Thế giới đã vượt mốc 2 triệu ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong khi tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này cũng đã lên đến hơn 128.000 ca.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Vienna, Áo, ngày 14.4. Ảnh: THX/TTXVN
Theo thống kê trên trang mạng worldometers.info, đến 22 giờ ngày 15.4 theo giờ Việt Nam, thế giới có tổng cộng 2.025.004 ca nhiễm, 128.978 ca tử vong trong khi 492.763 ca đã hồi phục.
Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, lần lượt là 615.406 ca và 26.164 ca. Có dấu hiệu cho thấy quốc gia này đã bước qua giai đoạn đỉnh dịch khi chỉ ghi nhận thêm 360 ca nhiễm mới và 17 ca tử vong trong ngày.
Ở châu Âu, Tây Ban Nha, Nga và Bỉ là những quốc gia ghi nhận những con số gia tăng ca nhiễm mới cao hơn cả, lần lượt là 3.573 ca, 3.388 ca và 2.545 ca.
Trong ngày 15.4, Liên hợp quốc cũng cho biết đã ghi nhận tổng cộng 189 ca nhiễm và 3 ca tử vong do dịch bệnh trong đội ngũ nhân viên của Liên hợp quốc trên toàn cầu.
Người phát ngôn của Tổ chức WHO Margaret Harris cho biết diễn biến tình hình dịch COVID-19 hiện nay ở châu Âu vẫn là một bức tranh hỗn hợp.
Ở một số nước như Italy và Tây Ban Nha diễn biến dịch đang chậm lại, trong khi ở một số nước khác đang gia tăng. Theo bà Harris, 90% số ca nhiễm trên toàn cầu hiện nay là ở châu Âu và Mỹ, và dịch bệnh hiện chưa đến đỉnh điểm.
Tại châu Á, Hàn Quốc ghi nhận ngày thứ 3 liên tiếp duy trì số ca nhiễm mới dưới 30 người. Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy tổng số ca nhiễm hiện là hơn 10.500 người, riêng thủ đô Seoul và vùng phụ cận ghi nhận tổng số ca nhiễm là hơn 1.300 người.
Trong khi đó, người dân Nhật Bản được khuyến cáo cần giảm 70% việc tiếp xúc với người khác nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh. Cùng ngày, nhóm chuyên gia của Bộ Y tế Nhật Bản cảnh báo khoảng 400.000 người trong nước có thể tử vong nếu không có biện pháp đối phó với dịch COVID-19 một cách hiệu quả.
Theo nhóm chuyên gia này, nếu không thực hiện các biện pháp cách ly triệt để như hạn chế ra đường thì dịch COVID-19 tại Nhật Bản có thể tiếp tục lan rộng và lên tới đỉnh điểm sau 60 ngày. Khi đó, ước tính sẽ có khoảng 850.000 bệnh nhân mắc COVID-19 thể nặng.
Do số lượng bệnh nhân quá đông trong khi các loại thiết bị chữa trị như máy thở không đáp ứng đủ, người bệnh có thể không được cứu chữa kịp thời.
Một số quốc gia nới lỏng các biện pháp hạn chế
Về các biện pháp ứng phó với dịch bệnh, ngày 15.4, một số quốc gia bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp hạn chế.
Sau hơn một tháng đóng cửa để kiềm chế tốc độ lây lan của virus, Đan Mạch đã bắt đầu mở cửa trở lại các trường học. Đây là quốc gia đầu tiên tại châu Âu quyết định mở cửa lại trường học.
Cùng ngày, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cũng tuyên bố dỡ bỏ hạn chế đi và đến khu vực thủ đô Uusimaa, vốn được áp dụng từ ngày 28.3. Samoa cũng đã nới lỏng các biện pháp thực thi tình trạng khẩn cấp, các nhà hàng và xe buýt đã nối lại một phần hoạt động, trong khi kéo dài thời gian mở cửa siêu thị.
Chính phủ Ấn Độ cũng cho biết sẽ cho phép các doanh nghiệp ở nông thôn mở cửa trở lại vào tuần tới cũng như nối lại các hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 đối với hàng triệu người dân.
Trong khi đó, nước láng giềng Pakistan cũng tuyên bố sẽ cho phép ngành xây dựng hoạt động trở lại.
Trong khi đó, cũng có một số quốc gia vẫn thận trọng kéo dài lệnh hạn chế. Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith ngày 15.4 thông báo chính phủ nước này đã quyết định gia hạn thời gian giãn cách xã hội thêm 14 ngày đến ngày 3.5 tới.
Nhiều nguồn tin cho biết Chính phủ Đức cũng sẽ gia hạn các biện pháp hạn chế tới đầu tháng 5. Cùng ngày, Cơ quan Hàng không dân dụng Thái Lan cũng thông báo gia hạn lệnh cấm các chuyến bay đến nước này cho đến ngày 30.4, ngoại trừ các chuyến bay quân sự với sứ mệnh ngoại giao, các chuyến bay chở hàng, chở trang thiết bị viện trợ, y tế cũng như các chuyến bay phải hạ cánh khẩn cấp, lỗi kỹ thuật.
Tất cả những người được phép nhập cảnh nước này sẽ phải cách ly tại các cơ sở của nhà nước trong 14 ngày.
Những báo cáo về thiệt hại kinh tế
Trong lĩnh vực kinh tế, ngày 15.4 xuất hiện nhiều báo cáo doanh thu và báo cáo hoạt động quý I của các thể chế tài chính Mỹ hay các ngành kinh tế nước này, cho thấy những thiệt hại lớn. Golman Sachs, Citigroup hay Bank of America đều ghi nhận mức giảm lợi nhuận lên tới 50%.
Trụ sở ngân hàng Goldman Sachs ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Doanh thu của ngành hàng không thế giới dự kiến giảm khoảng 55%, tương ứng 314 tỷ USD trong năm 2020. Đây là dự báo tồi tệ nhất đối với ngành hàng không, khi chỉ mới ba tuần trước, doanh thu của ngành được dự báo giảm 44% (tương đương 252 tỷ USD).
Đây cũng là ngày Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo các khoản chi tiêu khổng lồ do đại dịch COVID-19 có thể làm tăng thêm nợ quốc gia.
Chuyên gia kinh tế cấp cao của IMF Gian Maria Milesi-Ferretti cho biết trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang khiến nền kinh tế thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng trầm trọng, việc chính phủ các quốc gia trên toàn cầu triển khai các chương trình chi tiêu khổng lồ nhằm cứu vớt nền kinh tế có thể sẽ làm tăng thêm các khoản nợ quốc gia, cũng như gây ra thâm hụt ngân sách.
IMF cũng cảnh báo dịch COVID-19 đe dọa nghiêm trọng sự ổn định tài chính. Báo cáo về bình ổn tài chính toàn cầu công bố ngày 14.4 của IMF nêu rõ: "Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, các điều kiện tài chính đã được siết chặt với tốc độ chưa từng thấy, gây ra một số đứt gãy trên các thị trường tài chính toàn cầu."
IMF cũng ghi nhận sự bất ổn của thị trường đã lên đến đỉnh điểm, chi phí cho vay gia tăng, và nhiều dấu hiệu căng thẳng đã xuất hiện ở nhiều thị trường vốn lớn.
Báo cáo trên được đưa ra sau khi IMF cùng ngày công bố báo cáo triển vọng kinh tế thế giới, trong đó nhận định nền kinh tế thế giới sẽ suy giảm 3% trong năm nay, trong khi mức giảm tại các nền kinh tế tiên tiến là trên 6% đồng thời cảnh báo những tổn thất về kinh tế sẽ tồi tệ hơn nếu dịch kéo dài.
Kinh tế thế giới năm 2020 có thể sẽ phải trải qua một năm tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái 1929-1930.
Theo TTXVN