Thế giới nỗ lực cứu Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

04/12/2019 19:03

Hội nghị lần thứ 25 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-25) đã khai mạc tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha.

Diễn ra trong bối cảnh thế giới chưa bao giờ chứng kiến những tác động nghiêm trọng của tình trạng ấm lên toàn cầu một cách rõ ràng đến thế, vì vậy, cứu lấy Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu chính là thách thức rất lớn của lãnh đạo các nước tham dự hội nghị diễn ra từ ngày 2 đến ngày 13.12.


Mỹ là quốc gia đứng thứ hai trong danh sách các nước thải khí CO2 nhiều nhất thế giới

Khủng hoảng khí hậu lên đến cực điểm

Năm 2019, chưa bao giờ thế giới lại chứng kiến những tác động khủng khiếp của tình trạng ấm lên toàn cầu một cách rõ ràng đến thế. Đó là những đợt nắng nóng bất thường tại châu Âu, những vụ cháy rừng chưa có tiền lệ xảy ra từ Nam Mỹ cho tới Australia, những trận lũ lụt lịch sử ở Sri Lanka hay CHDC Congo, mưa tuyết nghiêm trọng, bão trái mùa tại Mỹ...

Không một ngoại lệ, biến đổi khí hậu kéo theo nước biển dâng và những đợt thiên tai mỗi năm một khắc nghiệt đang gõ cửa từng nhà, từng vùng, từng quốc gia và từng châu lục. Đó là những gì Trái Đất đã phải trải qua khi nhiệt độ mới chỉ tăng thêm 1 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Thực tế, thế kỷ XXI đã chứng kiến đến 18 trong số 19 năm nóng nhất trong lịch sử, trong đó có năm 2019.

Ngay trước thềm hội nghị COP-25 lần này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã đưa ra lời cảnh báo chỉ rõ loài người đã có chiến tranh với hành tinh trong nhiều năm qua, và giờ đây hành tinh này đang chống trả. Ông Guterres cảnh báo loài người đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu và đang tiến gần tới "điểm không thể cứu vãn" trong cuộc khủng hoảng này.

Trích dẫn báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc ngày 26.11, ông Guterres đã chỉ ra rằng, nhiệt độ toàn cầu trong 5 năm qua được ghi nhận ở mức ấm kỷ lục, trong đó năm 2019 là năm nóng thứ hai chưa từng thấy. Các trận thiên tai liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu xảy ra thường xuyên hơn, với mức độ nghiêm trọng hơn và có sức tàn phá khủng khiếp hơn. Sự ấm lên toàn cầu gây nguy cơ đối với sức khỏe loài người và an toàn thực phẩm, trong khi tình trạng ô nhiễm không khí được coi là nguyên nhân dẫn tới 7 triệu trường hợp tử vong ở các ca sinh non mỗi năm.

Còn trong báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) về “Triển vọng năng lượng thế giới 2019” vừa mới công bố cũng cảnh báo về “quả bom hẹn giờ biến đổi khí hậu”. Thực tế hiện nay, ngành năng lượng của thế giới nói chung vẫn dựa chủ yếu vào nhiên liệu hóa thạch và là đây chính là “thủ phạm” gây ra tới 40% tổng lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu. Hiện có tới 2/3 lượng khí thải nhà kính của ngành năng lượng do than tạo ra, nhưng hàng nghìn nhà máy điện đốt bằng than thì vẫn đang mọc lên. IEA cảnh báo rằng nếu các chính sách hiện nay tiếp tục được duy trì, trong bối cảnh nhu cầu tăng 1,3% hằng năm đến năm 2040, tình trạng căng thẳng sẽ diễn ra trong tất cả các phân đoạn trên thị trường năng lượng và bài toán về khí thải liên quan đến năng lượng sẽ vẫn không có lời giải.

Cũng liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu, báo cáo hàng năm của Lancet Countdown đã chỉ ra rằng, thế hệ tương lai đang đứng trước nhiều nguy cơ về sức khỏe lâu dài do biến đổi khí hậu. Điều này chỉ có thể được thay đổi nếu thế giới cắt giảm ngay lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch. Báo cáo nêu rõ những nguy cơ mà lớp trẻ sẽ phải đối mặt bao gồm từ việc gia tăng các bệnh truyền nhiễm gây chết người đến tình trạng suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó, nhiệt độ tăng lên đang kéo theo các hiện tượng thời tiết cực đoan, khiến hoạt động kinh tế thường xuyên bị gián đoạn. Năm 2018, thế giới bị mất tới 45 tỷ giờ làm so với năm 2000 do nắng nóng cực đoan trên toàn cầu…

Chung tay cứu lấy Hiệp định Paris

Trong bối cảnh thế giới đang phải gồng mình chống chọi và khắc phục hậu quả ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, dự kiến trong gần 2 tuần tới, lãnh đạo các nước tham dự hội nghị COP-25 sẽ cùng nhau tìm giải pháp đối phó với sức ép hiện nay, để chứng minh quyết tâm chính trị trong việc đối phó với những tác động nghiêm trọng nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, với tốc độ biến đổi khí hậu như hiện nay, gần như chắc chắn các nước sẽ thất bại trong mục tiêu hạn chế nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp và xuống mức an toàn hơn là 1,5 độ C như nội dung của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Hiện nay, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vẫn đang được xem là một nỗ lực lớn của cộng đồng thế giới nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Hiệp định Paris được thông qua tại hội nghị COP-21 diễn ra ở Pháp (tháng 12-2015) và chính thức có hiệu lực từ tháng 11-2016. Hiệp định đặt mục tiêu tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua việc hạn chế tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất không quá 2 độ C và cố gắng giữ ở mức thấp hơn 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp. Để thực hiện được điều này, đến năm 2030, cần giảm 50% lượng khí phát thải so với năm 2010. Cũng tại COP 21, 18 nước phát triển đã cam kết tài trợ 100 tỉ USD mỗi năm (từ năm 2016 đến năm 2020) cho các chương trình khí hậu của các nước đang phát triển, nhưng số tiền huy động được tính đến thời điểm này mới chỉ dừng lại ở con số hơn 70 tỉ USD.

Cho đến nay, Hiệp định Paris đã được 197 quốc gia ký kết và 185 nước thông qua. Tuy nhiên, cam kết của các quốc gia về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính thì mới chỉ đạt 15% nỗ lực cần thiết để giới hạn nhiệt độ tăng ở mức 1,5 độ C. Để giữ mức nhiệt tăng ở ngưỡng an toàn, về lý thuyết lượng khí thải CO2 cần phải giảm 7,6% mỗi năm trong vòng một thập niên tới. Nhưng giới khoa học cho rằng mục tiêu này dường như "bất khả thi" khi trên thực tế mức khí thải CO2 cứ mỗi năm lại tăng lên một mốc kỷ lục mới.

Theo các nhà phân tích, hiện nay các nước vẫn còn tồn tại hai vấn đề bất đồng. Thứ nhất là cấu trúc của các thị trường carbon và làm sao để kiểm soát "tín dụng" carbon tích lũy theo Nghị định thư Kyoto sau khi kích hoạt Hiệp định Paris. Đây là vấn đề gây tranh cãi gay gắt giữa một bên là các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và đặc biệt là Brazil, với một bên là các quốc gia giàu có phản đối chuyển tiếp các mức tín dụng cũ sang hiệp định mới và quan ngại về tác động môi trường của cách tính toán này.

Thứ hai là "tổn thất và thiệt hại". Theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, thông qua năm 1992, các quốc gia giàu có thống nhất gánh vác phần trách nhiệm lớn hơn trong hạn chế nhiệt tăng toàn cầu và để giúp đỡ các nước đang phát triển chuẩn bị cho những tác động không tránh khỏi trong tương lai. Tuy nhiên, vẫn chưa có điều khoản nào về hỗ trợ cho các nước hiện đang phải đối phó với nạn hạn hán, lũ lụt và mưa bão ngày càng trở nên tồi tệ hơn do tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu, như Mozambique và những đảo quốc nhỏ gần như biến mất dưới nước biển. Một cơ chế mới từng được thiết lập vào năm 2012, với mức thiệt hại ước tính khoảng 150 tỷ USD/năm tính tới 2025, thì tới nay vẫn chưa thống nhất được nguồn gây quỹ hỗ trợ hay khẳng định việc hỗ trợ này là cần thiết.

Trước thực trạng đó, hội nghị COP-25 lần này rất được kỳ vọng sẽ là dịp để các nước đưa ra những cam kết mạnh mẽ hơn đối với việc thực hiện Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, kỳ vọng là vậy nhưng rõ ràng cơ hội để đạt được bước đột phá tại hội nghị này không nhiều. Tính đến nay chỉ có 71 nước, hầu hết có lượng khí thải thấp, cam kết đưa mức phát thải về 0 vào năm 2050. Song những nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và có lượng nhà máy điện dùng than đá lớn như Trung Quốc chẳng hạn, thì lại rất khó có chuyện quốc gia châu Á này sẽ đưa ra bất cứ một cam kết lớn nào để giải quyết vấn đề nóng của toàn cầu. Ngoài ra vẫn có sự tranh cãi giữa các nước giàu và phát triển trong các khoản đóng góp và hỗ trợ các quốc gia đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu…

Mặc dù vậy, một tín hiệu tích cực trước thềm COP-25 lần này chính là việc Nghị viện châu Âu đưa ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu và môi trường. Chủ tịch mới của Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, ngày 1.12 đã tuyên bố, châu Âu sẽ trở thành lục địa đầu tiên giảm phát thải xuống mức 0 vào năm 2050 và mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính vào năm 2030 sẽ phải “tham vọng” hơn nữa.

Trong một diễn biến tích cực khác, bất chấp việc Mỹ đang sửa soạn rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và nhiều khả năng không cử phái đoàn cấp cao tới dự COP-25 thì ngày 1-12 vừa qua, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã chính thức thành lập liên minh các cá nhân nổi tiếng chống biến đổi khí hậu. Với tên gọi “Chiến tranh Thế giới lần thứ 0”, ý tưởng này tập hợp các nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực chính trị như ông Kerry hay cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, lĩnh vực điện ảnh như diễn viên Arnold Schwarzenegger, Leonardo Dicaprio, lĩnh vực âm nhạc như nữ ca sĩ Emma Watson… với kỳ vọng tạo ra làn sóng ảnh hưởng giúp mọi người ý thức được tình trạng khẩn cấp của môi trường.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thế giới nỗ lực cứu Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu