Thao thức nỗi lòng trong căn nhà thiếu bóng đàn ông

13/03/2018 08:43

Mỗi người khi đọc bài "Nhà không có đàn ông" của Hoàn Nguyễn đều có cảm xúc riêng, có nhận xét riêng, khen chê đủ cả.

Mỗi người khi đọc bài "Nhà không có đàn ông" của Hoàn Nguyễn đều có cảm xúc riêng, có nhận xét riêng, khen chê đủ cả. Nhưng đa phần bài thơ gây được cảm tình, và lấy đi không ít nước mắt của độc giả. Không phải vô cớ mà bài thơ đã được dịch ra tiếng nước ngoài. Bài thơ đã thể hiện một cách chân thực số phận, cuộc sống, nỗi đau của người phụ nữ. Nhà thơ không chỉ giãi bày lòng mình mà còn nói hộ nỗi lòng của bao người phụ nữ đồng cảnh ngộ.

Câu mở đầu cũng là nhan đề của bài thơ. "Nhà không có đàn ông" được lặp đi lặp lại 5 lần trong bài, đứng đầu các khổ thơ. "Nhà không có đàn ông/điện nước hỏng/đóng cái đinh trên tường/lóng ngóng".

Chữa điện nước hỏng, đóng đinh vốn là những công việc của người đàn ông. Thượng đế đã sinh ra người đàn ông và đàn bà với những thế mạnh riêng là để họ kết đôi bù đắp cho nhau, cân bằng cho nhau, nương dựa vào nhau. Vì vậy, khi nhà không có đàn ông, người phụ nữ ấy bắt đầu phải làm những công việc mà trước đó họ chưa quen, chưa từng phải làm, nên cái việc cỏn con là đóng cái đinh trên tường cũng vụng về, lóng ngóng. Cuộc sống bắt đầu cảm nhận được nỗi vất vả, thiếu thốn, song chưa hết: "bữa cơm chiều vắng bóng/không rượu/không bia/không bàn không ghế/một tô cơm nguội xúc vội bằng thìa".

Khổ thơ có 5 dòng thơ thì cả 5 dòng tác giả dùng câu phủ định. Sự phủ định cứ liên tiếp, dồn dập trong phép liệt kê: vắng bóng, không rượu, không bia, không bàn không ghế, một tô cơm nguội không một từ ngữ biểu cảm mà có rất nhiều cảm xúc dồn nén trong mỗi hình ảnh thơ. Sau một ngày lao động vất vả, mọi người trong gia đình lại đoàn tụ bên mâm cơm chiều để trò chuyện, sẻ chia, để quan tâm, yêu thương. Thế mà bữa cơm chiều lại vắng bóng, vắng tiếng cười nói, vắng cả sự chuẩn bị cho mâm cơm ấm nóng. Hành động xúc vội cũng nói được nhiều điều lắm, có thể ăn một mình buồn thì cần ăn cho nhanh tránh cảm giác cô đơn, buồn tủi. Xúc vội ăn nhanh bởi còn bao nhiêu việc đến tay, bao việc phải làm. Lo toan tất bật cả ngày, đến bữa cơm chiều cũng không thong thả, nhẩn nha thì quả là vất vả, thương những người phụ nữ cô đơn này quá.

Dù tỏ ra cứng cỏi, mạnh mẽ, người phụ nữ vẫn mềm yếu, nhỏ bé, canh cánh những nỗi lo sợ, những bất trắc, tai ương: "Nhà không có đàn ông/cửa im lìm đóng/một lỗ tò vò nhìn ra/tối chong đèn sợ ma/trên tường ghi số 113!?".

Thu mình trong căn nhà, cửa đóng then cài hạn chế tối đa mọi giao tiếp. Mối liên hệ với bên ngoài là lỗ tò vò, để quan sát, để đề phòng. Và giải pháp hữu hiệu "trên tường ghi số 113!?", bởi đơn giản là thiếu sự bảo vệ từ người đàn ông, thiếu điểm tựa trong nhà nên lúc nào cũng có cảm giác lo lắng, cần phải đề phòng. Và nỗi lo cứ ám ảnh, cứ quanh quẩn.

"Nhà không có đàn ông/mưa dông/ôm con co ro/đêm trắng". Người phụ nữ ấy cứ lặng lẽ hết ngày lại đêm hết sợ trời tối lại sợ bão dông, không lúc nào hết cảm giác lo lắng, sợ hãi không biết còn bao tai ương rình rập.

"Nhà không có đàn ông/không nhớ ngày nhớ tháng/mỗi bước đi về chân nhẫm dấu chân/chông chênh lạc lõng dòng đời". Thời gian là khái niệm trừu tượng, vô hình nhưng lại in dấu trong tâm trí mỗi người bằng kỷ niệm. Thời gian vừa là bạn đồng hành vừa là liều thuốc xoa dịu nỗi đau, giúp người ta sống tốt hơn khi hy vọng vào một tương lai tốt đẹp. Vậy mà người đàn bà trong thơ Hoàn Nguyễn cái gì cũng "không", kể cả không nhớ ngày nhớ tháng. Phải chăng những gì trải qua luôn là nỗi ám ảnh khiến người đàn bà mong muốn quên đi, rũ bỏ những ngày tháng qua. Hay bởi cuộc sống cô đơn lặng lẽ cứ nối tiếp trôi qua: "mỗi bước đi về chân nhẫm dấu chân/chông chênh lạc lõng dòng đời".

Trong hai câu cuối khổ thơ, bằng biện pháp hoán dụ tác giả đã diễn tả một cách sâu sắc, tinh tế nỗi cô đơn, trống trải tận cùng trong căn nhà thiếu vắng đàn ông. Người đàn bà lặng lẽ đi về, nghe rõ bước chân mình, nhìn rõ dấu chân mình bởi còn ai nữa đâu. Người đàn bà cảm nhận rất rõ sự chông chênh bởi thiếu vắng một chỗ dựa, một bờ vai, một sự sẻ chia, an ủi, yêu thương.

"Nhà không có đàn ông/gương soi chẳng thấy mặt người". Hai câu kết để lại niềm băn khoăn day dứt trong lòng người đọc. Vẫn là gương cũ, sao chẳng thấy người. Vẫn là gương đấy sao soi vào chẳng thấy mình hay nước mắt đã làm nhòe đi, hay nhìn đấy mà chả nhận ra mình nữa... Biết bao nỗi niềm, bao tâm tư giấu kín, bao kìm nén trong hai câu thơ cuối và bao nỗi xót xa cứ lan tỏa từ câu đầu đến câu cuối bài thơ. 

Nếu ai đã từng đọc thơ Hoàn Nguyễn sẽ dễ dàng nhận thấy bài thơ này thật khác biệt với những bài thơ mà chị đã viết. Lối viết dung dị, câu từ như chảy từ cuộc sống vào thơ. Cảm xúc dường như được giấu kín nhưng lay động lòng người bởi đã chạm đến tâm hồn bao người đàn bà dang dở.

PHẠM NGA

Nhà không có đàn ông

Nhà không có đàn ông
điện nước hỏng
đóng cái đinh trên tường
lóng ngóng
bữa cơm chiều vắng bóng
không rượu
không bia
không bàn không ghế
một tô cơm nguội xúc vội bằng thìa

Nhà không có đàn ông
cửa im lìm đóng
một lỗ tò vò nhìn ra
tối chong đèn sợ ma
trên tường ghi số 113!?

Nhà không có đàn ông
mưa dông
ôm con co ro
đêm trắng

Nhà không có đàn ông
không nhớ ngày nhớ tháng
mỗi bước đi về chân nhẫm dấu chân
chông chênh lạc lõng dòng đời

Nhà không có đàn ông
gương soi chẳng thấy mặt người.

HOÀN NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thao thức nỗi lòng trong căn nhà thiếu bóng đàn ông