Thế giới nhân vật trong "Hoa mận về xuôi"

30/06/2023 07:00

Tập truyện ngắn “Hoa mận về xuôi” của Vũ Thị Thanh Hoà đã đoạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2022 của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam.



Vũ Thị Thanh Hòa là một cây bút sung sức. Chị viết nhiều thể loại, từ tản văn đến thơ, truyện ngắn. Tác phẩm của chị xuất hiện trên nhiều tờ báo từ Trung ương đến địa phương. Dù ở thể loại nào, Vũ Thị Thanh Hòa cũng để lại dấu ấn với chất giọng riêng, dễ đi vào lòng người đọc. Trong nhiều mảng sáng tác của mình, chị dành tình cảm đặc biệt cho những con người lao động có thân phận bé nhỏ nhưng luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Với tập truyện ngắn “Hoa mận về xuôi”  (Nhà xuất bản Văn học, 2022) - tác phẩm đoạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2022 của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, chị đã dần khẳng định lối đi riêng trong cách xây dựng nhân vật.

Chỉ 12 truyện ngắn trong gần 200 trang sách, “Hoa mận về xuôi” đã đưa người đọc đến với thế giới nhân vật rất ấn tượng. Đó là những thân phận bé nhỏ, những con người lao động có số phận cơ cực, đặc biệt là những người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi, mất mát. Dù bối cảnh không gian của tập truyện chủ yếu gói gọn trong những gia đình lao động nghèo ở nông thôn nhưng vẫn mang ý nghĩa khái quát về đời sống xã hội đương thời. Người đọc dễ dàng nhận thấy lòng trắc ẩn của tác giả gửi gắm qua mỗi cuộc đời, mỗi câu chuyện.

Nhân vật chị Tần trong “Hương chè” vất vả, lam lũ bán rau để kiếm từng đồng nuôi hai con ăn học, trong khi chồng chị đi xuất khẩu ở Đài Loan. Tần không chỉ nhọc nhằn với gánh nặng mưu sinh mà còn phải đối mặt với những lời tán tỉnh, ve vãn của gã đàn ông cùng xóm nhưng chị đã vượt qua cám dỗ để giữ mình trong khi chồng chị ngoại tình ở xứ người, muốn ruồng rẫy, ly hôn chị. Giữa lúc lòng chị tan nát, bao đêm phải tự lau nước mắt cho mình thì chị gặp lại người yêu cũ, giờ đã góa vợ. Tình thế éo le khi chồng chị đột ngột trở về và tuyên bố “mất trắng”. Đứng trước bao ràng buộc vô hình, Tần sẽ lựa chọn con đường hạnh phúc của mình ra sao? Truyện kết thúc bỏ ngỏ, để lại nhiều trăn trở trong lòng độc giả.

Nhân vật người đàn bà được gọi là “chị” trong truyện “Đẻ thuê” cũng có cuộc đời cơ cực và lắm nỗi éo le. Chị lấy phải người chồng không ra gì. Hắn ngoại tình, bị chồng của nhân tình bắt quả tang nên đã phải ký giấy vay nợ mới được tha. Lãi mẹ đẻ lãi con, hằng ngày phải trốn chui trốn lủi vì bọn xã hội đen đến đòi tiền, đe dọa. Hắn đành dắt vợ con bỏ lên thành phố mưu sinh, ai thuê gì làm nấy. Khi kinh tế gia đình kiệt quệ, hắn ép chị nhận hợp đồng “đẻ thuê”. Còn hắn vẫn chìm vào men rượu và thói trăng hoa, lại bạo hành cả con đẻ của mình. Khi biết vợ chồng thuê chị đẻ con cho họ có dính đến buôn ma túy, chị đã quyết định dắt các con bỏ đi, rời xa hắn và không muốn tương lai của đứa bé trong bụng lớn lên trong môi trường xấu xa. Truyện kết thúc mở khi chị lên cơn trở dạ khiến người đọc không khỏi xót xa.

Đọc truyện “Trăng muộn”, người đọc sẽ đồng cảm với nhân vật cô giáo Huệ, lấy chồng mấy năm mà vẫn chưa có con. Chồng cô là bộ đội biên phòng thường xuyên xa nhà nên cô phải chịu đựng những lời bóng gió của bà mẹ chồng khao khát có cháu bế bồng. Huệ vùi đầu vào công việc, hết lòng với nghề giáo, luôn tận tậm giúp đỡ học sinh cá biệt, trách nhiệm với công tác phổ cập. Thuốc thang, chạy chữa và khát khao làm mẹ của cô cuối cùng cũng được đền đáp. Niềm vui như vỡ òa khi truyện khép lại với tin vui bất ngờ đến với người phụ nữ muộn con.

Trong số những truyện viết về thân phận người phụ nữ thì truyện “Hoa mận về xuôi" để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Nhân vật May từ miền núi xuống thành phố làm công nhân nên phải ở trọ cùng nhiều anh chị em công nhân khác. May chịu thương, chịu khó, hiền lành, tốt tính nhưng lấy phải gã chồng cục mịch, lười biếng lại còn nghiện ma túy. Gần Tết, hắn xuống thăm May và cuỗm hết tiền của cô rồi bỏ đi. Năm hết Tết đến, người người về đoàn tụ với gia đình thì May lủi thủi ở lại nhà trọ vì nhà còn đâu nữa mà về. Gã chồng May tệ bạc đã dẫn gái về ở cùng, chúng đều là dân nghiện với nhau. Cô đành ở lại ăn Tết với ông bà chủ nhà tốt bụng. Hình ảnh cành mận bung nở bừng sáng cả một góc phòng đem lại niềm hy vọng về những điều tốt đẹp đang chờ đợi cô ở phía trước.

Tập truyện “Hoa mận về xuôi" còn xây dựng những nhân vật phụ nữ khác. Đó là An trong “Cuộc hẹn đã định trước”, Thụy và mẹ Thụy trong “Lạc nhịp”, Thùy Mai trong “Mùa hoa khế”… Mỗi nhân vật là một cảnh đời, một tính cách khác nhau nhưng họ đều có điểm chung là khao khát vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Đó cũng là mưu cầu chính đáng của mỗi con người nhưng hành trình đến với hạnh phúc còn đầy rẫy nhọc nhằn, chông gai.

Thế giới nhân vật trong tập truyện của Vũ Thị Thanh Hòa ngoài những người phụ nữ có số phận éo le còn là những thanh niên giàu lý tưởng, luôn hướng đến lẽ sống đẹp. Đó là những nhân vật trong các truyện ngắn về đề tài an ninh, xã hội: "Bình minh Bãi Đáy", "Khuất sau bóng tối"… Truyện của chị có nhiều tình huống bất ngờ, lôi cuốn. Nhân vật được dụng công xây dựng trong các mối quan hệ, qua ngoại hình và hành động, ngôn ngữ; đặc biệt là nghệ thuật miêu tả diễn biến nội tâm nhân vật khá tinh tế. Chị cũng gửi gắm nhiều thông điệp về nhân sinh qua thế giới nhân vật mà chị sáng tạo nên.

TRẦN THÚY LÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thế giới nhân vật trong "Hoa mận về xuôi"