Thầy giáo thương binh và bài dự thi “khủng”

17/04/2015 10:28

Bài dự thi tìm hiểu Hiến pháp dày 700 trang đánh máy của thầy giáo Nguyễn Huy Sinh thực sự gây ấn tượng mạnh...



Ông Sinh đang hoàn thiện bài dự thi "Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam"

Với hơn 700 trang đánh máy, nhiều hình ảnh, tư liệu minh họa... dù mới trong giai đoạn hoàn thiện, song bài dự thi tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của thầy giáo hưu trí, thương binh hạng 2/4 Nguyễn Huy Sinh ở thôn Mép, xã Minh Đức (Tứ Kỳ) thực sự gây ấn tượng với chúng tôi.

"Tôi nghĩ, nếu đã tham gia các cuộc thi thì phải đầu tư công sức, thời gian và tâm huyết chứ không chỉ làm lấy lệ. Đó cũng là cách thể hiện trách nhiệm công dân của mình", ông Sinh bộc bạch. Hiện nay, ông đang khẩn trương sưu tầm thêm một số hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các kỳ họp Quốc hội cho ý kiến về việc sửa chữa, bổ sung và thông qua các bản Hiến pháp từ năm 1946 đến nay; một số ảnh về các kỳ họp HĐND xã; cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Minh Đức góp ý vào bản Hiến pháp năm 2013, tổ chức phát động cuộc thi... Sau khi hoàn tất, ông chỉ cần đem in, đóng quyển thành bài thi hoàn chỉnh. Dự kiến, bài dự thi của ông sẽ dày khoảng 900 trang.

Bài dự thi trên là công sức suốt hơn 3 tháng qua của ông Sinh. Ông đã đầu tư nhiều thời gian, công sức và cả kinh phí để đi tìm tài liệu cho bài thi. Ông Nguyễn Duy Tăng, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Minh Đức cho biết: "Khi xã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ông Sinh đã nghiên cứu kỹ câu hỏi và lên đề cương bài làm. Sau đó nhờ tôi tham gia góp ý và tìm một số tư liệu phục vụ cho bài dự thi".

Với thâm niên 35 năm là giáo viên dạy lịch sử tại Trường THPT Tứ Kỳ, ông Sinh đã tích lũy được vốn kiến thức dày dặn về lịch sử nhưng theo ông vẫn chưa đủ để làm bài dự thi tìm hiểu Hiến pháp lần này. Trong suốt 3 tháng, mỗi ngày ông đều dành gần 10 giờ để tra cứu thông tin, bổ sung kiến thức, tư liệu để làm bài dự thi. Ông tích cực lên mạng khai thác thông tin, tìm đọc tư liệu lịch sử, tra cứu sách báo... Ông bảo: "Internet là kho thông tin khổng lồ và đa chiều nên phải sàng lọc, lựa chọn thông tin sao chuẩn xác, chính thống để đưa vào bài viết".

Ngoài việc tìm đọc, hiểu, nắm rõ Hiến pháp 2013, ông Sinh còn tra cứu, tìm hiểu về quá trình xây dựng hệ thống pháp luật của nước ta từ thời phong kiến đến bản Hiến pháp các năm: 1946, 1959, 1980, 1992. Ông cũng tìm đọc một số bản Hiến pháp của các nước Đức, Anh, Mỹ, các bài viết phân tích về hoàn cảnh ra đời, những nguyên nhân phải sửa đổi, bổ sung từng bản Hiến pháp của Việt Nam. Trong 9 câu hỏi của cuộc thi, ông Sinh thấy khó nhất khi làm câu số 5 với nội dung: "Những điểm mới của Hiến pháp năm 2013 so với Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân? Điểm mới nào bạn tâm đắc nhất? Vì sao?". Để trả lời câu hỏi này, ông đã mất gần 1 tháng để tìm tư liệu, so sánh, đối chiếu và chắt lọc thông tin vì quyền con người được thể hiện trong Hiến pháp 2013. "Qua quá trình tìm hiểu, tôi thấy Hiến pháp 2013 đã mở rộng nội hàm chủ thể, nội dung quyền con người với quyền công dân. Hiến pháp cũng quy định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người, mỗi công dân. Nhà nước có nghĩa vụ công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật. Ở những bản Hiến pháp trước, quyền con người thường bị lẫn vào quyền công dân và được quy định một cách chung chung, trừu tượng", ông Sinh cho biết.

Nhiều năm liền thầy giáo Sinh bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn lịch sử của Trường THPT Tứ Kỳ. Đã có trên 40 học sinh đoạt giải tại các cuộc thi học sinh giỏi từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia. Ngoài ra, ông cũng rất tích cực tham gia nhiều cuộc thi do các cấp phát động. Trước đây, ông đã từng giành giải 3 cấp quân khu cuộc thi tìm hiểu 45 năm truyền thống Quân khu 3. Năm 2005, ông đoạt giải nhì cấp tỉnh và lọt vào vòng chung khảo cấp quốc gia cuộc thi "60 năm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", Gần đây nhất, năm 2014, bài dự thi "60 năm âm vang Điện Biên" của ông đã đoạt giải nhất cấp huyện, giải ba cấp tỉnh.

HOÀNG NGÂN

(0) Bình luận
Thầy giáo thương binh và bài dự thi “khủng”