Tiếp bước những danh thủ đi trước, thế hệ cầu thủ trẻ người Hải Dương hôm nay tiếp tục tỏa sáng, khẳng định được tên tuổi của mình trong màu áo câu lạc bộ lẫn đội tuyển quốc gia.
Đức Huy (giữa) sau khi ghi bàn thắng đẹp mắt nâng tỷ số lên 2-0 trong trận chung kết lượt đi giữa tuyển Việt Nam với Malaysia tại AFF Suzuki Cup 2018. Ảnh: Đức Cường (Báo Bóng đá)
Họ chính là thế hệ cầu thủ vàng đã và đang góp phần làm rạng danh bóng đá xứ Đông.
Tuổi trẻ tài cao
2018 là năm đi vào lịch sử của bóng đá Việt Nam. Đội tuyển U23 lần đầu tiên giành ngôi á quân vòng chung kết Giải bóng đá U23 châu Á. Đội tuyển Olympic lần đầu lọt vào tốp 4 đội mạnh nhất tại đấu trường ASIAD. Đội tuyển quốc gia giành chức vô địch AFF Suzuki Cup sau 10 năm chờ đợi. Bóng đá Việt Nam đã thoát ra khỏi "vùng trũng" của Đông Nam Á để vươn lên tầm châu lục. Góp phần viết nên trang sử mới cho bóng đá nước nhà hôm nay có nhiều danh thủ quê Hải Dương.
Không thể góp mặt trong đội hình đội tuyển Việt Nam tham dự AFF Suzuki Cup 2018 vì chấn thương nhưng Văn Thanh vẫn là cầu thủ người Hải Dương được người hâm mộ cả nước yêu mến. Suốt hành trình tại vòng chung kết Giải bóng đá U23 châu Á hay ASIAD 2018, hậu vệ quê ở thôn Gia Cốc, xã Tứ Cường (Thanh Miện) luôn là lựa chọn không thể thay thế bên hành lang cánh phải trong sơ đồ chiến thuật của huấn luyện viên Park Hang Seo. Thống kê chỉ ra rằng kể từ khi huấn luyện viên người Hàn Quốc nhận nhiệm vụ dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, ông đã để Văn Thanh thi đấu 21 trong tổng số 23 trận đấu ở mọi cấp độ. Nhắc tới Văn Thanh là nhắc tới cầu thủ đa năng, có tư duy chơi bóng thông minh, kỹ thuật, lì lợm và hiệu quả. Huấn luyện viên Phan Yên - người từng huấn luyện Văn Thanh thời còn ở Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao Hải Dương nói: "Đây là hậu vệ cánh phải số 1 hiện nay của Việt Nam. Mới 22 tuổi nhưng Thanh thi đấu đầy bản lĩnh, công thủ toàn diện".
Đến tận bây giờ, nhiều người hâm mộ vẫn không quên trận đấu đội tuyển Olympic Việt Nam đánh bại Olympic Syria tại vòng tứ kết ASIAD 2018 diễn ra ngày 27.8.2018. Phút 108, tiền đạo Nguyễn Văn Toàn vào sân từ băng ghế dự bị đã tỏa sáng với pha đệm bóng thành bàn mở tỷ số trận đấu. Bàn thắng quý hơn vàng của tiền đạo quê Hải Dương đã giúp đội tuyển Olympic Việt Nam lập nên kỳ tích khi lần đầu tiên vào bán kết ASIAD. Dưới thời ông Park Hang Seo, Văn Toàn không thường xuyên được đá chính nhưng mỗi khi vào sân anh luôn thi đấu hết mình và hiệu quả. Tại AFF Suzuki Cup 2018, cầu thủ này cũng chỉ vào sân từ hiệp 2 trận gặp Myanmar, sau đó gặp phải chấn thương đáng tiếc. Văn Toàn như một chiến binh thầm lặng ở đội tuyển Việt Nam, luôn sẵn sàng hy sinh vì thành tích chung. Dù không có cơ hội thể hiện nhiều tại AFF Suzuki Cup vừa qua nhưng cầu thủ sinh ra ở phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) vẫn thuộc mẫu cầu thủ tài năng bậc nhất của bóng đá Việt Nam hiện nay. Không sở hữu thể hình lý tưởng (chỉ cao 1 m 69, nặng 65 kg) nhưng bù lại Văn Toàn lại sở hữu kỹ năng săn bàn tuyệt hảo với những cú rướn và ngoặt chân rất dẻo bên hành lang phải. Tên tuổi của cầu thủ quê Hải Dương đã được khẳng định qua các giải đấu thuộc nhiều cấp độ. Năm nay mới 22 tuổi, Văn Toàn vẫn còn nhiều cơ hội để tỏa sáng trong tương lai. "Ở hàng công của đội tuyển Việt Nam hiện nay, tôi vẫn thích nhất lối chơi của Văn Toàn. Trong cậu ta pha trộn cả lối đá cổ điển lẫn hiện đại, nhưng xuyên suốt lối đá ấy là sự năng nổ, tự tin; cả tư duy chơi bóng, kỹ thuật và khả năng gây đột biến trên sân đều tốt", cựu danh thủ Lê Thế Thọ nhận định về cầu thủ Văn Toàn.
"Người không phổi" - đó là biệt danh mà các đồng đội ở đội tuyển U23 Việt Nam đặt cho tiền vệ người Hải Dương Phạm Đức Huy. Anh nhận được sự chú ý của người hâm mộ kể từ sau thời điểm cùng lứa Văn Toàn, Văn Thanh, Công Phượng tham dự vòng loại U19 châu Á 2014. Lối chơi mạnh mẽ nhưng không kém phần kỹ thuật đẹp mắt của cầu thủ sinh năm1995 đã giúp anh trụ lại đội 1 Hà Nội FC và liên tục được triệu tập vào đội tuyển quốc gia ở nhiều cấp độ. Tại vòng chung kết Giải bóng đá U23 châu Á 2018, Đức Huy và Xuân Trường tạo thành cặp bài trùng chơi rất hiệu quả nơi trung tuyến của đội tuyển U23 Việt Nam. Ở AFF Cup Suzuki Cup 2018, Đức Huy cũng chơi hiệu quả mỗi lần được tung vào sân. Đặc biệt, anh là tác giả bàn thắng đẹp mắt nâng tỷ số lên 2-0 trong trận chung kết lượt đi với Malaysia.
Đại diện cho thế hệ sinh năm 1997 phải kể tới Nguyễn Tiến Linh. Tiền đạo của Câu lạc bộ Becamex Bình Dương sinh ra ở xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) trước khi cùng bố mẹ vào miền Nam lập nghiệp. Anh chính là vua phá lưới nội tại V-League 2018 với 15 bàn thắng. Lối chơi xông xáo, kỹ thuật và đặc biệt là khả năng chớp thời cơ nhanh, dứt điểm quyết đoán, hiệu quả của Tiến Linh giúp anh được góp mặt trong thành phần đội tuyển Việt Nam tham dự AFF Suzuki Cup 2018.
Cùng sinh năm 1997 còn có tiền vệ trung tâm của Câu lạc bộ Bóng đá Viettel Nguyễn Trọng Đại (người Cẩm Giàng). 2 mùa bóng vừa qua, Trọng Đại sắm vai trụ cột "cày ải" tại giải hạng nhất cùng Viettel, góp công lớn giúp đội bóng được thăng hạng lên V-League 2019.
Giấc mơ bóng đá Hải Dương
Sản sinh nhiều cầu thủ bóng đá tài năng nhưng đến nay Hải Dương vẫn chưa có một đội bóng chuyên nghiệp nào chơi ở sân chơi quốc gia. Người dân tỉnh Đông vẫn mơ một ngày được xem những tài năng bóng đá như Văn Toàn, Văn Thanh, Đức Huy... thi đấu cho chính đội bóng quê hương.
Văn Toàn chia sẻ có lần anh nằm mơ thấy mình đang chơi cho đội bóng đá Hải Dương ở sân chơi V-League. "Tỉnh dậy sau giấc mơ em cứ tiếc nuối một điều gì đó. Sau này mà tỉnh mình có đội bóng, nếu còn đá được em sẽ xin về thi đấu, không thì cũng có thể tham gia công tác huấn luyện", Toàn bộc bạch.
Về giả thiết Hải Dương thành lập được đội bóng đá chuyên nghiệp trong tương lai gần, ông Phạm Đức Đông (bố tiền vệ Phạm Đức Huy) nói với giọng hồ hởi: "Được thế thì còn gì bằng. Lúc đó, tôi sẽ bảo Huy về chơi cho đội bóng tỉnh mình. Dù gì thì đây cũng là nơi phát hiện và chắp cánh cho cháu được như hôm nay". Còn Đức Huy thì khẳng định: "Em sẵn sàng. Đó là mơ ước lâu nay của em".
TIẾN MẠNH