Tôi là con gái miền Trung, ra Hà Nội học rồi đi làm, gặp anh và làm dâu đất Bắc.
Ngày biết tôi lấy chồng người Hà Nội, bố tôi đã rất lo lắng, bởi người miền Trung vốn ăn nói thô vụng, thật thà, không được nhẹ nhàng khéo léo. Bố sợ tôi không được lòng bố mẹ chồng rồi làm dâu sẽ khổ. Tôi trấn an bố rằng chỉ cần con sống tốt chắc chắn bố mẹ chồng sẽ hiểu, sẽ thương thôi.
Thế nhưng, đúng là xuất thân và hoàn cảnh sống khác nhau cũng như sự khác biệt về văn hóa vùng miền khiến tôi không thể hòa nhập ngay được với nhà chồng. Ở quê tôi, khi con cái không hay không phải chỗ nào thì bố mẹ sẽ nói thẳng để bày dạy và sửa sai. Bố mẹ chồng tôi không thế, họ cũng chê mà "chê khéo" nên nhiều lúc tôi không để ý hoặc không nhận ra. Mẹ chồng còn đi nói xấu tôi với người ngoài và tôi được họ kể lại.
Nhà chồng tôi có hai anh em, sau anh có một em gái cũng đã lập gia đình. Cuối tuần vợ chồng cô chú hay về chơi, cả nhà tổ chức ăn uống. Mẹ chồng tôi nói đó là thông lệ bao lâu nay của nhà mình. Thường thì những bữa như vậy tôi sẽ là người đi chợ và phụ trách bếp núc. Hôm nào cô đến sớm thì sẽ phụ một chút, nếu không thì đồ ăn dọn sẵn rồi vợ chồng cô mới đến. Ăn xong, mọi người ngồi uống nước, ăn trái cây xong thì về, một mình tôi dọn dẹp.
Thực ra, mấy việc dọn dẹp này đối với tôi là việc quá đơn giản. Xuất thân con nhà nông, tôi còn làm nhiều việc vất vả hơn thế, thức khuya dậy sớm hay làm việc nhà chẳng có gì là to tát cả. Kể cả lúc hai chị em cùng mang bầu thì tôi vẫn phải làm mọi việc vì theo như lời mẹ nói, em gái lấy chồng rồi về nhà như là khách.
Có lần em gái chồng về ở chơi vài ngày, mẹ chồng đi chợ mua đồ bổ về nhưng lúc ăn lại chỉ mời con gái "ăn nhiều cho có sức, cho em bé khỏe". Mẹ chồng vắt cam cũng chỉ vắt có một cốc cho con gái vì mẹ bảo tôi "mẹ chả biết con có thích uống không, lúc nào con uống thì tự vắt lấy nhé". Tôi nghĩ, ai ở vào hoàn cảnh như tôi cũng sẽ cảm thấy tủi thân cả thôi.
Có lẽ chính vì những chuyện như thế nên tôi có chút khoảng cách với mẹ chồng. Tính tôi vốn suồng sã dễ gần nhưng dần dần cũng tập sống thu mình lại. Tôi luôn tự nhủ, sống chung với nhà chồng, càng ít va chạm càng tốt. Cũng may, tôi có được một người chồng tuyệt vời. Anh hiểu được những suy nghĩ và tâm tư của tôi, luôn tìm cách để vợ không cảm thấy lạc lõng ở nhà chồng.
Giai đoạn tôi sinh con, mẹ đẻ có ra ở chăm sóc tôi một tuần. Một tuần đó, tôi gần như phó thác cho mẹ mọi việc. Sau khi mẹ về rồi, tôi làm mọi việc của một bà mẹ bỉm sữa, không muốn phiền đến mẹ chồng. Bởi tôi nghĩ, tôi ở cữ, một mình mẹ phải quán xuyến việc nhà, chợ búa cơm nước cũng đủ mệt rồi. Thỉnh thoảng mẹ chồng có hỏi tôi có cần bà giúp gì không, rồi sau đó phân bì phụ nữ thời nay sướng chứ hồi mẹ sinh đẻ cơm cũng ăn không đủ no. Bà còn khuyên tôi: "Con không cần ăn nhiều đâu. Ăn nhiều rồi mẹ tăng cân chứ con có bú hết sữa đâu". Tôi cũng không biết mẹ lo cho tôi hay là có ý gì khác nữa.
Một hôm, tôi cảm thấy hơi mệt, sau khi cho con ti xong thì gọi chồng bảo "anh ôm dỗ con một chút cho con ngủ, em muốn nằm". Chồng tôi bế con ra ngoài hành lang, vừa bế vừa ru. Một lúc thì tôi nghe tiếng mẹ chồng hỏi vẻ khó chịu:
- Mấy giờ rồi mà còn à ơi thế, con không ngủ mai mà đi làm à?
- Nay vợ con mệt, con bế con một chút, con bé ngủ thì con đi ngủ luôn.
- Cả ngày mỗi bế con thôi làm gì mà mệt để chồng phải thức đêm? Mà vợ mày ấy, nó cứ coi mẹ như người lạ ấy, cả ngày cứ ở trong phòng, mới sinh mà việc gì cũng làm, chả nhờ cậy mẹ việc gì. Chẳng bù mấy ngày có bà ngoại ra nó cứ vui vẻ như chim non. Đúng là con dâu thì không bao giờ coi mẹ chồng như mẹ ruột được.
- Mẹ cứ nói thế, cứ bảo vợ con không đối xử với mẹ như mẹ ruột. Thế mẹ có đối xử với vợ con như con gái ruột của mẹ không? Hay động tý là trách, động tý là phàn nàn. Vợ con vì yêu con mà chấp nhận làm dâu đất khách quê người, cô ấy cũng phải cố gắng nhiều lắm để quen dần với môi trường sống nhà mình. Nếu mẹ thương con thì bao dung với vợ con, thương vợ con một chút.
- Thằng này giỏi nhỉ, nay còn bênh vợ, dạy mẹ cách làm mẹ cơ đấy.
Tôi nằm trong phòng, nghe những lời chồng nói với mẹ mà xúc động rơi nước mắt. Là phụ nữ, chẳng mong làm bà nọ bà kia, chỉ mong có được người chồng thương mình thật tâm, biết yêu, biết thương, biết xót cho mình thì coi như mình đã sống một đời không uổng phí.
Theo Gia đình