Cát-xê diễn viên truyền hình Hàn Quốc tăng vọt hai thập kỷ qua. Trong khi đó, mức thù lao của sao Việt chỉ dao động từ 200-500 triệu đồng.
Kim Soo Hyun nhận 300 triệu won/tập khi góp mặt ở Nữ hoàng nước mắt |
Những ngày qua, mức cát-xê của Kim Soo Hyun khi góp mặt trong series Queen of Tears (tựa Việt: Nữ hoàng nước mắt) là chủ đề nhận được sự bàn luận của công chúng xứ kim chi. Nhà sản xuất của bộ phim phủ nhận tài tử được trả thù lao 12,8 tỷ won (9,5 triệu USD) khi hoàn thành 16 tập phim.
Theo Star News, trên thực tế, Kim Soo Hyun nhận 300 triệu won/tập. Tức, tài tử đút túi 4,8 tỷ won (3,5 triệu USD). Cát-xê của ngôi sao sinh năm 1988 giảm so với dự án gần nhất là One Ordinary Day (500 triệu won/tập).
Song con số trên vẫn gây ngỡ ngàng cho khán giả Việt. Bởi lẽ, mức chênh lệch cát-xê giữa diễn viên truyền hình Hàn Quốc và Việt Nam lên tới hàng trăm lần.
Hơn hai thập kỷ qua, cát-xê của diễn viên xứ kim chi tăng vọt, tỷ lệ thuận với sự bùng nổ của truyền hình nước này.
Theo SCMP, vào năm 2007, Bae Yong Joon là ngôi sao đầu tiên được trả mức thù lao lên tới 100 triệu won/tập, với vai diễn trong Thái vương tứ thần ký.
11 năm sau, nam diễn viên Lee Byung Hun lập kỷ lục mới khi nhận 150 triệu won/tập phim ở dự án Quý ngài Ánh dương (2018). Những gương mặt đình đám khác của truyền hình Hàn Quốc cũng có cát-xê cao ngất ngưởng: Hyun Bin được trả 150-180 triệu won cho mỗi tập Hạ cánh nơi anh (2019); Song Jong Ki nhận 200 triệu won/tập khi đóng Vincenzo (2021).
Số lượng diễn viên nhận thù lao trên dưới 100 triệu won cho mỗi tập phim khá đông đảo, có thể kể đến Lee Min Ho (Quân vương bất diệt), Lee Jong Suk (Khi nàng say giấc), Lee Seung Gi (Lãng khách), Park Bo Gum (Gặp gỡ)…
Tính đến thời điểm hiện tại, Kim Soo Hyun là nam diễn viên có cát-xê cao nhất Hàn Quốc. Năm 2021, với mỗi tập phim One Ordinary Day, Kim Soo Hyun nhận 500 triệu won (423.000 USD). Tổng cộng, sau 8 tập, diễn viên đút túi khoảng 3,4 triệu USD.
Hay ở dự án It’s Okay to Not Be Okay, nam diễn viên được trả 165.000 USD/tập. Nhờ vậy, anh có thêm 2,6 triệu USD sau khi series khép lại. Gần nhất, Kim Soo Hyun nhận 300 triệu won/tập khi đóng Nữ hoàng nước mắt. Điều đó đồng nghĩa với việc anh góp thêm 4,8 tỷ won (3,5 triệu USD) vào khối tài sản của mình.
Con số cát-xê của sao Hàn khiến không ít nghệ sĩ, khán giả Việt bất ngờ. Nếu đặt một phép tính đơn giản, mức thù lao của diễn viên truyền hình xứ kim chi gấp khoảng 300 lần so với sao Việt.
Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, cát-xê của diễn viên truyền hình Việt dao động từ 200-500 triệu đồng. Tùy thuộc vào độ nổi tiếng, tầm ảnh hưởng mà thù lao nhà sản xuất trả cho các ngôi sao cũng khác nhau. Ngoài ra, số lượng tập cho mỗi dự án phim truyền hình nội địa khá lớn (trung bình 30 tập). Diễn viên chính có thể nhận từ 5-12 triệu đồng/tập. Với những ngôi sao nổi tiếng, con số lên tới 20 triệu đồng/tập.
Trao đổi với phóng viên, đạo diễn Nhâm Minh Hiền cho biết trước đây, anh từng có cơ hội làm việc, gặp gỡ với các đoàn phim truyền hình Hàn Quốc. Theo quan sát của anh, một dự án của nước bạn, tính từ thời điểm casting diễn viên đến ký hợp đồng, tập luyện, quay đến khi phát sóng, tổng thời gian hoàn thiện gấp 10 lần so với một series truyền hình Việt Nam. Ngoài ra, các diễn viên Hàn Quốc thường có một năm chuẩn bị trước khi bước vào dự án.
Cát-xê của diễn viên truyền hình Việt dao động từ 200-500 triệu đồng |
“Chi phí đầu tư cho một bộ phim truyền hình Hàn cũng gấp hàng trăm lần so với Việt Nam. Vật giá, tỷ giá cùng các chi phí khác bên Hàn cũng cao hơn. Vì thế, việc diễn viên nước bạn có mức cát-xê khủng như vậy là hoàn toàn hợp lý. Ngoài ra, truyền hình Việt Nam chủ yếu mang tính chất phục vụ hơn là thương mại. Chúng ta chưa đạt tới ngưỡng công nghiệp truyền hình. Việc xuất khẩu phim truyền hình cũng hạn chế, ít mang lại lợi nhuận. Điều này dẫn tới thù lao cho diễn viên cùng các thành viên trong đoàn phim không cao”, nam đạo diễn chia sẻ.
Theo Nhâm Minh Hiền, mức cát-xê của diễn viên Việt trong 5 năm qua có cải thiện nhưng không quá cao. Ngoại trừ diễn viên, thù lao cho đạo diễn và nhiều bộ phận khác trong đoàn phim trong nhiều năm hầu như không tăng.
Nam đạo diễn nói truyền hình nội địa đối diện với nhiều bài toán nan giải, nguyên nhân quan trọng nhất đến từ mức đầu tư cho phim thấp.
“Nhiều bộ phim yêu cầu phải quay bối cảnh xa, tốn kém nhiều chi phí nên không thể thực hiện. Vì mức đầu tư của nhà đài chỉ có từng đó, đạo diễn, nhà sản xuất khó khăn để xoay xở. Chúng tôi cũng không biết cách nào khác. Truyền hình Việt Nam thực sự rất khó khăn. Giờ chỉ còn cách tăng chi phí đầu tư cho phim thôi”, Nhâm Minh Hiền chia sẻ.
Chung quan điểm, đạo diễn Đỗ Phú Hải cho biết truyền hình miền Nam ra mắt nhiều bộ phim trong những năm qua nhưng tỷ lệ thành công không cao. So với VFC, cách làm phim, chiến lược PR của truyền hình phía Nam còn nhiều bất cập, hạn chế.
“Giá thành đầu tư của phim truyền hình trong Nam rất thấp, chỉ bằng cách đây 20 năm. Trong khi bây giờ, vật giá leo thang. Với số tiền đầu tư khiêm tốn làm sao sản xuất phim tốt được. Chúng ta cũng không trách được nhà đầu tư. Khi lợi nhuận thu về không cao thì không ai dám bỏ vốn lớn”, anh cho biết.
TB (theo Znews)