Người quen biết gọi thầy Phạm Văn Mạo (sinh năm 1933, ở thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo, Tứ Kỳ) là “ông tam cựu" bởi lẽ thầy vừa là cựu chiến binh, cựu giáo chức lại là cựu nhà thơ.
Thầy Mạo nói chuyện nghề giáo với người thân
Thầy Mạo trân trọng những danh xưng ấy. Tuy nhiên, thầy tâm đắc nhất giai đoạn 6 năm làm Phó Hiệu trưởng Trường Học sinh miền Nam số 6 Hải Dương (THSMN số 6). Với thầy, đó là giai đoạn công tác gian nan, vất vả, có cả những kỷ niệm không vui, nhưng rất đỗi tự hào.
Thuở thiếu thời, chàng trai Phạm Văn Mạo được học trong trường do thực dân Pháp xây dựng dành cho người bản xứ, thường gọi là “Giáo dục Pháp - Việt”. Năm 1950, tròn 17 tuổi, thầy tình nguyện nhập ngũ. Do đã học qua bậc trung học nên thầy được giao dạy văn hóa cho các chiến sĩ trong đơn vị. Làm nhiệm vụ đó được 7 năm thì thầy chuyển ngành, đi học trung cấp sư phạm, ngành văn. Từ năm 1960 trở đi, thầy có hai năm dạy cấp 2 phổ thông ở xã An Thanh (Tứ Kỳ); 6 năm làm việc ở Ty Giáo dục Hải Hưng, phụ trách chuyên môn khối cấp 1 toàn tỉnh.
Năm 1968, thầy học Trường Cao đẳng Nhạc - Họa Trung ương. Tốt nghiệp trường này, cộng với những kinh nghiệm giảng dạy đã có, thầy trở thành nhà giáo giỏi, được Bộ Giáo dục điều động bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng THSMN số 6 (một trong 28 THSMN trực thuộc bộ) ở Chợ Mát, thị xã Hải Dương (nay là TP Hải Dương). Đầu năm 1972, miền Bắc chuẩn bị chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, THSMN số 6 sơ tán về thôn Đông (xã Bình Lãng, Tứ Kỳ) cho đến khi thống nhất đất nước, chấm dứt mô hình giáo dục THSMN trên đất Bắc.
Trên cương vị đó, thầy Mạo thực hiện chủ trương của Đảng và Bác Hồ đào tạo học sinh là con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam ra miền Bắc học tập. Thực hiện phương châm “Tất cả vì học sinh miền Nam thân yêu”, thầy tạm xa gia đình để sát cánh bên các đồng nghiệp cùng ăn, cùng ở, vừa giảng dạy, vừa thay người thân chăm lo cho học sinh. Thầy không mấy khi được no cơm, ấm áo nhưng vẫn sẵn sàng san sẻ những gì mình có để học sinh đủ sức khỏe học hành. Học sinh miền Nam cùng các thầy và đồng bào miền Bắc khắc phục khó khăn, tham gia chống hạn, đắp đê, lao động sản xuất, tiếp sức cho miền Nam đánh giặc.
Trong số học sinh miền Nam cũng có không ít em thuộc diện cá biệt, nghịch ngợm. Là lãnh đạo, thầy Mạo luôn nhắc nhở đồng nghiệp lấy tình yêu thương để giáo dục, khuyên bảo các em chăm chỉ học tập, không làm việc xấu, phấn đấu nhanh tiến bộ, trưởng thành để giúp nước.
Lần ấy, một số em nghe kẻ xấu xuyên tạc xúi bẩy đã đốt nhà dân ở xã Bình Lãng. Giáo viên lao vào can ngăn, liều mình trèo lên mái nhà, có ý để các em thấy thế mà dập lửa. Nhưng các em chống lại, trói thầy Mạo vào gốc cây và tiếp tục đốt nhà… Công an vào cuộc, tạm giam các em này, còn kẻ xấu kia phải ngồi tù. Thầy Mạo đã đến trại giam, nêu ý kiến để Ban quản lý trại hiểu thêm về bản chất tốt của những học sinh này, cũng như căn nguyên sự vụ vừa xảy ra. Thầy đã xin cho các em trở lại trường để đi học…
Việc làm của thầy Mạo đã tạo ấn tượng sâu sắc đối với THSMN số 6 nói riêng và cả với học sinh miền Nam trên đất Bắc nói chung.
THSMN số 6 năm xưa đã cung cấp cho đất nước không ít cán bộ ưu tú và những người lao động giỏi. Từ năm 1998 đến nay, nhiều lần học sinh của THSMN số 6 tổ chức gặp mặt và thăm thầy Mạo. Ông Lê Minh Hùng, thành viên Ban Liên lạc THSMN số 6 cho biết: "Cách đây 7 năm, đại diện Ban liên lạc và một số anh chị em đã đến Hải Dương thăm gia đình thầy Mạo. Dịp 20.11.2018, 3 đoàn nguyên là học sinh THSMN số 6 từ Quảng Nam, Đà Nẵng ra thăm, ngồi chật cả sân nhà thầy".
Thầy Mạo chìa cho chúng tôi xem chiếc nhẫn vàng đeo ở ngón áp út trên bàn tay trái. Thầy bảo chiếc nhẫn này là của các em ở THSMN số 6 tặng thầy trong một dịp kỷ niệm ngày thành lập trường. "Ngón áp út trên bàn tay trái là nơi mang ý nghĩa biểu tượng tình cảm. Tình thầy trò THSMN trên đất Bắc hàm chứa tình bạn hai miền khăng khít, thủy chung. Bởi thế, tôi đeo chiếc nhẫn này vào ngón tay ấy!”, thầy Mạo xúc động nói.
PHẠM XƯỞNG