Lợi ích của quốc gia, dân tộc luôn được đặt lên trên hết, trước hết. Việc xử lý cán bộ cấp cao vi phạm, thay đổi lãnh đạo nhưng không thay đổi đường lối.
Gần đây, một số cán bộ là Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị thôi chức, bị xử lý kỷ luật Đảng, thậm chí xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Trong thời gian ngắn, ba lãnh đạo hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta đã thôi chức.
Lợi dụng sự kiện trên, các trang mạng xã hội phản động đã suy diễn, xuyên tạc rằng: “Nạn tham nhũng đang tràn lan ở Việt Nam, từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất”. Thậm chí, chúng cho rằng: “Để làm chính trị ở Việt Nam thì phải có tiền, phải có sự hậu thuẫn của một doanh nhân, phải có ngân sách lớn để có thể thăng tiến trong môi trường chính trị. Hiện tượng này làm lưu thông những khối lượng tiền lớn và gây bức bối bên trong hệ thống chính trị”, “Việt Nam đang mất ổn định chính trị”… Mục đích của chúng cũng không nằm ngoài âm mưu, thủ đoạn chia rẽ nội bộ, làm giảm sút lòng tin của nhân dân với Đảng.
Cùng với đó, một số cử tri, đảng viên và người dân chưa nắm được đầy đủ thông tin có tâm trạng băn khoăn, trăn trở vì đã đặt niềm tin, kỳ vọng khi bỏ lá phiếu cho những cán bộ lãnh đạo đó. Có người còn cho rằng nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật thì lấy đâu ra người làm… tạo những cản trở trong quá trình phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta.
Cần khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng về công tác cán bộ là “có vào có ra, có lên có xuống”. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xử lý cán bộ đang giữ trọng trách đứng đầu Nhà nước, Quốc hội khi có dấu hiệu sai phạm một cách quyết liệt, nghiêm khắc, kịp thời, đồng bộ. Đó là cụ thể hoá quan điểm, chủ trương trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”; thể hiện rõ không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai… đã nhận được sự ủng hộ và đồng thuận rất cao của tuyệt đại đa số cử tri, nhân dân.
Còn trong quá trình sử dụng cán bộ vận hành bộ máy của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi, không sợ thiếu cán bộ”. Câu nói của người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã khẳng định sự dũng cảm, nghiêm túc, tính kỷ luật cao trong Đảng; khẳng định quyết tâm chính trị rất cao trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ sẵn sàng đảm nhận mọi nhiệm vụ được ủy thác.
Ban Chấp hành Trung ương cũng khẳng định dù thay đổi lãnh đạo bất kỳ đâu thì đường lối, quan điểm của Đảng là không thay đổi. Thay người là để đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới phương thức công tác, lề lối làm việc, cải cách hành chính, chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia… Ghi nhận điều đó, thực tế, nhiều tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia đã thiết lập và phát triển quan hệ chính trị tốt đẹp với Việt Nam và thừa nhận sự đổi mới, phát triển nhanh chóng của Việt Nam trong gần 40 năm qua gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, tin tưởng vào quyết tâm chính trị, vào đường lối cách mạng của Đảng, Nhà nước, bởi lẽ đó cũng là vận mệnh của đất nước mình; để Việt Nam có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay. Lợi ích của quốc gia, dân tộc luôn được đặt lên trên hết, trước hết. Việc xử lý cán bộ cấp cao vi phạm, thay đổi cán bộ nhưng không ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị của Việt Nam.