Một độc giả của tôi tâm sự, năm nào con chị nhận được nhiều tiền mừng tuổi là năm đó chị "cháy túi". Có người không dùng phong bao, đưa tiền thẳng. Họ mừng con mình 100 nghìn đồng thì mình cũng phải mừng lại tương ứng. Họ có ba đứa con trong khi chị có một đứa. Thế nên, nhiều khi đi chúc Tết chị phải... đếm số con của người mình sắp gặp.
Hai câu chuyện khiến tôi nhận ra, mừng tuổi từ lâu đã không còn là chuyện của con trẻ mà dần biến tướng thành cuộc vay - trả giữa người lớn với nhau thông qua bọn trẻ.
Trở lại chuyện được lì xì bằng sách và cây của cậu bé 7 tuổi, tôi thú thật rằng mình cũng đã góp phần vào việc đó khi tham gia kêu gọi các cha mẹ mừng tuổi con bằng sách, bằng cây. Năm ngoái, doanh thu bán sách của công ty nơi tôi làm việc tăng rất mạnh dịp cận Tết. Cửa hàng kinh doanh hoa và cây cảnh của gia đình tôi (nay đã sập tiệm vì Covid) từ 23 tháng Chạp, mỗi ngày bán được gần 100 cây Trạng Nguyên làm quà tặng. Tôi hưởng ứng phong trào ban đầu vì việc kinh doanh, nhưng sau thì thấy ý nghĩa thực sự của việc tặng sách và cây cho trẻ: là gieo sách thay tiền nếu ta muốn đứa trẻ lớn lên cùng trang sách; là gieo cây thay tiền nếu ta muốn trẻ học cách yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng một thực thể sống. Năm nay nhiều nhà sách bắt đầu quan tâm đến việc này bằng những poster kêu gọi mừng tuổi bằng sách.
Nhưng mừng tuổi bằng sách, bằng cây không phải là để tránh cho lũ trẻ sớm đau đầu về tiền bạc. Tiền đâu phải lúc nào cũng bạc. Tiền cũng đâu phải lúc nào cũng là nguồn gốc gây ra những tội lỗi. Tiền càng không phải thước đo giàu nghèo hay mồ hôi nước mắt, vết chai sần trên tay cha tay mẹ... Tôi không đồng tình với những bậc cha mẹ than thở rằng mình phải chi nhiều hơn số tiền con nhận được. Đừng dạy trẻ sự lỗ lãi trong niềm vui trao gửi.
Mừng tuổi trẻ bao nhiêu là đủ? Nhiều phụ huynh hỏi tôi câu đó. Tôi luôn nghĩ mừng tuổi trẻ bằng cách quy đổi ra một bữa sáng của trẻ ở độ tuổi đó. Vì sao là một bữa sáng? Là tôi nghĩ về cách giúp trẻ dễ hình dung về giá trị của tiền mừng tuổi. Tôi mong các cha mẹ thay vì đút lợn hay "để mẹ giữ cho", hãy cùng con lập tài khoản ngân hàng. Tôi từng đề xuất ý tưởng này cho vài người bạn làm ngân hàng nhưng dường như số tiền quá nhỏ khiến các ngân hàng không quan tâm. Tôi ước gì mỗi đứa trẻ đều được cha mẹ tạo cho một tài khoản ngân hàng từ khi bé, để 5-9 tuổi chúng sẽ học về tích lũy, biết rằng tiền có thể đẻ ra tiền; để 10-13 tuổi chúng học về trách nhiệm tích lũy, về khoản phòng thân; để 14-19 tuổi học về đầu tư một khoản tiền theo cách nào đó. Ngân hàng cũng có thể góp tay cùng các cha mẹ để dạy trẻ về IQ tài chính.
Mừng tuổi bao nhiêu không quan trọng bằng mừng tuổi thế nào, lời chúc cho con trẻ quan trọng hơn số tiền. Tôi thật lòng mong được bạn bè để tâm đến con mình qua những lời chúc hơn là món tiền. Mỗi đứa trẻ đều cần nhận được lời chúc "đo ni đóng giày" cho riêng chúng. Đừng "đồng phục" lời chúc. Bởi phong bao lì xì đâu chỉ chứa tiền? Nó còn chở cả mong ước. Nó còn chứa cả hy vọng và mong cầu. Nó còn mang theo cả vạn sự tốt lành mà chúng ta mong gửi gắm cho đứa trẻ.
Cuối cùng, tôi nghĩ cha mẹ cần dạy con cả cách tiếp nhận tiền mừng tuổi. Điều này rất quan trọng. Đừng để tới khi phải giật mình vì trẻ vô tư bĩu môi chê tiền mừng tuổi ít hay vô tư khoe người này mừng nhiều hơn người kia. Trẻ nên được chia sẻ về ý nghĩa của việc mừng tuổi, về việc trân trọng mỗi điều người khác dành cho mình, học cách cảm ơn những điều bé nhỏ.
Trẻ cũng cần được gợi mở rằng có những thước đo khác nhau với giá trị con người, không nằm ở số tiền của họ. Hiểu những điều đó, trẻ sẽ biết cách ăn nói, hành xử phù hợp với tiền lì xì, thay vì hồn nhiên gây tổn thương cho người tặng. Mà đây là những điều cần được tích lũy hàng ngày chứ không phải chờ Tết đến.
Theo VnExpress