Cần tính đến tư duy của ban lãnh đạo quân đội Myanmar khi xem xét các giải pháp hóa giải khủng hoảng để tránh nguy cơ dẫn đến hành động sai lầm.
Trong bài viết gần đây, tiến sĩ Andrew Selth nhận định, trong 30 năm qua, việc cộng đồng quốc tế gần như hoàn toàn không thể gây ảnh hưởng đáng kể đến những diễn biến ở Myanmar ít nhất một phần là do các chính trị gia và quan chức không lưu ý đến lời khuyên của chuyên gia và nghiêm túc xem xét điều gì thúc đẩy các tướng lĩnh, điều gì ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của họ và điều gì có thể thay đổi cách suy nghĩ chung của họ (nếu có).
Theo vị giáo sư trợ giảng tại Viện Griffith châu Á, Đại học Griffith (Úc), trong hơn nửa thế kỷ, ban lãnh đạo các lực lượng vũ trang Myanmar đã chứng minh tinh thần dân tộc chủ nghĩa mãnh liệt, được thể hiện qua thái độ vô cùng bất an trước các lực lượng xã hội chống đối chính quyền ở Myanmar và những chiến lược trục lợi của nước ngoài.
Các tân binh Myanmar được huấn luyện rằng lực lượng vũ trang đã đoàn kết đất nước chống lại nhiều thách thức về sự thống nhất, ổn định và chủ quyền của đất nước. Quân đội khuyến khích họ hoài nghi các chính trị gia dân sự, vì những người này rõ ràng thường có xu hướng tự ủng hộ mình và đề cao lợi ích cá nhân hơn lợi ích quốc gia. Quân đội cũng nói với binh lính rằng họ đã tự giành được vị trí trung tâm trong nền chính trị quốc gia và có nhiệm vụ đoàn kết đất nước.
Binh sĩ Myanmar vũ trang súng và áo giáp trấn áp biểu tình tại TP Yangon ngày 2.3 - Ảnh: REUTERS
Nhà nghiên cứu từng có mười cuốn sách và hơn 50 bài báo nghiên cứu hầu hết là về Myanmar cho biết điều quan trọng là phải xem xét "ba sự nghiệp quốc gia" vốn là trọng tâm trong tư tưởng của chế độ quân sự cũ, và nó quan trọng đến mức được ghi vào Hiến pháp năm 2008.
Đó là bảo vệ sự toàn vẹn của liên bang, đoàn kết dân tộc và củng cố chủ quyền. Nước ngoài thường chế giễu phương châm này, đặc biệt là khi nó liên tục xuất hiện trên các tờ nhật báo, các cuốn sách và biển quảng cáo trên khắp đất nước, nhưng chúng không chỉ là những khẩu hiệu mang tính tuyên truyền. Đây là những giá trị cốt lõi của lực lượng vũ trang và là cơ sở cho nhiều hành động của họ cho đến ngày nay.
Ba sự nghiệp này được tạo dựng với một niềm tin sâu sắc rằng người nước ngoài không thể hiểu được Myanmar. Chỉ những người sinh ra, lớn lên và thấm nhuần các chuẩn mực văn hóa và xã hội ở đây mới có thể thực sự biết điều gì là tốt nhất cho đất nước này và nên làm gì để xử lý nhiều thách thức phức tạp của đất nước.
Không chỉ lực lượng vũ trang giữ niềm tin này. Chẳng hạn, năm 2019, khi bà Aung San Suu Kyi phát biểu tại Tòa án công lý quốc tế, bà nói tình hình ở bang Rakhine rất phức tạp và không dễ gì hiểu được. Rõ ràng là bà có hàm ý rằng người nước ngoài không thể hiểu được tình hình và nên tránh xa công việc nội bộ của Myanmar.
Một yếu tố liên quan nữa là Myanmar đã theo đuổi các chính sách kinh tế tự cung tự cấp và giữ lập trường trung lập trong các vấn đề đối ngoại trong nhiều thập kỷ. Điều này không chỉ phản ánh, mà còn khuyến khích, ý thức về sự độc lập, rằng Myanmar có thể tạo lập các quy tắc riêng, đi theo con đường riêng và tương tác với cộng đồng quốc tế theo những điều kiện của riêng mình.
Suy nghĩ đó đã thay đổi đến một mức độ nhất định sau cuộc nổi dậy năm 1988 và khi một ban lãnh đạo quân sự có tư tưởng cởi mở và thực dụng hơn ra đời. Tuy nhiên, họ vẫn giữ thái độ nghi ngờ sâu sắc với người nước ngoài và niềm tin rằng nếu cần thiết, Myanmar sẵn sàng trả giá cao để tiếp tục duy trì nền độc lập và chủ quyền của mình.
Cộng đồng quốc tế cần xem xét các nguyên tắc rộng lớn đằng sau chúng nếu họ hy vọng có thể thay đổi suy nghĩ, và tiếp đó là các chính sách, của giới tướng lĩnh Myanmar.
Nhưng mọi việc không phải lúc nào cũng vậy. Chẳng hạn, sau năm 1988, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và một vài nước khác đã áp đặt đối với Myanmar thậm chí còn gay gắt hơn với Triều Tiên.
Liên minh Trà sữa tổ chức tuần hành tại Đài Bắc, Đài Loan chống đảo chính ở Myanmar - Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, sau đó chính các chính phủ trên cũng đã thừa nhận rằng các biện pháp trừng phạt này không thay đổi được tư tưởng của chế độ quân sự Myanmar, cũng như không thể thuyết phục ban lãnh đạo nước này thay đổi bất kỳ chính sách cốt lõi nào của mình.
Quả thật, chúng ta có thể lập luận một cách mạnh mẽ rằng luận điệu chính trị nhằm cáo buộc chế độ quân sự từ năm 1988 đến năm 2011, các biện pháp trừng phạt kinh tế và các biện pháp khác nhằm làm suy yếu chế độ quân sự này và thay thế nó bằng một chính quyền dân chủ dưới sự lãnh đạo của Aung San Suu Kyi đã tỏ ra phản tác dụng.
Chúng không những không thể thay đổi suy nghĩ của giới tướng lĩnh mà còn củng cố quyết tâm của họ chống lại sức ép từ bên ngoài. Có thể nói các biện pháp trừng phạt đã góp phần dẫn đến tâm lý phòng thủ, khuyến khích quân đội mở rộng trên quy mô lớn, củng cố nhà nước cảnh sát và sức kháng cự trước mọi biện pháp (kể cả viện trợ) vốn khiến Myanmar dễ bị ảnh hưởng từ tác nhân bên ngoài.
Chính quyền Mỹ thời Barack Obama chấp nhận áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế gây tổn hại nhiều nhất đến đại đa số người dân Myanmar, nhưng lại chỉ có ảnh hưởng không đáng kể đến giới tướng lĩnh.
Một số chính trị gia và các nhóm hoạt động vẫn miễn cưỡng chấp nhận thực tế đó. Tuy nhiên, họ buộc phải thừa nhận rằng cho dù đã áp đặt những biện pháp cứng rắn, nhưng đây là thời kỳ Myanmar trở nên mạnh mẽ hơn về mặt chiến lược, quân sự, chính trị và kinh tế so với bất kỳ thời điểm nào kể từ khi nước này giành lại độc lập vào năm 1948.
Cho dù có những tuyên bố trái ngược nhưng quân đội Myanmar đã ra quyết định cho phép đất nước chuyển tiếp sang một nền dân chủ có kỷ luật vào năm 2011 khi họ đang chiếm ưu thế, chứ không phải khi họ đang gặp bất lợi.
Các nhà hoạch định chính sách cũng cần xem xét thực tế rằng trong suốt lịch sử hiện đại, Myanmar đã kháng cự được sức ép từ bên ngoài, và giờ đây điều này trở nên dễ dàng hơn nhiều nhờ sự hỗ trợ mà họ nhận được từ các nước láng giềng sát vách, đáng chú ý là Trung Quốc, các nước trong khu vực và các cường quốc như Nga.
Theo Tuổi trẻ