Thay thế cát san lấp mặt bằng, liệu có khả thi?

20/08/2017 06:13

Sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên là giải pháp đã được đề cập trong thời gian gần đây, nhưng phương án này liệu có khả thi?



Sử dụng đá cát kết, đất đồi thay thế cát tự nhiên trong san lấp là giải pháp hữu hiệu
 nhằm khắc phục tình trạng khai thác cát trái phép


Sử dụng cát để san lấp mặt bằng khiến nhu cầu tiêu thụ cát tăng cao, dẫn tới tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra phức tạp. Sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên là giải pháp đã được đề cập trong thời gian gần đây, nhưng phương án này liệu có khả thi?

Nhu cầu cao


Theo Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Hải Dương đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, tổng trữ lượng cát xây dựng của tỉnh khoảng 79 triệu m3, tập trung chủ yếu tại các bãi bồi, lòng sông thuộc các sông Thái Bình, Kinh Thầy, Đá Vách, Kinh Môn, Rạng, Hương... Những năm qua, sản lượng khai thác cát xây dựng trên địa bàn tỉnh tăng liên tục (năm 2016 đạt khoảng 4 triệu m3 cát), dự báo nhu cầu cát xây dựng đến năm 2020 khoảng 4,7 triệu m3/năm.

Nhu cầu về cát xây dựng của Hải Dương chắc chắn sẽ còn tăng cao nhằm phục vụ nhu cầu san lấp các tuyến đường giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị mới (ĐTM), khu dân cư (KDC). Thế nhưng việc hàng loạt nhà máy thủy điện được xây dựng ở đầu nguồn như hiện nay đã làm lượng cát bồi lắng hằng năm không đủ bù đắp lượng cát bị khai thác. Với tốc độ khai thác, sử dụng lớn như hiện nay, chỉ chưa đầy 20 năm nữa lượng cát bãi bồi, cát lòng sông trên địa bàn tỉnh sẽ cạn kiệt.

Ông Đàm Văn Giáp, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Quang Giáp cho biết các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KDC, khu ĐTM thường sử dụng lượng cát tương đối lớn để san lấp mặt bằng. Ngoài sử dụng cát, các chủ đầu tư còn tận dụng phế thải xây dựng trong san lấp nhưng tỷ lệ rất thấp do không có nguồn cung và việc sử dụng loại vật liệu này cũng bất tiện. Vì vậy, cát vẫn là nguyên liệu chủ yếu. Dùng cát san lấp thuận lợi cho nhà đầu tư khi thi công hạ tầng. Người dân khi xây nhà cũng dễ dàng hơn. Đây là lý do chính khiến nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng cát trong san lấp mặt bằng.

Theo ông Nguyễn Hữu Khuyến, Giám đốc Chi nhánh Hải Dương Công ty CP Đầu tư Newland, chủ đầu tư các KDC, khu ĐTM thường ưu tiên sử dụng cát trong san lấp do những ưu điểm của loại vật liệu này như nguồn cung dồi dào, giá cả hợp lý, vận chuyển dễ dàng, thi công thuận lợi. "Khi chưa có loại vật liệu thay thế hợp lý thì cát vẫn được các nhà đầu tư ưu tiên số 1 trong thời điểm hiện nay", ông Khuyến cho biết thêm.

Sớm thay thế bằng vật liệu khác

“Việc thay thế cát tự nhiên trong san lấp có thể thực hiện được nếu tỉnh có những cơ chế, chính sách phù hợp”.


Cát là nguồn tài nguyên hữu hạn. Nhưng việc tiết kiệm trong khai thác, sử dụng cát lại chưa được quan tâm và cũng chưa có giải pháp tiết kiệm phù hợp. Câu chuyện tiết kiệm cát trong làm đường giao thông, san nền các KDC, khu ĐTM… hầu như chưa bao giờ được nhắc tới. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, 80% lượng cát khai thác hằng năm phục vụ cho san lấp mặt bằng các công trình giao thông, KDC và các khu ĐTM. Mặc dù cát lòng sông có trữ lượng lớn, thay đổi theo thời gian và được bù đắp theo mùa nước, có thể khai thác lâu dài nhưng việc khai thác bừa bãi như thời gian qua tác động rất lớn tới dòng chảy, gây xói lở, ảnh hưởng đến đê điều và môi trường sinh thái bền vững.

Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 9.6.2017 của Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ về tình hình, giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm cát xây dựng ở một số địa phương và đề ra giải pháp sản xuất vật liệu thay thế cát tự nhiên để hạn chế tình trạng khai thác cát lòng sông. Như vậy, tìm vật liệu thay thế cát tự nhiên trong xây dựng đã trở thành vấn đề cấp thiết trong bối cảnh cát tự nhiên ngày càng khan hiếm như hiện nay.

Ông Phạm Văn Nhởn, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho rằng việc thay thế cát tự nhiên trong san lấp có thể thực hiện được nếu tỉnh có những cơ chế, chính sách phù hợp. Nhiều vùng đồi núi không nằm trong vùng cấm của thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn hoàn toàn có thể khai thác, chế biến, sử dụng trong san lấp mặt bằng. Khoáng sản trong những khu vực này chủ yếu là đá cát kết, độ cứng thấp có thể nghiền thành cát xây dựng và vật liệu san lấp. Hiện tại, cơ quan chuyên môn đang tiến hành thăm dò xác định trữ lượng. Sau khi có trữ lượng tổng thể, các nhà đầu tư mới lập dự án để đánh giá hiệu quả của việc sử dụng đất đồi thay thế cát tự nhiên.

Ngoài ra, sử dụng tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện, xi măng thay thế cát tự nhiên cũng là một phương án cần tính đến. Mỗi năm, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại và các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh thải ra hàng triệu tấn tro, xỉ các loại. Ngoài lượng tro bay được sử dụng làm gạch nhẹ chưng áp, phụ gia bê tông trong các công trình thủy điện, lượng xỉ còn lại hoàn toàn có thể sử dụng đắp nền đường, san lấp mặt bằng các KDC, khu ĐTM hoặc các công trình dân dụng khác với chất lượng không thua kém cát tự nhiên.

Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay là chi phí khi sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên. Việc nguồn nguyên liệu thay thế không có sẵn, vận chuyển khó khăn sẽ khiến chi phí san lấp mặt bằng tăng cao. Các cơ quan chức năng cần tính toán, có cơ chế phù hợp để chủ đầu tư các công trình xây dựng sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên trong san lấp góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Thay thế cát san lấp mặt bằng, liệu có khả thi?