Theo Worldometers, tính đến 16 giờ ngày 2.5, toàn thế giới ghi nhận 3.414.027 ca mắc COVID-19, trong đó 239.777 người tử vong, 1.086.883 người phục hồi.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Singapore ngày 27.4. Ảnh: AFP/TTXVN
Châu Âu: Nga ghi nhận thêm 9.623 ca mắc COVID-19 trong vòng 24 giờ
Ban chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Liên bang Nga cho biết tính đến trưa 2.5, nước này đã ghi nhận thêm 9.623 trường hợp nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm tại toàn bộ 85 chủ thể liên bang lên 124.054 người.
Cũng trong vòng 24 giờ, tại Liên bang Nga có 57 ca tử vong do mắc COVID-19, nâng tổng số người tử vong lên con số 1.222, và 1.793 người khỏi bệnh, nâng tổng số người khỏi bệnh lên 15.013 người.
Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có số người nhiễm trong 1 ngày cao nhất với 5.358 ca. Các địa phương có nhiều người nhiễm khác gồm tỉnh Moskva với 807 trường hợp; TP St. Petersburg với 323 ca; tỉnh Nizhny Novgorod với 320 ca; tỉnh Murmansk với 143 ca; Cộng hòa Dagestan với 109 ca.
Trong khi đó, Thị trưởng TP Moskva, ông Sergei Sobyanin trên trang blog cá nhân dẫn các kết quả xét nghiệm cho biết khoảng 2% dân số thủ đô, tức là khoảng hơn 250.000 người, dương tính với virus SARS-CoV-2.
Theo ông Sobyanin, Moskva đã tăng đáng kể năng lực xét nghiệm trên diện rộng trong vài tuần qua và nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh tại thành phố đã đạt hiệu quả tích cực nhờ các quy định giãn cách xã hội và một số biện pháp khác. Tuy nhiên, Thị trưởng Sybyanin nhấn mạnh thành phố này vẫn chưa qua đỉnh dịch và mối đe dọa dịch bệnh đang ngày càng tăng.
Tại Belarus, Bộ Y tế nước này cho biết tính đến sáng 1.5 (theo giờ địa phương), nước này ghi nhận 14.917 ca nhiễm virus SARS-CoV-2.
Theo bộ trên, số bệnh nhân COVID-19 hồi phục gần đến con số 3.000 người, trong khi đã có 96 bệnh nhân tử vong do bệnh này.
Lần đầu tiên sau nhiều năm, Ngày Quốc tế lao động ở Belarus trôi qua mà không có các hoạt động vui chơi theo truyền thống do dịch bệnh COVID-19.
Trưởng khoa bệnh viện khu vực Minsk, nhà dịch tễ học Viktor Suschevich dự báo đỉnh dịch COVID-19 dự kiến sẽ rơi vào 10 ngày cuối tháng 5.
Theo ông, dự báo này dựa trên nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế chuyên ngành và dịch sẽ giảm sau khi đạt đỉnh.
Tại Ukraine, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Ukraine vượt ngưỡng 11.000.
Trong cuộc họp báo sáng 2.5, Bộ trưởng Y tế Ukraine Maxim Stepanov cho biết số trường hợp nhiễm COVID-19 ở nước này trong 24 giờ qua đã tăng thêm 550 người, nâng tổng số ca nhiễm ở đây lên 11.411 người.
Trong vòng 1 ngày qua, Ukraine có 7 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 279 người, trong khi có 85 bệnh nhân đã hồi phục, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 1.498 người.
Đông Nam Á: Philippines, Singapore có thêm nhiều ca mắc COVID-19
Philippines ngày 2.5 đã ghi nhận thêm 156 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 8.928 người.
Thông báo của Bộ Y tế Philippines còn cho biết nước này có thêm 40 bệnh nhân COVID-19 hồi phục, nâng tổng số bệnh nhân hồi phục ở đây lên 1.124 người. Tuy nhiên, nước này cũng có thêm 24 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca tử vong lên 603.
Cùng ngày, Bộ Y tế Singapore xác nhận thêm 447 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở đảo quốc này lên 17.548 người, trong đó có 16 ca tử vong. Phần lớn các ca nhiễm mới là lao động nhập cư cư trú trong các khu chung cư tập thể.
Trong khi đó, ngày 2.5, Thái Lan xác nhận thêm 6 ca nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không ghi nhận thêm trường hợp tử vong nào.
Đến nay, Thái Lan đã 6 ngày liên tiếp ghi nhận số ca COVID-19 mắc mới theo ngày ở mức 1 con số, trong đó, hai ngày 1 và 2.5 có số lượng thấp nhất kể từ hôm 14.3.
Tính đến ngày 2.5, Thái Lan có tổng cộng 2.966 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 54 trường hợp tử vong. Thái Lan đã chữa khỏi cho 2.732 bệnh nhân COVID-19, trong khi còn 180 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế.
Châu Mỹ: Số ca mắc COVID-19 tại Peru vượt ngưỡng 40.000
Ngày 1.5, Bộ Y tế Peru thông báo trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 3.483 ca dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 40.459 người và trở thành quốc gia thứ hai tại Mỹ Latinh có nhiều ca nhiễm nhất, sau Brazil (92.202 ca), trong khi tổng số ca tử vong tới nay là 1.129 người.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại San Martin de Porres,Peru, ngày 29.4. Ảnh: AFP/TTXVN
Peru là một trong những nước đầu tiên tại Mỹ Latinh ban bố tình trạng cách ly để ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2 cũng như triển khai gói các biện pháp kích thích nền kinh tế chưa từng có để giảm thiểu tác động của dịch bệnh.
Tuy nhiên, tới nay, số người nhiễm bệnh đang gia tăng với tốc độ chóng mặt tại nước Nam Mỹ này, đặc biệt là ở thủ đô Lima với 25.718 người mắc bệnh (chiếm hơn 50%).
Hệ thống y tế Peru được cảnh báo đang trong tình trạng “sụp đổ” với nhiều người chết ngay tại hành lang các bệnh viện. Việc thiếu các thiết bị bảo vệ như khẩu trang, đồ bảo hộ y tế đã dẫn tới nhiều cuộc biểu tình của nhân viên y tế liên quan đến sự an toàn của họ trong khi làm việc.
Theo Vietnam+