Thầy trò vừa háo hức vừa lo làm bài kiểm tra trên điện thoại

15/10/2019 14:26

Làm bài kiểm tra trên điện thoại, lỡ như nghẽn mạng thì sao? Nếu học sinh lên mạng tìm tài liệu, gửi đề ra bên ngoài hoặc gửi bài cho nhau trên điện thoại thì làm thế nào?

Thầy trò vừa háo hức vừa lo làm bài kiểm tra trên điện thoại - Ảnh 1.

Học sinh Trường Trần Hữu Trang làm bài kiểm tra trực tuyến

Nhiều ý kiến băn khoăn xoay quanh việc cho học sinh làm bài kiểm tra trên điện thoại có nối mạng Internet.

Cơ hội cho gian lận thi cử?

Ông Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang, quận 5 (TP Hồ Chí Minh) cho biết đợt kiểm tra giữa học kỳ 1 diễn ra vào giữa tháng 10 này, nhà trường sẽ tổ chức cho hơn 900 học sinh các khối lớp 10, 11, 12 làm bài kiểm tra trực tuyến.

Theo một giáo viên môn vật lý ở quận 7 (TP Hồ Chí Minh), việc cho học sinh tập dợt làm bài kiểm tra trên máy là làm theo đúng định hướng của Bộ GDĐT: chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia sau này (học sinh làm bài thi trực tuyến).

"Tuy nhiên, tôi cảm thấy không an tâm khi máy tính, điện thoại của các em học sinh đều được nối mạng. Học sinh có thể gửi đề thi ra ngoài và nhờ sự trợ giúp của ai đó bên ngoài phòng thi một cách dễ dàng. Ban giám hiệu các trường đã tính đến tình huống này chưa?", vị này đặt vấn đề.

Thầy T., giáo viên môn hóa ở quận 3 cũng băn khoăn: "Ngay cả việc xem tài liệu hay trao đổi bài thi với nhau, học sinh cũng có thể thực hiện dễ dàng bằng hình thức chat".

Tuy nhiên, ông Võ Thiện Cang khẳng định: "Mỗi lớp sẽ có nhiều mã đề khác nhau để tránh gian lận thi cử. Trong thời gian kiểm tra 45 phút, học sinh sẽ không hoàn thành được hết bài kiểm tra nếu có ý định gian lận. Chưa kể trong lớp còn có sự giám sát của giáo viên".

Học trò háo hức muốn thử

Thầy trò vừa háo hức vừa lo làm bài kiểm tra trên điện thoại - Ảnh 2.

Giáo viên Trường THPT Trần Hữu Trang hướng dẫn học sinh cách sử dụng điện thoại để làm bài kiểm tra

"Đọc báo thấy các bạn Trường THPT Trần Hữu Trang làm bài kiểm tra trên điện thoại, nhóm của em bàn tán rất sôi nổi. Kể ra thì việc không phải viết trên giấy cũng mới mẻ và thú vị, nhóm em bạn nào cũng muốn thử làm bài kiểm tra trên máy. Vì thi trên máy theo dạng trắc nghiệm rất tiện lợi, muốn thay đổi kết quả chỉ cần một cái nhấp chuột là xong, không mất công nhiều như làm trên giấy", Ngô Uyên, học sinh lớp 11 ở quận 1, TP Hồ Chí Minh cho biết.

Tuy nhiên, Hoàng Hải Thục Hà, học sinh lớp 12 ở quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) lại băn khoăn: "Các bạn trong lớp em cũng xôn xao vụ làm bài kiểm tra trên điện thoại. Ai cũng muốn được thử một lần. Riêng em thì hơi lo lắng về đường truyền Internet. Nếu đang làm bài mà bị nghẽn mạng thì làm sao? Nhất là trường hợp có bạn bị nghẽn mạng, có bạn không, thì sao?".

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 (TP Hồ Chí Minh) cho biết trường ông cũng có kế hoạch cho học sinh làm bài kiểm tra trực tuyến ngay trong học kỳ 1 này nhưng vì một số lý do nên phải dời lại.

"Đúng là chúng ta nên tính tới các trường hợp gian lận nhưng với đề kiểm tra trắc nghiệm, số câu hỏi ra rất sát sao với thời gian làm bài. Nếu học sinh không tập trung làm bài mà cầu cứu từ bên ngoài sẽ không thể đạt kết quả cao", thầy nói.

Tương tự, thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, Tổ trưởng Tổ Toán Trường THPT Nguyễn Du cho rằng: "Nếu cho học sinh làm kiểm tra trực tuyến, giáo viên chúng tôi sẽ được giảm tải rất nhiều. Cái lo lắng nhất của giáo viên chính là đường truyền Internet chứ không phải việc quay cóp của học sinh. Trước khi làm bài, giám thị sẽ yêu cầu học sinh phải đăng xuất tất cả viber, zalo, Facebook... Thêm nữa, giám thị cũng sẽ giám sát chặt chẽ thì thí sinh khó lòng mà gian lận".

Thầy Nguyễn Tác Tuấn Ngọc, Tổ trưởng Tổ Toán Trường THPT Phú Nhuận, cũng đồng tình: "Tôi cũng mong Trường Phú Nhuận triển khai hình thức kiểm tra trực tuyến. Khi thực hiện, nhà trường sẽ phải phối hợp với một đơn vị khảo thí online. Giáo viên chúng tôi sẽ được hỗ trợ khá nhiều trong việc biên soạn đề, đảo mã đề. Đây là công việc rất vất vả và mất nhiều thời gian. Thêm nữa, thi trực tuyến thì giáo viên cũng không phải chấm bài và vào sổ điểm thủ công, rất tiện lợi".

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Thầy trò vừa háo hức vừa lo làm bài kiểm tra trên điện thoại