Học sinh đủ điều kiện nhưng không dự thi hoặc có dự thi THPT quốc gia mà không đỗ tốt nghiệp sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Đây là nội dung mới tại dự thảo Luật Giáo dục đang thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều luồng ý kiến khác nhau. Việc “đẻ” thêm một loại giấy chứng nhận bên cạnh bằng tốt nghiệp THPT làm nảy sinh nhiều băn khoăn, lo lắng về tác dụng, ý nghĩa cũng như những bất cập có thể nảy sinh nếu quy định không đầy đủ, chặt chẽ.
Các cấp tiểu học, THCS trước đây học sinh cũng phải thi tốt nghiệp và được cấp bằng nhưng nay đã bỏ, chỉ còn cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tiểu học, THCS mà cơ bản không gặp khó khăn gì, chất lượng giáo dục vẫn được bảo đảm; cho thấy đây là xu hướng hợp lý. Cách làm này sẽ góp phần giảm áp lực cho kỳ thi THPT quốc gia vì số thí sinh dự thi sẽ giảm, các nhà trường không quá căng thẳng với việc phải có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao, những thí sinh dự thi cũng không quá lo lắng với việc đỗ - trượt. Trong thực tế, chỉ cần học xong THPT là có thể làm được nhiều công việc hoặc tiếp tục học nghề. Trong khi đó kỳ thi THPT quốc gia hiện là kỳ thi “2 trong 1” dùng cả để tuyển sinh đại học. Những thí sinh không có nhu cầu học tiếp lên cao sẽ có thêm cơ hội lựa chọn đường đi phù hợp, tiết kiệm thời gian, chi phí cho gia đình và bản thân.
Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang có bằng tốt nghiệp THPT là giấy tờ công nhận học sinh đã học hết THPT, đạt tiêu chuẩn tốt nghiệp khi thi THPT quốc gia, là điều kiện để được xét tuyển hoặc dự thi vào các bậc học cao hơn. Nếu vẫn giữ nguyên việc cấp bằng tốt nghiệp THPT và cấp thêm giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông sẽ dễ dẫn đến sự chồng chéo giữa hai loại giấy tờ này. Nếu không quy định rõ giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông có giá trị dùng để đi học nghề, trung cấp, cao đẳng hoặc làm những công việc yêu cầu trình độ THPT thì giấy chứng nhận này sẽ trở nên thừa thãi, không cần thiết. Có những ý kiến lo ngại việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông sẽ khiến học sinh lơ là việc học, chất lượng giáo dục không được đồng đều giữa các địa phương bởi học sinh không cần trải qua một kỳ thi chung cũng được cấp giấy chứng nhận này.
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo để phân định rõ mục đích, ý nghĩa của giấy chứng nhận và bằng tốt nghiệp, tránh sự chồng chéo, rắc rối không cần thiết. Cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cấp giấy chứng nhận nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục. Về lâu dài, có thể xem xét phương án bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như bằng tốt nghiệp THPT nếu giấy chứng nhận phản ánh đúng trình độ của học sinh. Việc sinh thêm một tờ giấy chứng nhận, thêm hay bớt số lượng hoặc mục đích, ý nghĩa của các kỳ thi cần được tiến hành một cách thận trọng, có lộ trình và ổn định lâu dài chứ không nên thường xuyên thay đổi khiến học sinh, giáo viên và các nhà trường luôn rơi vào thế bị động, “chạy” theo quy định mới như những năm vừa qua.
LAM ANH