Phó phòng Bằng đi làm tưởng đã sớm, vậy mà đến nơi anh thấy Trưởng phòng Huy đã đến rồi. Anh dắt xe ngoài lán và bước nhanh vào vui vẻ lên tiếng:
- Anh đến sớm thế?
Trong phòng, Huy ngồi một mình với ấm trà mới pha trước mặt. Thấy Bằng vào, anh gật đầu chào rồi bảo vào uống nước. Thấy Huy có vẻ mệt mỏi, Bằng khẽ hỏi:
- Anh có chuyện gì không vui?
Huy lắc đầu:
- Không... nhưng đêm qua khó ngủ quá...
Bằng chưa kịp hỏi thì Huy lại thong thả tiếp:
- Ông Bằng này... Huyện mình mấy năm nay đã khá, tiến bộ nhiều, rất đáng phấn khởi... Chỉ còn cái "anh" THCS Xuân Giang là lẹt đẹt quá. Cô Thuỳ làm hiệu trưởng mới được hai năm nay. Trẻ, có nhiệt tình, có trách nhiệm... nhưng kinh nghiệm chưa có, lại phải cái lành quá, còn rụt rè, tự ti nữa. Chính về thế mà chưa quy tụ, phát huy được sức mạnh của anh em, chưa thuyết phục được địa phương... phong trào chưa lên được. Muốn đưa trường ấy lên được thì năm nay phải cần có một người "cầm cờ" vững vàng mới được... Mà không lẽ lại đưa cô ấy đi trường khác. Mình nghĩ không nỡ... Cũng rất thương cô ấy. Hoàn cảnh thì cũng còn có nhiều khó khăn quá. Hai đứa con nhỏ. Hai bố mẹ chồng già. Chồng lại đang là chiến sĩ ngoài đảo xa. Để cô ấy xuống hiệu phó cũng không đành. Cô ấy có sai sót gì đâu. Chăm lo việc trường, đảm đang việc nhà... Một con người rất tốt là đằng khác... Mà năm nay không đưa được trường Xuân Giang lên thì phong trào chung của huyện cũng cứ mãi vậy thôi... Tìm cho Xuân Giang một hiệu trưởng mới thì là ai bây giờ...
Thì ra trưởng phòng đang lo cho phong trào chung... Bằng lặng nghe và cũng luôn nhíu trán suy nghĩ. Khi Huy dừng lời nghỉ hơi, Bằng mới ngẩng lên nhìn anh hỏi:
- Thế... anh đã nghĩ đến anh Động chưa?
Huy gật đầu:
- Đã... nhưng cũng thấy khó... Anh Động thì hết sức tuyệt vời rồi. Nếu được anh ấy về Xuân Giang thì mình tin nhất định năm nay trường ấy sẽ vượt lên được... nhưng...
Lại nhưng...
Rồi hai người lại cùng lặng nghĩ về thầy giáo Động.
Động là bạn thân của Huy. Hai người cùng học với nhau suốt những năm ở đại học sư phạm, chí cốt, chí tình lắm, tuy Động hơn Huy ba tuổi. Từ ngày ra trường hai người lại về dạy cấp hai ở huyện nhà. Động là một người thông minh, năng nổ, hoạt bát... Anh là một sinh viên giỏi, từ ngày ra trường anh lại luôn là một giáo viên giỏi, năm nào cũng có một vài ba học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Anh cũng còn là một cán bộ quản lý vững vàng, đầy kinh nghiệm đứng hàng đầu trong huyện. Nhiều năm nay anh đã là một hiệu trưởng kỳ cựu. Anh đến đâu, dù trường yếu kém thế nào thì cũng chỉ một hai năm là trở thành trường tiên tiến của huyện, của tỉnh ngay. Một cán bộ lãnh đạo như anh cũng thật hiếm. Đúng là một con người "miệng nói, tay làm, tai lắng nghe...". Ai đời là một hiệu trưởng mà anh cũng sà vào đủ việc chẳng nề hà... như những việc từ trang trí cái bảng tin của trường, vẽ từng tờ báo tường cho các lớp, vác bát mầu, giờ nghỉ trưa đến từng phòng kẻ từng khẩu hiệu "Thi đua dạy tốt, học tốt" và "Năm điều Bác Hồ dạy" cho các lớp... Nhiều khi chiều ở lại trường anh còn đến trực tiếp dạy hoặc cầm đàn đệm cho đội văn nghệ học sinh tập để đi thi hội diễn "Tiếng hát Hoa phượng đỏ" của huyện, tỉnh... Vì anh còn dư dật khả năng ca nhạc và mỹ thuật... Đúng là một cái đầu tầu khoẻ nó sẽ kéo cả đoàn tầu đi băng băng.
Anh là người luôn nghĩ ra việc, luôn luôn sáng tạo, đổi mới mọi hoại động của trường lớp. Vì thế mà cũng có nhiều người không thích anh. Có những giáo viên "chân ngoài dài hơn chân trong", đến trường chỉ mong về sớm để còn tranh thủ đi chạy hàng hoặc đứng bán hàng đại lý cho vợ thì hết sức phàn nàn, ca cẩm, cũng có khi phản đối ngầm anh. Họ bảo: Lương thì "nguyễn y vân", ôm rơm lắm chỉ tổ rặm bụng... mà cũng có thêm được đồng nào... "Thành đổ thì có vua xây..." thời buổi kinh tế thị trường... lo lắm cho tập thể... có ai khen...".
Có những lần anh bị ốm, người gầy xọp đi, chả còn dáng chàng sinh viên hào hoa phong độ đâu nữa, họ cũng đổ cho anh chỉ vì làm hùng hục đủ thứ, chả lo cho cái sức khoẻ của mình. Có người còn suy diễn: "Hay là anh ta còn muốn phấn đấu vươn lên!". Nghĩ gì, chứ nghĩ thế thì thật oan cho anh. Anh nhiệt tình, năng nổ... có phải vì động cơ cá nhân đâu. Nếu anh muốn thế thì anh đã "nhảy" lên cao từ lâu rồi. Trong huyện này, ai mà chả biết, dễ có đến hai, ba lần trên huyện định đưa anh về làm Chánh văn phòng UBND huyện rồi. Lại cũng đến ba, bốn lần cấp trên dự kiến đưa anh về làm Phó Phòng giáo dục để tiếp tục làm nguồn lãnh đạo chủ chốt của phòng. Anh mà muốn thì chắc chắn bây giờ anh đã ngồi "cái ghế” Phó Chủ tịch hoặc Chủ tịch huyện lâu rồi. Nhà giáo dễ được cấp trên tin tưởng, dễ "lên" lắm. Thì thực tế đấy, hàng ngũ lãnh đạo tỉnh, huyện, ở đâu cũng vậy đa phần gốc là nhà giáo đó thôi. Còn anh thì anh hay nói với mọi người: "Đã mang lấy nghiệp vào thân... đã là nhà giáo thì không có gì vui bằng, hạnh phúc bằng được gắn bó với trường lớp, với học trò...".
Chính vì anh là một người như thế nên cứ hễ trường nào yếu kém, phong trào khó lên được là Phòng giáo dục huyện lại phải "nhờ” đến anh về "cầm cờ giúp vài ba năm. Rồi khi phong trào lên, trường ấy trở thành trường tiên tiến, có cái nền vững rồi... thì Phòng lại "nhờ" anh đi trường khác. Lại vẫn là những trường yếu kém cần anh đến. Huyện này anh đã có mặt hầu như khắp các trường rồi. Thế mà anh vẫn vui vẻ, không một lời ca thán, không một đòi hỏi gì hơn. Có người bảo: “Sao mà anh vô tư thế được". Rồi không biết từ ai "sáng tác" mà tên anh lại thêm một tiếng nữa. Anh tên là Nguyễn Hữu Động, bỗng thành Nguyễn Hữu Lưu Động... Bây giờ thì giáo viên cả huyện đều gọi vui ngay trước mặt anh là " Thầy giáo lưu động". Anh vẫn chỉ cười. Mãi mấy năm gần đây khi bố mất, mẹ già yếu, hai con đứa đi lấy chồng, đứa đi học xa... thương vợ một mình việc đồng áng, việc cửa nhà vất vả anh mới chịu xin với Phòng được về trường THCS Trung Giang của xã quê mình. Phòng giải quyết ngay. Anh về trường xã chưa đầy ba năm thì trường đã vụt trở thành một trường tiên tiến xuất sắc của huyện, lại được chọn làm một trường điểm của tỉnh nữa... Bây giờ Phòng lại cần anh đi. Trường Xuân Giang lại mãi cuối huyện, xa gần hai mươi cây số. Anh thì vẫn chiếc xe 81 cũ mèm... Anh đã vậy, còn chị ấy thì sao... Nỡ nào thấy người ta như vậy thì cứ tận dụng mãi... Lại còn sức khoẻ của anh ấy nữa. Mấy năm nay trông anh ấy cũng đã già đi nhiều rồi... Chỗ bạn bè thì đã giúp được gì nhau đâu... Trưởng phòng Huy băn khoăn là băn khoăn ở những chuyện ấy...
Huy và Bằng trầm ngâm suy nghĩ khá lâu. Mỗi người trầm tư đuổi theo những suy nghĩ riêng của mình, nhưng đều gặp nhau ở một điểm. Bỗng Huy thở dài đánh sượt:
- Khó thế...
Bằng cũng mạnh dạn bàn:
- Hay là... ta cứ thử xuống gặp anh ấy xem sao... theo tôi... nếu cần điều anh ấy đi xa... thì cũng chỉ một lần này nữa thôi...
Huy ngẫm nghĩ và khẽ gật đầu một cách nặng nề :
- Có lẽ cũng phải thế thôi...
Bằng lại nhìn Huy nói luôn:
-Vâng... giờ tôi với anh cùng đi nhé...
Huy liền xua tay:
- Cả trưởng, phó xuống gặp anh ấy... e có phần khó cho anh ấy... Thôi, mình mình xuống thôi... Chỗ bạn bè dễ nói chuyện... lâu rồi mình cũng chưa xuống thăm gia đình anh ấy mà...
Nói rồi Huy đứng dậy sắp xếp cho gọn gàng sổ sách trên bàn. Bằng trở về phòng mình. Huy bước nhanh ra lán xe. Anh dắt xe ra cổng và nổ máy phóng đi luôn.
Chưa đầy nửa tiếng Huy đã đến nhà Động.
Nhà Động vắng vẻ. Huy dắt xe vào đến sân mới thấy vợ anh cắp cái rổ hái rau ngoài vườn về. Thấy Huy, chị vui vẻ chào. Huy nhìn quanh hỏi:
- Cụ đi đâu, chị?
Chị vẫn tươi cười cởi mở:
- Dạ... cụ nhà em hôm nay đi ăn cưới làng bên... Anh vào nhà mời nước... Trưa nay anh phải ở lại ăn cơm rau mắm với vợ chồng em đấy... Lâu lâu rồi anh chưa về chơi...
Huy theo chân chị vào nhà. Chị nhanh tay pha nước. Huy vui vẻ nhìn chị hỏi:
- Anh ấy là hiệu trưởng, là người "đi trước, về sau..." ... chắc về cũng hơi muộn đấy chị nhỉ?
Chị bỗng có vẻ buồn buồn, thật thà nói luôn:
- Chỗ bạn bè các anh... em chả nói giấu gì... độ này anh ấy yếu quá mấy hôm rồi anh ấy cứ bị hoa mắt, chóng mặt, ù tai, nôn khan... đêm thì mất ngủ... em phải giục mãi sáng nay mới chịu xếp việc trường lớp đi lên bệnh viện tỉnh khám xem sao đấy... anh ạ!
Huy bỗng giật mình:
- Thế à... vậy mà tôi không biết...
Huy lại nhíu trán suy nghĩ. Rồi anh quyết định xếp chuyện ấy lại. Chờ bao giờ anh ấy khỏe sẽ tính sau. Vậy mà chị rất tinh. Có lẽ chị đoán trưởng phòng xuống gặp chồng mình là nhất định có việc quan trọng nên cứ gặng hỏi mãi. Huy lại đành phải nói thật. Nghe xong chị khẽ thở dài bảo:
- Chỉ hiềm nỗi... mấy năm nay sức khoẻ của anh ấy giảm sút quá... Xin các anh trên phòng tính kỹ cho...
Huy cũng biết nếu nói với anh ấy thì chắc chắn anh ấy sẽ lại nhận lời. Chỉ e sức khoẻ của anh ấy. Đắn đo một lát rồi Huy nhìn chị dặn :
- Thôi, việc này để chúng tôi bàn lại... Chị đừng nói gì với anh ấy nữa nhé! Cứ nói tôi qua trường bên ghé thăm cụ và anh chị thôi...
Sau đó anh phải viện mãi lý do có việc cần phải về, hẹn hôm khác thư thả sẽ về chơi lâu hơn... chị mới chịu nghe.
Huy về được một lát thì Động cũng về đến nhà. Chị lo lắng hỏi anh. Động cho vợ biết anh bị thiểu năng tuần hoàn não, bị thoái hoá một đốt sống cổ, tiền đình, huyết áp cao... Tuổi già ập đến rồi... Báo động về sức khoẻ rồi... Nhưng để chị yên tâm anh bảo bệnh viện đã cho thuốc ngoại, điều trị sẽ khỏi thôi... Lúc ấy chị mới đỡ lo.
Chị lại cũng định giấu anh việc anh Huy về nói chuyện. Nhưng nhìn thấy ấm trà mới, biết vừa có khách, anh mới gặng hỏi mãi chị lại đành phải nói thật... Nghe xong anh liền chộp lấy điện thoại... Và anh đã gặp được Trưởng phòng Huy ngay. Chị đứng chăm chăm nghe chồng nói tiếng to tiếng nhỏ, câu được câu chăng. Chờ hai người nói chuyện với nhau xong chị liền nắm tay anh hỏi ngay:
- Anh nhận lời với các anh ấy rồi à?
Động vui hẳn lên và gật đầu:
- Rồi... vì phong trào chung mà... hơn nữa các anh ấy vẫn tin tưởng mình... mình nỡ nào... với lại các anh ấy cũng hứa chỉ một lần này nữa thôi...
Chị lại thở dài và khe khẽ lắc đầu:
- Anh... chỉ được cái vậy... thế anh không lo cho sức khoẻ của mình à?
Anh vẫn cười:
- Ốm đau... chuyện nhỏ... rồi nó cũng sẽ khỏi thôi... còn việc kia thì phòng đang cần lắm, lại chưa tìm được ai... mà anh cũng nhất định chỉ xin xuống đấy làm hiệu phó thôi. Cô Thuỳ hiệu trưởng ở đấy là người rất tốt, cần phải bồi dưỡng... không nên để vì có mình về mà vô tình cô ấy phải xuống chức...
Chị lại hỏi:
- Thế chừng mấy năm?
Anh nói giọng đầy vẻ dứt khoát:
- Có thể một năm... có thể hai năm... hoặc lâu hơn... hễ phong trào lên được thì anh lại trở về trường xã nhà mà... xa xôi gì lắm đâu. Cũng có phải cọc cạch xe đạp như ngày xưa nữa đâu... Anh cũng chỉ vù chừng non nửa tiếng là về đến nhà thôi mà...
Ngần ngừ một chút rồi Động lại cười vui nói với vợ:
- Em không thấy các anh bộ đội quanh năm, có khi cả đời lính phải xa nhà, xa vợ con đấy à... mình đã thấm đâu... Hì! Hì!
Việc như thế mà anh ấy vẫn cứ thấy nhẹ tênh, còn có phần vui được. Thật đến lạ! Lắm lúc chị cũng bực với anh, mà vẫn chẳng có lý gì trách giận anh được. Rồi chả hiểu bần thần suy nghĩ gì mà bỗng thấy chị lại chớp chớp mắt nhìn anh nói:
- Thôi được... việc chung do các anh quyết định... nhưng em phải mua cái xe mới ngay cho anh mới được... chứ cái xe máy kia ọc ạch quá rồi...
Động trìu mến nhìn vợ và tỏ ra hết sức cảm động. Nhưng anh vừa định giơ tay đặt lên vai vợ thì chị đã bước nhanh ra cửa đi bắt tay vào công việc bếp núc bữa trưa. Anh đứng bần thần... Bỗng bao nhiêu hình ảnh những mái trường thân yêu lại hiện lên mồn một trước mắt như vẫy gọi, như giục bước anh đi...
NB.3.2010
Truyện ngắn của THANH THẢN