Sáng 19.7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Nông, xác nhận tại địa phương xuất hiện thêm ca nhiễm bạch hầu có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng lớn vì có tiền sử dịch tễ phức tạp...
Sáng 19.7, ông Đặng Thành, Giám đốc CDC Đắk Nông, xác nhận địa phương ghi nhận thêm 2 ca nhiễm bạch hầu tại huyện Tuy Đức (địa phương thứ tư có ca bạch hầu), nâng tổng số ca nhiễm lên 32, trong đó có 2 ca tử vong.
Đặc biệt, theo ông Thành, ca nhiễm bạch hầu có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng lớn vừa xuất hiện do bệnh nhận có tiền sử dịch tễ phức tạp.
Cả 2 ca bệnh dương tính với vi khuẩn bạch hầu đều tại bon Philơte, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức (Đắl Nông) gồm cháu Đ.T.S. (11 tuổi, người M’Nông) và anh Đ.M. (24 tuổi).
Hiện cơ quan y tế đã tổ chức cách ly đủ 7 ngày đối với những người tiếp xúc gần với các bệnh nhân và tiếp tục điều tra, truy xét để dập dịch, khử khuẩn tại những nơi bệnh nhân có di chuyển, tiếp xúc...
Trong đó, trường hợp cháu S. (không còn sổ tiêm chủng nhưng bố S. nói có đưa con đi tiêm vào năm 2009) được nhận định là ca dương tính bạch hầu phức tạp do cháu ở bon Philơte nhưng lại đi học tại Trường dân tộc nội trú huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông). Theo đó, bệnh nhân học tại trường nhưng về nhà vào ngày 8.7 thì ngày 12.7 có biểu hiện sốt, ho... nên mẹ dẫn đi mua thuốc uống. Sau đó cháu S. trở lại trường học bình thường và dự lễ tổng kết của trường.
Đến ngày 14.7, bệnh nhân sốt cao, đau họng nên được đưa đi Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk R’lấp để điều trị, cấp cứu trong đêm. Đến sáng 15.7, do tình trạng cháu không tiến triển nên được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông với các biểu hiện đặc trưng của bệnh bạch hầu. Mẫu bệnh phẩm của cháu S. được Viện vệ sinh dịch tễ Tây nguyên xác định dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Hiện cháu S. đã được chuyển xuống điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.
Theo CDC Đắk Nông, đây là ca nhiễm bạch hầu có tiền sử dịch tễ khá phức tạp khi bệnh nhân di chuyển từ trường về nhà, từ nhà đến trường trong thời gian ủ bệnh và có tiếp xúc với khá nhiều người.
Trong quá trình tự mua thuốc uống, điều trị tại các khoa, phòng tại các cơ sở y tế, bệnh nhân cũng di chuyển, qua lại và tiếp xúc với nhiều người nên việc xác định người tiếp xúc gần với cháu S. là hết sức khó khăn và phức tạp. "Do đó, nguy cơ lây nhiễm bệnh bạch hầu liên tiếp trong cộng đồng là rất lớn", CDC Đắk Nông nhận định.
Theo CDC Đắk Nông, để phòng dịch bạch hầu lây lan, đơn vị phối hợp với địa phương đã xây dựng bản đồ dịch tễ quá trình đi lại, tiếp xúc của cháu S. với những người khác. Cơ quan y tế cũng khám sàng lọc cho 324 người dân lân cận hai gia đình của cháu S., anh M. tại bon Philơte, xã Đắk Ngo
Tại trường dân tộc nội trú huyện Đắk R’lấp, đã khám sàng lọc 170/219 thầy cô giáo và học sinh có liên quan đến bệnh nhân S.. Ngoài ra, cơ quan y tế cũng đã điều trị dự phòng cho hàng chục trường hợp và lấy mẫu bệnh phẩm hàng chục trường hợp khác để tầm soát.
CDC Đắk Nông cũng đã chuyển 10.000 liều vắcxin cho Trung tâm y tế huyện Tuy Đức để tiếp cho người dân từ 2 tháng đến 49 tuổi. Trạm Y tế Đắk Ngo đã tiêm cho 630/666 người tại bon Philơte, xã Đắk Ngo (do số còn lại đang uống kháng sinh dự phòng, phải chờ sau 7 ngày mới có thể tiêm vắcxin.
Trường hợp thứ 2 là anh Đ.M , sống cùng bon với cháu S. Theo đó, ngày 16.7 anh M. được người nhà đưa đến Trạm Y tế xã Đăk Ngo khám. Tại đây bác sĩ thấy họng amydal của M. 2 bên sưng to, amydal bên phải có mủ và giả mạc màu trắng cứng; nhiệt độ 380C. Hiện bệnh nhân M. có kết quả dương tính với bệnh bạch hầu. Điều đáng lưu ý, theo CDC Đắk Nông, anh M. dù sống cùng bon với cháu S. nêu trên nhưng hai nhà cách xa nhau hơn 1km, không tiếp xúc với cháu S. ít nhất 7 ngày từ thời điểm phát bệnh. Anh S. cũng không đi đâu trong vòng 7 ngày vừa qua. Do đó, bệnh nhân này không có nguy cơ gây lây nhiễm cộng đồng vì chủ yếu tiếp xúc với 8 người trong gia đình... |
Theo Tuổi trẻ