Ngày 26.4.2018, Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho quân và dân xã Thất Hùng (Kinh Môn).
Đây là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước cho những đóng góp to lớn của quân và dân xã Thất Hùng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Thất Hùng có vị trí chiến lược quan trọng, là căn cứ địa của đệ tứ chiến khu Đông Triều, là nơi thành lập nghĩa quân cướp phủ Kinh Môn. Ngày 17.6.1945, đồng chí Lê Tâm - cán bộ chiến khu được cử về họp tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Trù ở thôn Hán Xuyên bàn kế hoạch đánh chiếm phủ đường Kinh Môn và giao đồng chí Trù tổ chức lực lượng nòng cốt là tự vệ xã Thất Hùng. Đúng 6 giờ sáng 17.8.1945, đội Việt Minh của xã gồm 25 người giương cao cờ đỏ sao vàng tiến về bao vây đánh chiếm phủ đường Kinh Môn. Tham gia lực lượng này còn có đội tự vệ của tổng Kim Lôi và tổng Dương Nham. Trước sức mạnh của lực lượng khởi nghĩa, tri phủ Đỗ Quang Giai đã đầu hàng. Cùng ngày hôm đó, chính quyền lâm thời xã Thất Hùng được thành lập, xóa bỏ chính quyền thực dân - phong kiến.
Diện mạo xã Thất Hùng ngày càng khang trang
Thất Hùng cũng là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Kinh Môn vào ngày 23.10.1945. Từ đây, được sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, phong trào cách mạng của nhân dân ngày càng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Đáp lại Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân xã Thất Hùng cùng nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.
Từ cuối năm 1947, tình hình cách mạng ở Thất Hùng vô cùng căng thẳng, phức tạp, thực dân Pháp hoạt động ngày càng ráo riết, tàn bạo hơn. Thực hiện chủ trương của Huyện ủy về phá tề trừ gian, giữ vững tinh thần chiến đấu của nhân dân, Chi bộ xã Thất Hùng đã chỉ đạo xây dựng 1 trung đội du kích bán thoát ly do nhân dân nuôi dưỡng, tích cực hoạt động đánh Pháp, bảo vệ nhân dân. Những năm đầu cuộc kháng chiến, thực dân Pháp cùng tay sai hoạt động mạnh mẽ, thường xuyên tổ chức các cuộc càn quét, vây ráp nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng, làm cho quần chúng hoang mang, gây khó khăn cho hoạt động của các tổ chức trong xã.
Do là địa bàn trọng điểm trong vùng tạm chiếm nên lực lượng địch ở Thất Hùng khá mạnh. Giai đoạn từ năm 1949 - 1952 là thời kỳ gay go, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến trên địa bàn xã. Đồn bốt giặc dựng lên dày đặc, vành đai trắng được lập để kiểm soát đêm ngày. Giặc mở nhiều trận càn quét quy mô lớn vào xã Thất Hùng gây thiệt hại lớn cho phong trào cách mạng của xã. Trong các cuộc càn quét này, hàng trăm người đã bị bắt, bị giết, tù đày hoặc mang đi mất tích, trong đó có nhiều cán bộ, đảng viên. Mặc dù vậy, phong trào cách mạng của xã vẫn phát triển mạnh mẽ.
Thực hiện chủ trương chuyển hướng hoạt động xây dựng cơ sở, củng cố lực lượng, đưa đảng viên, cán bộ chủ chốt về xã trực tiếp lãnh đạo lực lượng vũ trang ngay trong hậu phương địch, nhân dân xã Thất Hùng đào trên 200 hầm, hố bí mật. Một số nhà dân làm trần nhà 2 ngăn để nuôi giấu cán bộ về bám đất, bám dân. Chi bộ xã Thất Hùng phát động toàn dân làm quân báo và binh vận bao vây địch các mặt. Trong giai đoạn 1952 - 1953, quân và dân xã Thất Hùng thực hiện nhiều cuộc chiến đấu chống càn, phá hoại đường giao thông, hệ thống thông tin liên lạc của địch. Chi bộ lãnh đạo dân quân du kích và quần chúng nhân dân đấu tranh trực diện công khai với địch, chủ động phục kích chống càn, phá rối gây cho địch nhiều thiệt hại.
Bước sang năm 1954, thực hiện chủ trương của cấp trên về đấu tranh chính trị giành hòa bình sau thất bại của địch trong chiến cuộc đông xuân 1953 - 1954 và bị bao vây ở Điện Biên Phủ, phong trào đấu tranh của nhân dân Thất Hùng cũng thu được những thắng lợi to lớn. Lực lượng vũ trang của xã đã trưởng thành, đủ sức bảo vệ chính quyền và nhân dân. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, quê hương Thất Hùng đã sạch bóng quân thù, nhân dân phấn khởi trở về làng quê xây dựng cuộc sống mới trong không khí hòa bình, tự do.
Đóng góp vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, nhân dân xã Thất Hùng đã phải chịu rất nhiều hy sinh, gian khổ. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, địch đã tổ chức 26 trận càn quét, đánh phá giết hại 112 người, trong đó có 9 đảng viên, 2 cán bộ và 101 du kích; 230 người bị bắt bớ, đánh đập, tù đày, 17 người bị thương, 160 nhà bị đốt, 312 mẫu vườn bị san thành vành đai trắng. Quân và dân trong xã đã tổ chức 125 trận đánh, trong đó có 26 trận chống càn, 6 trận phối hợp với bộ đội chủ lực, 6 trận tập kích, giết 64 tên địch, làm 61 tên bị thương, thu nhiều súng đạn, quân trang, quân dụng.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân Thất Hùng lại cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nhân dân xã Thất Hùng sớm bắt tay khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Năm 2015, xã Thất Hùng đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, hệ thống đường giao thông thôn, xóm đã được bê tông hóa. Cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/năm. Xã có 84% số hộ đạt khá và giàu, 100% số hộ có nhà kiên cố, bán kiên cố. Các trường tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia.
Với những thành tích đó, quân và dân xã Thất Hùng đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý như: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhì, Huân chương Lao động hạng ba cùng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
NGUYỄN TRỌNG THUẤN, Chủ tịch UBND xã Thất Hùng