Thế giới trên 27,4 triệu ca bệnh; ca tử vong ở Mỹ, Brazil giảm mạnh

08/09/2020 06:04

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 180.857 trường hợp mắc COVID-19 và 3.341 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 27,4 triệu người.


 Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Paris, Pháp, ngày 31.8.2020

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 8.9 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 27.463.911 ca, trong đó có 896.054 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 19.512.740 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn  60.210 ca và 7.055.117 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 7.9, thế giới có tới 133 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 89 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm mạnh. Các tâm dịch như Mỹ hay Brazil trong ngày chỉ ghi nhận trên 200 ca tử vong.

Chú thích ảnh
 Học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại trường học ở Nice, miền Bắc Pháp, ngày 1.9.2020

Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (75.022 ca), Mỹ (23.229 ca) và Brazil (10.188 ca); trong khi đó Ấn Độ (với 1.129 ca), Brazil (274 ca), Mỹ (259 ca), Mexico (232 ca) và Colombia (203 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với 6.483.479 ca nhiễm, trong đó có 193.482 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 4.277.584 ca nhiễm và 72.816 ca tử vong; Brazil với 4.147.794 ca nhiễm và 126.960 ca tử vong

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga Penn ở New York, Mỹ, ngày 6.8.2020

Tại Mỹ, số ca mắc COVID-19 mới lại gia tăng tại 22 trên tổng số 50 bang của nước Mỹ, do các gia đình tụ họp và nhiều sự kiện diễn ra trong dịp nghỉ lễ Ngày lao động vào cuối tuần qua.

Mới 3 tuần trước, số ca mắc COVID-19 chỉ tăng tại 3 bang gồm Hawaii, Illinois và Dakota Nam. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này đã mở rộng ra 22 bang, phần lớn ở khu vực ít dân cư ở miền Nam và Trung Tây.

Theo các chuyên gia y tế, trong khi số ca mắc COVID-19 trên toàn nước Mỹ đã giảm từ mức đỉnh ghi nhận vào tháng 7, thì nước này bước vào kỳ nghỉ lễ Ngày Lao động vào cuối tuần qua với số ca mắc trung bình mỗi ngày là 44.000 ca, gấp đôi so với kỳ nghỉ lễ Ngày Tưởng niệm hồi tháng 5 vừa qua.

Tuy nhiên, trang worldometers.info dẫn số liệu chính thức cho thấy tổng số ca tử vong trên toàn liên bang trong ngày đang có xu thế giảm. Trong 24 giờ qua, Mỹ chỉ ghi nhận 259 trường hợp không qua khỏi vì SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
 Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland trong cuộc họp báo tại Ottawa, Canada, ngày 18.82020

Cùng ngày, Cơ quan y tế cộng đồng Canada (PHAC) cho hay nước này đã ghi nhận tổng cộng 131.495 ca nhiễm, trong số này có 9.143 ca tử vong, với xu hướng số ca mới gia tăng trong nhóm người trẻ tuổi. 

Theo PHAC, trong nhiều tuần qua, số bệnh nhân COVID-19 dưới 40 tuổi chiếm tới 62% trong tổng số ca mới. Trong số này, nam giới và phụ nữ ở độ tuổi từ 20-29 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất với mức trung bình lần lượt là 10,7 trường hợp và 11,4  trường hợp trong mỗi 100.000 người.

Tiếp đó là nhóm người ở độ tuổi từ 30-39 tuổi. PHAC cho rằng nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do việc nhiều người trẻ tập trung các điểm ăn uống và cửa hàng bán lẻ.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại La Habana, Cuba, ngày 29.7.2020

Trong khi đó tại Cuba, chính quyền tỉnh Ciego de Avila quyết định đóng cửa trở lại các trường học do phát hiện ổ dịch COVID-19 mới. Theo đó, 75 trong tổng số 90 trường học ở địa phương này khôi phục việc học trực tuyến từ ngày 7.9.

Cuba mới mở cửa trường học trở lại từ ngày 1.9 sau 6 tháng đóng cửa do dịch COVID-19. Hiện Cuba vẫn áp đặt lệnh giới nghiêm tại thủ đô La Habana - ô dịch lớn nhất của nước này. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Cuba vào tháng 3 đến nay, tổng số bệnh nhân ở quốc gia Caribe đã lên tới 4.309 ca, trong đó có 100 ca tử vong.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa ở Frankfurt, Đức, ngày 29.8.2020

Tại châu Âu, Anh ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ tháng 5 với 2.988 ca. Hiện tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Anh đã lên tới 41.551 ca - cao nhất châu Âu.

Anh đang là một trong những nước châu Âu ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh sau thời gian gỡ bỏ biện pháp phong tỏa triển khai thời kỳ đỉnh dịch hồi tháng 5. Điều đáng quan ngại hiện tại là thời điểm học sinh ở nước này trở lại trường học, từng bước khôi phục trạng thái bình thường hóa ở nước này trong thời kỳ dịch bệnh.

Trong khi đó, giới chức Pháp đã đưa thêm 7 tỉnh có các thành phố lớn như Lille, Strasbourg và Dijon vào danh sách những khu vực báo động cao do dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Montpellier, Pháp, ngày 3.9.2020

Trong một thông báo, Chính phủ Pháp cho biết trong số 101 tỉnh và vùng hải ngoại của nước này, có 28 tỉnh hiện bị coi là "vùng đỏ" của dịch COVID-19, theo đó nhà chức trách địa phương có thể áp đặt các biện pháp đặc biệt để giảm số ca mắc mới mỗi ngày.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Pháp ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày 4/9 ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, với gần 9.000 ca. Trong khi đó, ngày 5/9 cũng chứng kiến hơn 8.500 ca mới và tỷ lệ xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 tăng lên 4,7%.

Theo giới chức y tế Pháp, nước này phát hiện thêm 7.071 ca mắc COVID-19, giảm so với hai ngày trước đó. Như vậy, Pháp hiện có tổng cộng 324.777 ca mắc COVID-19, trong đó có 30.701 ca tử vong.

Chú thích ảnh

 Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Moskva, Nga, ngày 1.9.2020

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 7.9 dự kiến các quốc gia thành viên Liên minh châu (EU) sẽ nhận được những liều vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đầu tiên vào cuối năm nay.

Phát biểu trước Ủy ban Y tế Cộng đồng thuộc Nghị viện châu Âu, Phó Tổng vụ trưởng về Y tế và An ninh Lương thực của EC, bà Sandra Gallina tuyên bố: “Có lẽ từ nay tới cuối năm, vào tháng 11 hoặc tháng 12, chúng ta bắt đầu nhận được những liều vaccine phòng COVID-19 đầu tiên”. Cũng theo bà Gallina, vào khoảng giữa tháng 4.2021, vaccine phòng COVID-19 sẽ được cung cấp rộng rãi tại châu Âu.

Nhân danh các quốc gia thành viên, EC đã đàm phán với các hãng dược phẩm về các hợp đồng cung cấp vaccine chống virus SARS-CoV-2. Hợp đồng đầu tiên đã được ký kết với số lượng 300 triệu liều và lựa chọn bổ sung 100 triệu liều vaccine, giữa EC và tập đoàn AstraZeneca. Ngoài ra, EC cũng đã đàm phán xong với các tập đoàn Sanofi-GSK, Johnson & Johnson, CureVac, Moderna và hiện đang đàm phán với BioNtech.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 31.8.2020

Bà Gallina đánh giá vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca, Moderna và BioNtech sẽ là những loại vaccine đầu tiên được đưa ra thị trường. Các công ty này đã chuyển các thông tin cần thiết về vaccine phòng COVID-19 cho EU, trong đó có cả thông báo về việc tiến hành thương mại hóa vaccine.

Để có được quyền mua vaccine phòng COVID-19, EC đã phải thanh toán trước cho các hãng dược phẩm để chi trả một phần cho các rủi ro về đầu tư và để giúp tăng cường khả năng sản xuất vaccine. Tuy nhiên, khi vaccine đã sẵn sàng được cung cấp thì chính các nước thành viên EU sẽ phải mua và quyết định nhóm đối tượng nào sẽ được tiêm phòng đầu tiên.

Chú thích ảnh
 Học sinh thực hiện giãn cách nhằm phòng dịch COVID-19 trong ngày đầu tiên tựu trường ở Amman, Jordan ngày 1.9.2020

Tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi,  Israel từ ngày 7.9 áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm tại 40 thành phố và thị trấn có số ca mắc COVID-19 gia tăng.

Lệnh giới nghiêm áp đặt từ 19h hôm trước đến 5h sáng hôm sau, theo đó người dân chỉ được phép ra  khỏi nhà trong bán kính 500 m và chỉ các cửa hàng thiết yếu mới được phép mở cửa. Bên cạnh đó, việc tụ tập quá 10 người ở không gian trong nhà và 20 người ở không gian ngoài trời cũng bị cấm. Các trường học và mẫu giáo tạm thời đóng cửa.

Các thành phố và thị trấn nói trên là những địa phương bị coi là "vùng đỏ" của dịch COVID-19, mức cao nhất trên thang cảnh báo 4 cấp độ gồm đỏ, cam, vàng, xanh lá của Chính phủ Israel.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Casablanca, Maroc, ngày 24.8.2020

Cùng ngày, Maroc đã áp đặt lệnh phong tỏa TP Casablance và đóng cửa trường học trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Giới chức Maroc cho biết các biện pháp mới này trong đó có hạn chế đi lại và áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm sẽ có hiệu lực trong hai tuần tại thủ phủ thương mại của nước này. Giới chức nước này cũng quyết định đóng cửa các cơ sở giáo dục, trong đó có trường tiểu học cơ sở, trung học cơ sở, phổ thông trung học và đại học.

Động thái này diễn ra sau khi các nhà dịch tễ học bày tỏ lo ngại việc bắt đầu niên học mới có thể làm gia tăng số ca nhiễm, trở thành mối đe dọa đối với hệ thống y tế của nước này vốn đang "gồng mình" để đối phó với dịch bệnh. Bên cạnh đó, mọi cửa ngõ ra vào các thành phố lớn ở Maroc đều phải đóng cửa từ giữa trưa, việc đi lại chỉ được thực hiện với sự "cấp phép đặc biệt" của giới chức địa phương.

Maroc ghi nhận số ca nhiễm gia tăng trong những tuần gần đây. Riêng ngày 6.9, nước này có thêm 2.234 ca nhiễm mới, mức cao kỷ lục tính theo ngày, với 42% trong số này là ở Casablanca. Theo giới chức Maroc, nguyên nhân là do người dân không tuân thủ các quy định phòng.

Casablanca cùng với thành phố Marrakesh đã bị áp đặt một loạt các biện pháp hạn chế cách đây 3 tuần, trong đó có đóng cửa bãi biển và rút ngắn thời gian kinh doanh. Kể từ khi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên vào đầu tháng 3, đến nay Maroc ghi nhận 72.394 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.361 ca tử vong.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một chợ ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 1.9.2020

Tại châu Á, Hàn Quốc ngày 7.9 ghi nhận số ca nhiễm mới đã giảm xuống mức thấp nhất sau 24 ngày tái bùng phát dịch trong cộng đồng, với 119 ca, trong đó có 108 ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc, xu hướng lây lan SARS-CoV-2 ở nước này đang có chiều hướng chững lại, nhưng vẫn phát sinh một số ca lây nhiễm rải rác. Ngoài ra, tỷ lệ những ca nhiễm không rõ nguồn lây vẫn chiếm trên 20%.

Do khó kiểm soát hoàn toàn các ca mắc COVID-19 không có triệu chứng rõ ràng cũng như các ca nhiễm đang trong thời gian ủ bệnh, Chính phủ Hàn Quốc khuyến cáo người dân nên hạn chế di chuyển, như về thăm quê hoặc gia đình, trong dịp nghỉ lễ Tết Trung thu sắp tới.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 2.9.2020

Ngoài ra, người dân cũng được khuyến cáo hạn chế đi viếng mộ hoặc thăm các cơ sở lưu giữ tro cốt, thay vào đó nên sử dụng dịch vụ viếng trực tuyến được cung cấp trên "Hệ thống thông tin dịch vụ tang lễ eHaneul", bắt đầu hoạt động từ ngày 21/9 tới.

Vé tàu hỏa cũng sẽ chỉ được bán hạn chế, ở mức 50% tổng số ghế/toa, và sẽ ưu tiên những chỗ ngồi gần cửa sổ. Hành khách cũng được khuyến cáo chỉ nên đặt mua vé cho những chỗ ngồi cạnh cửa sổ trên xe khách và xe buýt liên tỉnh.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 ngày 7.9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 4.447 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 12.270 người.

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN chỉ có 2 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines và Indonesia. Indonesia vẫn là nước dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch, gấp đôi quốc gia xếp sau là Philippines và bỏ xa các nước khác. Số ca phát sinh trong ngày tại ASEAN có xu hướng giảm nhẹ trong 1 ngày qua.

Indonesia hiện là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN hiện nay, khi nước này ghi nhận số ca bệnh mới và số ca tử vong mới cao nhất khu vực.

Singapore và Malaysia đang chứng kiến nguy cơ dịch bệnh quay trở lại, với số ca mắc bệnh mới tăng đều những ngày qua. Dù vậy, “Đảo quốc sư tử” vẫn kiểm soát khá tốt tình hình và đã nhiều tháng nay không phát sinh ca tử vong mới nào vì COVID-19. Trong khi đó, Myanmar mấy ngày qua số ca mắc mới bất ngờ tăng đột biến.

Cụ thể, SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 12.276 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 120 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 508.699 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 396.069 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Tuy nhiên, dù vẫn ghi nhận các ca mới, song tình hình dịch bệnh tại một số nước ASEAN – trong đó có Thái Lan - đang xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.

Theo báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thế giới trên 27,4 triệu ca bệnh; ca tử vong ở Mỹ, Brazil giảm mạnh