Thay mới xe buýt : Chủ xe gặp khó

28/12/2017 13:31

Thực hiện lộ trình thay mới xe buýt theo đề án của tỉnh, nhiều doanh nghiệp, chủ xe đang quá sức...


Tuyến 27 đã thay mới hoàn toàn 12 xe nhưng chủ các xe hiện chưa được hỗ trợ về lãi suất

Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe buýt đang thực hiện lộ trình thay mới xe theo Ðề án "Nâng cao chất lượng vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2020" của UBND tỉnh nhưng gặp nhiều khó khăn.

Thay toàn bộ

Ông Bùi Ðức Chính, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông vận tải) cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có 14 tuyến xe buýt với 213 xe, chủ yếu được lắp ráp trong nước và nhập khẩu Trung Quốc từ năm 2007 trở về trước. Trong đó, có 42 xe sử dụng trên 10 năm, 167 xe sử dụng từ 8 - 10năm, 4xe sử dụng từ 5 - 7 năm.

Theo ông Chính, hệ thống xe buýt của Hải Dương lạc hậu nhiều so với xe của các tỉnh lân cận. Mặc dù đã bố trí chỗ ưu tiên cho người khuyết tật nhưng chưa có xe buýt để người khuyết tật tiếp cận sử dụng theo tiêu chuẩn: QCVN 82:2014/BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Một số tuyến dịp cuối tuần, ngày lễ, Tết diễn ra tình trạng nhồi nhét khách. Hoạt động xe buýt mới đạt được yêu cầu về số lượng, chưa bảo đảm về chất lượng dịch vụ.

Theo Nghị định 95/2009/NĐ-CP của Chính phủ, xe buýt có niên hạn sử dụng 20 năm tính từ năm sản xuất. Nhưng để nâng cao chất lượng các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh, đề án trên khuyến khích các đơn vị vận tải khách bằng xe buýt thay xe đã sử dụng trên 10 năm bằng xe mới chất lượng cao nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc lắp ráp trong nước nhưng sử dụng động cơ, khung gầm do Hàn Quốc, Nhật Bản sản xuất. Sở GTVT đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp khai thác các tuyến xe buýt phải có kế hoạch thay xe. Chậm nhất đến khi hết hạn giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp đã phải thay được 50% tổng số xe theo hợp đồng khai thác tuyến. 30% số xe cũ còn lại phải được thay thế trong năm đầu tiên khi doanh nghiệp được gia hạn giấy phép kinh doanh. Năm thứ 2 phải thay thế hết 20% số xe còn lại. Những doanh nghiệp không chấp hành sẽ bị chấm dứt hợp đồng khai thác khi giấy phép kinh doanh hết hạn, tổ chức đấu thầu lại tuyến để các doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh.

Theo thống kê của Sở GTVT, toàn tỉnh có 13 doanh nghiệp khai thác 14 tuyến xe buýt đi và đến trên địa bàn tỉnh. Công ty CP Vận tải hành khách Thắng Lợi có giấy phép kinh doanh hết hạn sớm nhất vào ngày 24.12, nhưng đơn vị này vẫn đang hoạt động bình thường. Ông Chính cho biết nếu công ty này không thay mới xe buýt theo lộ trình sẽ phải dừng hoạt động khi hết giấy phép kinh doanh. Giấy phép kinh doanh của 11 doanh nghiệp khác sẽ hết hạn trong năm 2018. Riêng Công ty TNHH Vận tải hành khách, hàng hóa và Du lịch Việt Bắc khai thác tuyến 06 Hải Dương - Bến Trại sẽ hết hạn vào tháng 11.2019. Như vậy, nếu các doanh nghiệp chấp hành theo đề án, chậm nhất đến năm 2021, tất cả các tuyến xe buýt đi và đến trong tỉnh sẽ được thay mới bằng xe chất lượng tốt.

Chi phí quá lớn

Ða số chủ xe ủng hộ chính sách thay mới xe buýt. Nhưng nhiều người cho rằng với những xe đưa vào sử dụng chưa đến 10năm cần được khai thác thêm bởi theo quy định niên hạn sử dụng của xe buýt tối đa là 20 năm. "Nếu thay ngay, chúng tôi chưa biết bán xe cũ đi đâu. Tiền thu bán xe chắc chỉ được vài chục triệu đồng, rất lãng phí", ông Nguyễn Văn Ðại ở xã Tiền Tiến (Thanh Hà) chạy tuyến 02 TP Hải Dương - Thanh Hà nói.

Trên giấy tờ, Sở GTVT giao cho đơn vị trúng thầu được khai thác tuyến xe buýt, toàn bộ phương tiện phải của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, những người muốn chạy tuyến xe buýt đó phải bỏ ra từ 300 - 600 triệu đồng, tùy từng thời điểm để mua lại. Theo ông Nguyễn Văn Đại, năm 2012, ông bỏ ra hơn 300 triệu đồng để mua từ Công ty Dịch vụ và Thương mại Hoàng Dương. "Họ không nói rõ giá phương tiện, giá lốt là bao nhiêu, chỉ biết thu cả gói 300 triệu đồng. Giá trị thực của phương tiện thời điểm đó hơn 100 triệu đồng nên có thể hiểu rằng tiền mua lốt chạy khoảng 200 triệu đồng", ông Đại nói. Theo ông Đại, trước khi UBND tỉnh triển khai đề án, giá của cả phương tiện và "lốt" chạy của ông có thể bán được hơn 600 triệu đồng. Ðể tiết kiệm chi phí, hầu hết các xe buýt hiện đều "chồng lái, vợ phụ" hoặc "anh lái, em phụ". Nhiều chủ xe phải làm tới năm thứ 10 mới hòa vốn. Nhiều người làm thời gian ngắn, chưa kịp hoàn vốn, giờ đầu tư thêm một khoản tiền lớn để thay xe là quá sức.

Cách đây 1 năm, anh Vũ Ðình Hùng ở xã Quốc Tuấn (Nam Sách) đầu tư 820 triệu đồng để mua xe và "lốt" chạy, khai thác tuyến208 (Hải Dương - Bắc Giang). Sau đó, anh Hùng bị bệnh sỏi mật phải nghỉ làm hơn 6 tháng. "Thị trường bão hòa, khách đi xe buýt thưa vắng, chưa kể xe hỏng hóc nên lợi nhuận thấp. "Sổ đỏ" đã thế chấp ngân hàng. Nếu giờ phải đầu tư thêm hơn 1 tỷ đồng mua xe mới, tôi chỉ còn nước bỏ nghề", anh Hùng nói.

Ðể thực hiện đề án, UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ lãi suất mua xe trong 3 năm: năm đầu tiên được hỗ trợ hoàn toàn, năm thứ hai 70%, năm thứ ba 50%. Như vậy, với xe trị giá hơn 1 tỷ đồng, mỗi chủ xe sẽ được hỗ trợ khoảng 120 triệu đồng. "Với những người xuất phát từ nông dân như chúng tôi, số tiền 1 tỷ đồng mua xe là quá sức", ông Nguyễn Duy Ðiểm, một chủ xe khai thác tuyến buýt 08 (Hải Dương - Tam Kỳ) cho biết.

Ðến nay đã có 2 doanh nghiệp thay mới xe buýt. Một số doanh nghiệp khác đăng ký thay mới khoảng 80 xe. Nhưng các doanh nghiệp này cũng gặp khó khăn.

Xí nghiệp Thương mại du lịch và xây dựng 27-7 khai thác tuyến 27 (Hải Dương - Ninh Giang) là 1 trong 2 đơn vị đã thay mới toàn bộ xe. Số xe này có động cơ và khung gầm nhập khẩu hãng Huyndai (Hàn Quốc). Bà Nguyễn Thị Tuyết, đại diện doanh nghiệp cho biết khó khăn lắm doanh nghiệp mới dàn xếp được với các chủ xe về việc thay mới xe. Doanh nghiệp đã đứng ra vay hộ các chủ xe hơn 10 tỷ đồng để thay xe. "Cả 12 chủ xe đều khó khăn về vốn nhưng họ đang phải trả toàn bộ lãi suất, chưa được hưởng ưu đãi về tiền lãi theo đề án. Nếu giờ họ bỏ xe thì chúng tôi trắng tay", bà Tuyết nói.

Nói về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Ngọc ở khu 1, thị trấn Ninh Giang, 1 trong 12 lái xe tuyến 27 bức xúc: "Chúng tôi tự giác chấp hành quy định nhưng lại không được hỗ trợ lãi suất mua xe mới theo đề án".

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Ðức Chính thừa nhận có việc này, song khẳng định sau khi các doanh nghiệp thay mới xe buýt, Sở GTVT sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát và hoàn lại toàn bộ số tiền lãi suất ưu đãi trong 3 năm theo quy định. Ông Chính cũng khẳng định đơn vị nào không đáp ứng được, Sở GTVT mở thầu để các doanh nghiệp có năng lực tốt hơn khai thác, bảo đảm nâng cao chất lượng các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh.

LÊ HƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thay mới xe buýt : Chủ xe gặp khó