Do dịch Covid-19, lịch tựu trường của học sinh tại nhiều địa phương vẫn "chưa thể xác định". Trước thềm năm học mới, học sinh, phụ huynh không khỏi lo lắng về khả năng phải học online.
Trăm nỗi lo trước "năm học đặc biệt"
Chưa đầy một tháng nữa, năm học mới sẽ bắt đầu theo khung thời gian năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 căng thẳng và phức tạp, nhiều địa phương vẫn "ngổn ngang trăm mối", chưa thể xác định được ngày đến trường. Do đó, cả nhà trường và phụ huynh đều… thấp thỏm chờ đợi.
Con trai chuẩn bị vào lớp 4, tuy nhiên, thay vì rộn ràng chuẩn bị cho ngày khai giảng như mọi năm, gia đình phụ huynh Lê Hoàng Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) lại "đứng ngồi không yên".
"Chưa năm học nào lại "oái oăm" như năm nay. Tới giờ, con tôi vẫn chưa được tới trường nhận lớp, nhận thầy cô, thậm chí còn chưa mua sách giáo khoa. Đang giãn cách nên không có nơi nào để mua sách vở, đồ dùng học tập. Cứ tình hình này, nếu trường có triển khai dạy trực tuyến thì cũng khó khăn" - anh Lê Hoàng Nam chia sẻ.
Phụ huynh lo lắng trước tình hình dịch bệnh phức tạp (Ảnh tư liệu)
Chưa dừng lại ở đó, vị phụ huynh này còn trăn trở nỗi lo về thiết bị học tập. Năm học trước, khi dịch bệnh bùng phát, con chuyển sang học theo hình thức online, anh Nam phải nhường "cần câu cơm" là chiếc laptop của mình cho con sử dụng.
"Để con học qua điện thoại vài tiếng đồng hồ mỗi ngày, tôi lo ảnh hưởng đến đôi mắt của con. Tuy nhiên, nếu hai bố con dùng chung laptop, tôi thấy cũng rất bất tiện vì tôi cũng cần làm việc.
Chưa kể, tình hình dịch bệnh phức tạp, e rằng các con phải học online lâu dài. Bởi vậy, tôi dự định sẽ mua máy tính để thuận lợi cho việc học tập của con. Tuy nhiên, đây cũng là mối lo lớn khi tình hình kinh tế gặp khó khăn, cả hai vợ chồng cũng phải lo thêm các khoản đóng góp khi cu cậu bước vào năm học mới".
Sống giữa tâm dịch TP Hồ Chí Minh, phụ huynh Phạm Thanh Thảo cho biết, trước tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện tại, rất có thể học sinh sẽ phải bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến.
Khẳng định việc học online sẽ giúp bảo vệ sức khỏe, sự an toàn cho học sinh trong bối cảnh dịch bệnh nhưng theo chị Thảo, hình thức học này vẫn còn tồn tại rất nhiều bất cập, khó khăn.
"Theo tôi, với học sinh cấp 2, cấp 3, việc học online có thể đáp ứng được phần nào việc học tập trong thời gian dịch bệnh vì các em đã lớn, có tinh thần tự giác cũng như sự hiểu biết, sử dụng thành thạo các thiết bị như điện thoại, máy tính. Tuy nhiên với học sinh tiểu học, việc học online rất vất vả cho cả cô giáo, phụ huynh và học sinh.
Năm học trước con tôi đã có khoảng thời gian ngắn học từ xa. Con còn nhỏ nên tôi cứ phải ngồi kế bên mỗi khi con học. Mà học từ xa, các con hay lơ đễnh lắm. Học xong, hỏi lại, con bảo con không nhớ mình đã học được những gì".
Đối với phụ huynh Trần Thu Phương (Quảng Ninh), nỗi lo cho năm học mới của cô con gái sắp sửa "chân ướt chân ráo" bước vào lớp 1 lớn hơn bao giờ hết. Chị Phương tỏ ra băn khoăn về hiệu quả học tập nếu con phải học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
"Định bụng cho con tham gia khóa học "tiền lớp 1" để con nắm được kiến thức cũng như kỹ năng khi bước vào giai đoạn chuyển cấp, song kế hoạch này đành "phá sản" do đại dịch. Nếu vào năm học mới thực hiện dạy trực tuyến, tôi e con sẽ khó theo kịp chương trình; bởi với phương thức học này, thầy cô sẽ không thể trực tiếp uốn nắn, chỉ dạy, bố mẹ cũng không có kiến thức sư phạm để dẫn dắt con" - chị Phương trải lòng.
Không chỉ phụ huynh, nhiều học sinh cũng tỏ ra lo lắng khi tình hình dịch bệnh vẫn vô cùng căng thẳng mà ngày tựu trường đang đến rất gần.
Học sinh Lê Thành Nam (Vĩnh Phúc) bày tỏ: "Hơn hai tuần nữa tới ngày tựu trường, nhưng với tình hình hiện nay, em nghĩ, một lễ khai giảng online là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Dù vậy, em cảm thấy buồn vì học online không đem lại nhiều hiệu quả. Chưa kể, việc chỉ nhìn và tương tác với thầy cô, bạn bè qua màn hình thực sự rất chán".
Được biết, Thành Nam vừa hoàn thành kỳ thi lớp 10 THPT. Nếu dịch bệnh vẫn căng thẳng, việc học sẽ chuyển sang hình thức online, điều này đồng nghĩa em sẽ có những trải nghiệm đầu tiên ở cấp học mới, với bạn mới, thầy mới qua màn hình máy tính. Đây thực sự là điều mà Thành Nam cũng như bao bạn bè cùng trang lứa lo lắng và quan ngại.
Phụ huynh hoàn toàn có thể chuẩn bị cho con
Mặc dù vậy, nhiều phụ huynh vẫn tỏ ra lạc quan và bình tĩnh. Phụ huynh Nguyễn Thanh Mai (Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ, chị và con đã chuẩn bị sẵn tâm thế cho việc học online.
"Dịch bệnh thế này là điều không ai muốn. Các cấp lãnh đạo, nhà trường, thầy cô cũng rất tâm huyết để lên những phương án học tập cho các con. Trường hợp dịch bệnh kéo dài, tôi nghĩ học online là giải pháp đúng đắn nhất. Đồng ý là phương pháp học này có nhiều điểm hạn chế, nhưng không phải là không có ưu điểm. Mỗi người cố gắng một chút, chắc chắn sẽ ổn mà thôi".
Chia sẻ về vấn đề này, nhà giáo Trần Thùy Liên (giáo viên tiểu học tại Hà Nội) cho biết: "Song song với việc chờ đợi quyết định kế hoạch thời gian năm học của UBND TP Hà Nội, trường chúng tôi đang chuẩn bị theo 2 phương án. Nếu có thể lùi thời gian khai giảng năm học mới thì quá tốt. Còn nếu không thể lùi thì chúng tôi vẫn chuẩn bị để dạy trực tuyến".
Dù năm học mới bắt đầu theo hình thức trực tiếp hay online, trẻ cũng cần có tâm lý và nền tảng kiến thức vững vàng (Ảnh tư liệu)
Nêu quan điểm về việc dạy và học theo hình thức trực tuyến, cô giáo Trần Thùy Liên thừa nhận việc học sinh mới chưa có một buổi nào được đến trường mà phải học online sẽ có nhiều khó khăn; do đó, tâm trạng lo lắng của các bậc phụ huynh khi con bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nhà giáo này cho hay, thay vì mãi buồn bã và lo lắng, cha mẹ hoàn toàn có thể chủ động chuẩn bị cho con một hành trang tốt để tiếp bước con vào năm học "đặc biệt" sắp tới.
"Để trẻ tự tin bước vào năm học mới, dù theo hình thức trực tiếp hay online, cha mẹ cũng nên củng cố cho con một tâm thế vững vàng. Hãy trò chuyện với con nhiều hơn về trường, lớp, bạn bè hay thầy cô… cũng như những thay đổi như: con cần dậy sớm hơn, cô giáo có thể giao bài tập, giờ chơi của con sẽ ít lại… so với khoảng thời gian nghỉ hè.
Bên cạnh sự nỗ lực của phụ huynh, đội ngũ giáo viên cũng cần thay đổi và cố gắng. Theo tôi, để "chống sốc" cho trẻ khi bước vào năm học mới theo hình thức trực tuyến, giáo viên cần có buổi sinh hoạt trực tuyến với học sinh để cô trò giới thiệu, làm quen. Lớp học có thể có một vài hoạt động văn nghệ đơn giản (hát, múa) để các con được thể hiện mình…" - cô Liên đề xuất.
Thầy giáo Nguyễn Khắc Hiếu (Hải Phòng) khuyên các bậc làm cha, làm mẹ không nên quá lo lắng nếu năm học tới, các con phải học online. Theo thầy Hiếu, hình thức học này vẫn có thể đem lại hiệu quả tích cực nếu con trẻ được tiếp cận và dạy dỗ đúng cách.
"Trải qua nhiều mùa dịch, các trường học cũng đã có kinh nghiệm trong việc chuyển đổi mô hình dạy - học. Lứa trẻ em sau này cũng thông minh, dễ dàng thích nghi với các thiết bị công nghệ.
Điều quan trọng, cha mẹ hãy đồng hành cùng con trong thời điểm đặc biệt này. Tranh thủ cùng con ôn lại kiến thức, kỹ năng. Trường học chưa có thông báo chính thức thì hãy cứ lạc quan chờ đợi mà thôi".
Theo Dân trí