Sáng 17/11, Tháp nước Hàng Đậu (Hà Nội) - nơi diễn ra trưng bày “Sắp đặt Nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu” đã chính thức mở cửa đón khách tham quan. Sự kiện do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với quận Ba Đình và Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức.
Ghi nhận tại buổi đầu tiên đón khách tham quan, rất đông người dân Hà Nội và du khách xếp hàng chờ đến lượt vào khám phá bên trong Tháp nước Hàng Đậu. Mặc dù mở cửa miễn phí song Ban tổ chức giới hạn số lượng người tham gia trong mỗi khung giờ do không gian trong Tháp không đủ rộng và tránh ảnh hưởng đến các hiện vật trưng bày. Ban tổ chức cũng khuyến cáo khách tuân thủ các quy định để tôn trọng di sản và không gian trưng bày.
Bên trong Tháp là trưng bày “Sắp đặt Nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu” kết hợp hiệu ứng thiết kế ánh sáng, sử dụng vật liệu tái chế và sắp đặt âm thanh tiếng nước chảy, lấy cảm hứng từ lục thủy theo quan niệm Á Đông (tượng trưng cho 6 nguồn nước trong tự nhiên gồm nước sông, nước khe, nước suối, nước mưa, nước ngầm và nước biển). Từ đó, trưng bày mang lại trải nghiệm không gian nghệ thuật thông qua hai hệ sắp đặt chủ chốt. Hệ sắp đặt âm thanh tái hiện lại những âm thanh của nước trong tự nhiên, đưa công chúng tới những chiều không gian tiềm thức trong bản thể, đánh thức mối quan hệ của con người đô thị với môi trường tự nhiên. Hệ sắp đặt ánh sáng mở rộng thị giác về những vỏ bọc đẹp đẽ, các nguyên liệu đều được tái chế bởi rác thải đô thị, nhấn mạnh tác động của đô thị tới môi trường tự nhiên.
Trưng bày là một trong những công trình thể nghiệm nhiều loại hình nghệ thuật và sắp đặt trong lòng di sản. Họa sĩ Nguyễn Đức Phương chia sẻ, không gian này khơi gợi về sự kết nối xã hội đô thị với thế giới tự nhiên thông qua nước, nhấn mạnh tầm quan trọng của nước trong đời sống hiện đại.
Về mặt âm thanh, đội ngũ thiết kế mong muốn dùng tiếng giọt nước để đưa khán giả đến những chiều không gian mênh mông ngay giữa Tháp nước Hàng Đậu. Đội ngũ đã thử nghiệm rất nhiều tần số, điều chỉnh cao độ của giọt nước để chọn ra tần số xoa dịu cảm xúc theo tâm lý học. Các yếu tố kỹ thuật cũng được chọn lọc kỹ càng để phát tiếng nước tự nhiên nhất, nhằm đưa con người trở về trạng thái nguyên thủy của bản thể. Về mặt thị giác, nhóm thiết kế sử dụng vật liệu tái chế là ni-lông để gợi ra vấn nạn ô nhiễm nguồn nước; đồng thời, tính toán nhiều phương án để sắp đặt các "đĩa màu ni-lông" này vừa không tổn hại đến kiến trúc và vừa đủ để biến đường đi bên trong Tháp nước thành điểm nổi bật, hút mắt người nhìn trong không gian tường đá mộc mạc.
Phát biểu tại lễ khai mạc trưng bày, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh: Trưng bày “Sắp đặt Nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu” là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, nhằm triển khai Kế hoạch thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO. Tháp nước Hàng Đậu và vườn hoa Vạn Xuân là địa điểm nằm trong tuyến chính của Lễ hội với nhiều hoạt động văn hóa sáng tạo phong phú. Trưng bày mang đến cho người dân Thủ đô và du khách nhiều trải nghiệm thú vị về các hoạt động sáng tạo.
Cùng với khai mạc trưng bày “Sắp đặt Nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu”, Ban tổ chức khai mạc triển lãm điêu khắc mỹ thuật “Sắt” và ảnh “Di sản văn hóa quận Ba Đình” tại vườn hoa Vạn Xuân.
Các hoạt động trưng bày, triển lãm kéo dài đến ngày 26/11.
Theo TTXVN