đây là đánh giá được các đại biểu đưa ra tại hội thảo đầu bờ về xây dựng mô hình lúa thương phẩm giống lúa TĐ25 tại xã Ứng Hòe (Ninh Giang) chiều 24/9.
Vụ này, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm xây dựng 5 mô hình sản xuất giống lúa TĐ25 kháng đạo ôn với tổng diện tích 100 ha ở các huyện Nam Sách, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang và Thanh Miện. Trong thời gian sinh trưởng, các mô hình đã hứng chịu ảnh hưởng của bão số 2 và bão số 3. Đặc biệt, bão số 3 đã ảnh hưởng nhiều tới các diện tích lúa đã trỗ đang thời kỳ thụ phấn, nhiều diện tích lúa bị đổ dẫn tới lép hạt, làm giảm năng suất lúa.
Tuy nhiên, mô hình vẫn cho thu kết quả khả quan. Cụ thể, giống lúa này có thời gian sinh trưởng ngắn chỉ từ 108 - 112 ngày, có khả năng chống chịu với nhiều loại sâu bệnh như bệnh đạo ôn, bạc lá, rầy nâu... Năng suất lúa đạt từ 1,8 - 2 tạ/sào (theo đánh giá bão số 3 có khả năng đã làm giảm từ 20 - 40% năng suất lúa tại một số khu vực bị ảnh hưởng nặng). Hạt gạo có chất lượng tốt, cơm mềm, đậm, có mùi thơm nhẹ và được ưa chuộng trên thị trường. Hiệu quả kinh tế thu được khoảng 20 - 23 triệu đồng/ha, cao hơn từ 2 - 3 triệu đồng/ha so với giống lúa đối chứng là Khang Dân 18.
Đây là giống lúa có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt và phù hợp với điều kiện canh tác tại Hải Dương.
TRẦN HIỀN