Ocean Infinity” đang thắp lên những tia hy vọng mới cho thân nhân của 239 hành khách mất tích cùng chiếc máy bay MH370 cách đây 10 năm tại Ấn Độ Dương.
“Mười năm đã trôi qua, một thập kỷ sống trong sự ngóng trông và chờ đợi, cùng là lẽ tự nhiên khi chúng tôi muốn biết điều gì đã xảy ra và những người thân của chúng tôi đã ở đâu. 10 năm đã qua đi, cảm xúc của tôi vẫn vẹn nguyên không thể nguôi ngoai. Tôi tham dự sự kiện này mong tìm được tiếng nói chung cùng với gia đình các nạn nhân khác. Tôi hy vọng họ sẽ vững vàng và mạnh mẽ vượt qua nỗi đau và tiếp tục kiên trì chờ đợi kết quả từ cuộc tìm kiếm sắp tới”, chị Intan Maizura Othman, vợ của phi công Mohd Hazrin Mohamed trong chuyến bay xấu số MH370, đã nói.
“Mỗi năm trôi qua, mọi chuyện lại tốt hơn một chút, bởi vì chúng tôi biết mình không thể làm gì ngoài việc chờ đợi một cuộc tìm kiếm được bắt đầu lại để tìm thấy chiếc máy bay, nhưng chúng tôi vẫn phải tiếp tục cuộc sống của mình. Tôi mong muốn tìm được chiếc máy bay MH370 để sự mất tích của chồng tôi không còn là một bí ẩn và có lẽ đóng vai trò ngăn chặn một sự cố tương tự trong tương lai”, chị Jacquilita Gonzales, vợ của phi công Patrick Gomes, đã nói.
“Chúng tôi đã luôn sát cánh bên gia đình và người thân các nạn nhân từ năm 2017 và đều tổ chức sự kiện như thế này hàng năm để giúp họ có thêm nghị lực, vượt qua những đau thương, mất mát. Mọi người có mặt tại đây hôm nay đều có chung kỳ vọng vào những nghiên cứu mới trong hành trình tìm kiếm chiếc máy bay MH 370”, anh Tanvir Ahmed - Tổ chức phi chính phủ “Lives Not Numbers” - thành viên của ban tổ chức, nói.
Trên đây là những chia sẻ mà phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur ghi lại tại buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân nhân 10 năm ngày chiếc máy bay xấu số MH370 mất tích. Với chủ đề “MH370: 10 năm đã qua”, buổi lễ đã được các tổ chức phi chính phủ tại Malaysia chung tay tổ chức trang trọng, đầm ấm với sự tham dự của Bộ trưởng Giao thông, Anthony Loke tại một trung tâm mua sắm ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur.
Vẫn là những cái nắm tay chia sẻ, vẫn là những cái ôm thật chặt mà không thể nói thành lời, vẫn là những ánh mắt tưởng chừng như nghị lực nhưng sẽ bật khóc nức nở ngay sau đó…những người thân của 239 hành khách trên chuyến bay MH370 đã bắt đầu buổi tưởng niệm như vậy.
“Cho dù mười năm, hai mươi năm hay thậm chí lâu hơn, nếu chúng tôi còn sống, chúng tôi sẽ không quên những người thân yêu của mình, cũng như sẽ không ngừng tìm kiếm sự thật”, họ cùng viết thông điệp gửi người thân và cho vào một chiếc hộp kỷ niệm để những năm sau đó cùng nhìn lại.
Bên cạnh khu trưng bày những mảnh vỡ của chiếc máy bay, ban tổ chức đã thiết kế những bức tường rào trên đó có gắn tên của 239 nạn nhân với mong muốn những người tham dự sự kiện khi tìm thấy tên người thân của mình cũng nguôi ngoai phần nào nỗi đau đã cất giấu bấy lâu. Tại buổi lễ, gia đình các nạn nhân cũng chia sẻ những thước phim kỷ niệm, bài thơ, bài hát viết lại những cảm xúc của họ trong những năm qua và sau đó cùng thắp lên 239 ngọn nến để tưởng nhớ.
Ngày 8/3/2024, một thập kỷ đã trôi qua kể từ đêm định mệnh 8/3/2014, vẫn chưa có thông tin gì về 239 số phận trên chiếc máy bay Boeing 777 đã biến mất không dấu vết sau khi khởi hành từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh lúc 12h42. Vị trí cuối cùng được biết của chiếc máy bay là ở Ấn Độ Dương ở phía tây Perth Australia, được Thủ tướng Najib Tun Razak công bố vào tháng 3/2014. Khoảng một năm sau, Azharuddin Abdul Rahman, lúc đó là Tổng cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng, tuyên bố MH370 đã gặp tai nạn theo quy định hàng không quốc tế, với toàn bộ 227 hành khách và 12 phi hành đoàn được cho là đã thiệt mạng.
"Chúc ngủ ngon, MH370" – là tin nhắn vô tuyến được gửi từ buồng lái của chuyến bay của hãng hàng không Malaysia Airlines lúc 1h09 sáng ngày 8/3/2014.
Sự biến mất của MH370 sẽ đi vào lịch sử Malaysia như thời kỳ đen tối nhất của ngành hàng không nước này và bí ẩn này đã thu hút sự chú ý của toàn cầu, với nhiều cơ quan điều tra hàng không và các chuyên gia hỗ trợ. Nỗ lực tìm kiếm trên quy mô lớn đã trở thành hoạt động tốn kém nhất được thực hiện trong lịch sử của Malaysia và thế giới với sự huy động tổng cộng 82 máy bay và 84 tàu từ 26 quốc gia tham gia trong suốt 1.169 ngày tìm kiếm dưới đáy đại dương, có diện tích 232.040 km2 ở Ấn Độ Dương đã phải dừng lại vào tháng 1/2017 và gần như không tìm thấy dấu vết nào của chiếc máy bay.
Năm 2018, chính phủ Malaysia đã ký một thỏa thuận với công ty thăm dò đáy biển Ocean Infinity nối lại hoạt động tìm kiếm song vẫn không có kết quả và đã phải dùng lại sau 5 tháng vào tháng 5/2028.
Bằng chứng nhỏ mà cuộc tìm kiếm đưa ra không làm sáng tỏ vụ mất tích, chỉ có ba mảnh vỡ được tìm thấy trên một bãi biển ở Ấn Độ Dương được xác định là của MH370. Việc kết thúc tìm kiếm là một quyết định khó khăn và hầu như không thể chấp nhận được đối với gia đình của các hành khách và phi hành đoàn mất tích. Nỗi đau đớn và thống khổ mà họ phải chịu đựng hơn 3.600 ngày qua vẫn kéo dài và khó diễn tả thành lời.
Giờ đây, quay trở lại sau 5 năm ngừng hoạt động, tại sự kiện, “Ocean Infinity” đã đưa ra thông điệp “Không tìm thấy, không lấy phí” để bắt đầu lại cuộc tìm kiếm với nhiều đề xuất khu trú lại nơi tìm kiếm với việc sử dụng robot lặn biển. Lắng nghe kế hoạch của “Ocean Infinity” tại buổi lễ, Bộ trưởng Loke bày tỏ hy vọng sẽ sớm có buổi làm việc trực tiếp về kế hoạch tìm kiếm của “Ocean Infinity”, đồng thời khẳng định chính phủ Malaysia sẽ tiếp tục hợp tác để tìm ra sự thật.
Bộ trưởng cam kết Bộ Giao thông sẽ nỗ lực hết sức để được Nội các chấp thuận ký hợp đồng mới với “Ocean Infinity”. Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cũng đã để ngỏ khả năng mở lại cuộc tìm kiếm chiếc máy bay. Thủ tướng khẳng định: "Nếu có bằng chứng thuyết phục cho thấy cần mở lại cuộc tìm kiếm, chắc chắn chúng tôi sẽ sẵn sàng mở lại".
“Ocean Infinity” đang thắp lên những tia hy vọng mới cho thân nhân của 239 hành khách. Liệu có một kết thúc thỏa đáng cho thảm kịch buồn này hay không vẫn là câu hỏi mà cả thế giới đang tìm kiếm và cùng chung hy vọng.